Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều tín hiệu khởi sắc

Nối tiếp xu hướng tăng trưởng tích cực của hai quý cuối năm 2017, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan ở mức 7,38% trong quý đầu năm 2018.

Sau nhiều năm tăng trưởng dưới 3%, thậm chí năm 2016 ở mức -1,23%.  Quý I /2018 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông-lâm-ngư nghiệp với mức gia tăng 4,05%. Trong đó, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng đạt 4,76%. Đáng chú ý là,  mức tăng 3,76% của ngành nông nghiệp trong Quý cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang những sản phẩm ngành hàng có lợi thế phát triển.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ của nhiều năm trước (2016 6,72%; 2017 4,17%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực công nghiệp với mức tăng 13,56%. Khai khoáng cũng có những dấu hiệu tích cực khi tăng trưởng trở lại với mức 0,4% sau hai năm liên tục suy giảm.

Khu vực dịch vụ trong Quí I đạt mức tăng trưởng 6,7% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những ngành đóng góp cao vào mức tăng trưởng chung là bán buôn, bán lẻ tăng 7,45%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 7,60%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 7,72%. Thị trường tiêu dùng và bán lẻ diễn ra sôi động trong khi lạm phát có xu hướng tăng nhẹ chủ yếu do  tăng giá xăng dầu và điều chỉnh giá dịch vụ y tế /giáo dục.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều hiệu khởi sắc

Xuất nhập khẩu quý I gia tăng với tổng kim ngạch xuất khẩu 54,31 tỷ USD và nhập khẩu đạt 53,01 tỷ USD. Mặc dù thị trường tài sản, giá vàng thế giới tăng mạnh, có những thời điểm vượt qua mức giá trong nước, song thặng dư thương mại cả quý vẫn đạt 1,3 tỷ USD và  thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì sự ổn định.

Trên thị trường tài chính tiền tệ,  tỷ giá danh nghĩa đồng tiền giữ khá ổn đinh. Tính đến ngày 30 tháng 3 tỷ giá tham chiếu giữa VNĐ/USD chỉ tăng 1,9% so với đầu năm. Cùng với gia tăng thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối giữa Quý I đạt 57 tỷ USD, tương đương hơn 3 tháng nhập khẩu. Với mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước, lãi suất huy động được giữ ổn định.  Mặt bằng lãi suất ít biến động còn được thể hiện qua mức tăng trưởng gần như bằng nhau của cả huy động và cho vay tín dụng.

Trong điều hành Nhà nước, nhiều cân đối vĩ mô trong Quý I đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Mặc dù giá dầu hồi phục, song Chính phủ vẫn giảm dự toán thu ngân sách từ dầu thô nhằm giảm sự phụ thuộc của thu NSNN vào nguồn tái nguyên có hạn. Để bù đắp cho sự suy giảm nguồn thu từ hoạt động XNK khi tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, Chính phủ đã tăng nguồn thu nội địa. Theo đó, trong tổng nguồn thu khoảng 216,7 nghìn tỷ đồng (tính đến 15 tháng 3), nguồn từ nội địa chiếm  81%. Chi ngân sách cả quý ước đạt 229, 1 nghìn tỷ trong đó chi thường xuyên chiếm tới 75,6%, cao hơn mức 70,7% của năm 2017 (VEPR 2018).

Phân tích xu thế phát triển cả năm 2017 và những vấn đề nảy sinh trong những tháng đầu năm, giới nghiên cứu nhận thấy: Rủi ro tài chính đến từ nợ xấu chưa được xử lý tốt, các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế, có thể làm tăng tín dụng bất ngờ.

Do chịu tác động bất lợi từ những biến động toàn cầu, động thái tăng cường bảo hộ thương mại của những nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với các quốc gia phát triển khiến Việt Nam chịu rủi ro lớn hơn đối với căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường nội địa (ADB 2018, Aaron Batten 2018).

Từ góc nhìn ADB, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Tuy nhiên, thiếu hụt kỹ năng đã nổi lên trở thành rào cản đối với việc thu hút FDI (ADB 2018).

Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận xét, lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ là hạn chế lớn trong môi trường kinh doanh. Kết quả khảo sát thị trường lao động Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy, khoảng 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu. Tìm được một ứng cử viên vào các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp.

Lực lượng lao động của Việt Nam tăng nhanh, từ 38 triệu người vào năm 2000 được dự báo sẽ lên 56 triệu vào năm 2020. Năng lực đào tạo bài bản của các trường đại học chuyên nghiệp và trung tâm dạy nghề mới đảm bảo được khoảng 20% số lao động cả nước. Những nỗ lực cải cách gần đây đạt một số tiến bộ, nhưng các trường đại học và đào tạo nghề vẫn bị giới bởi thiếu tự chủ, chương trình chậm đổi mới hoặc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Những tồn tại đang cần sự hợp tác mạnh mẽ và nhất quán giữa chính phủ với khu vực tư nhân để nâng cấp hệ thống giáo dục lên tầm quốc tế và chuẩn bị tốt cho học sinh bước vào thị trường lao động trong tương lai.

TS. Lê Thành Ý

 

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-nhieu-tin-hieu-khoi-sac-a1101.html