Theo Hội đồng Xét xử (HĐXX), đây là phiên toà phức tạp và liên quan đến nhiều bên, nên xét thấy cần kéo dài và có thời gian để cân nhắc, và nhiều lý do khách quan nên không thể kết thúc phiên toà sớm.
Chiều 23/11, nguyên đơn Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn Công ty TNHH Grab (Grab) chuyển sang phần tranh luận làm rõ vấn đề thiệt hại thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng.
Phía Vinasun giữ nguyên quan điểm đã trình bày, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại. Vinasun hoàn toàn đồng ý kết quả giám định và văn bản giải thích của Công ty Cửu Long (công ty giám định).
Vinasun cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như đề án 24. Về thiệt hại thực tế của Vinasun, các báo cáo đều đưa ra số liệu thiệt hại của Vinasun bắt nguồn từ nguyên nhân Grab, Uber tham gia kinh doanh vận tải. Vinasun cho rằng, số liệu thiệt hại thực tế còn lớn hơn 41,2 tỷ.
Theo kết luận giám định, tổng số thiệt hại do Grab và Uber gây ra là 158,6 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là 85,9 tỉ đồng. Nguyên nhân được xác định là do sự xâm nhập của Grab gây ra, là mối quan hệ nhân quả. Các kết quả giám định dựa trên phân tích thị trường của 3 công ty chứng khoán.
Ngược lại, phía Grab cho rằng kết luận giám định của Công ty Cửu Long đã không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab đối với thiệt hại của Vinasun. “Trong khi đó, đơn vị giám định là Công ty Cửu Long vắng mặt khiến các sai sót của kết luận không được đối chất” - phía Grab nói
Kết thúc phần tranh luận của 2 bên, HĐXX đề nghị 2 bên xem lại quy định về giám định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp. HĐXX cho biết, phần tranh luận chưa chấm dứt, nếu cần thiết thì HĐXX sẽ yêu cầu các bên tranh luận bổ sung.
Tổng hợp
Tổng hợp
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vinasun-kien-grab-hdxx-lai-tuyen-bo-tam-dung-a1114.html