Lào Cai: Một trung tá Công an bị tố “bịa luật” để cản trở báo chí?

Liên quan đến việc PV phản ánh tình trạng môi trường bị xâm hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dư luận hết sức bất bình về một Trung tá Công an của tỉnh này đã “bịa luật” để cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật!

 

Phản ánh của Truyền hình Người Đưa Tin

Trung tá “bịa” ra luật?

Vừa qua, Truyền hình Người Đưa Tin đăng tải phóng sự “Lào Cai: Thượng nguồn sông Hồng bị xâm hại nghiêm trọng” phản ánh tình trạng vi phạm môi trường rất nghiêm trọng. Đặc biệt là núi rác khổng lồ gần ngay nhà Chủ tịch tỉnh Lào Cai, thuộc phường Bắc Cường, TP Lào Cai, có dấu hiệu buông lỏng quản lý từ những người có trách nhiệm.

PV đã đến các cơ quan chức năng, trong đó có CATP Lào Cai để tìm hiểu về công tác phòng chống tội phạm môi trường trên địa bàn, nhưng CATP Lào Cai không làm việc với lý do “lãnh đạo đi vắng” và còn yêu cầu trái pháp luật khi yêu cầu PV ngoài thẻ nhà báo còn phải có giấy giới thiệu mới làm việc.

Lần 2 trở lại, PV trình cả thẻ nhà báo và GGT, thì được cán bộ CA hẹn “tuần sau, ngày 13-12 sẽ bố trí làm việc với nhà báo”.

Lần 3, sau nhiều lần đi lại mấy trăm km từ Hà Nội đến Lào Cai, dù đã có lịch hẹn trước, PV vẫn phải chờ đợi đến cuối giờ chiều. Ông Hoàng Văn Sơn, tự giới thiệu là Đội trưởng Đội tham mưu CATP Lào Cai tuyên bố thừa lệnh cấp trên, từ chối làm việc với PV với lý do mà ông Sơn khẳng định là “theo luật báo chí”: Tức là PV báo nào muốn tiếp cận các cơ quan nhà nước trên địa bàn thì cơ quan báo chí đó phải có văn phòng đại diện ở địa phương và PV phải được UBND tỉnh cho phép.

Trên thực tế, Luật báo chí không có điều khoản nào như ông Sơn nói. Hệ thống văn bản pháp luật cũng không có quy định cơ quan báo chí phải có văn phòng đại diện và phải được UBND tỉnh đó cho phép thì mới được tiếp cận các cơ quan Nhà nước.

Nói cách khác, ông Sơn tự nghĩ và tự bịa ra các điều khoản, quy định của riêng mình nhằm mục đích ngăn cản PV tiếp cận thông tin đúng pháp luật. Điều này là vi hiến, đi ngược lại Hiến pháp nước CHXHCNVN, vi phạm hệ thống pháp luật VN, xâm phạm nghiêm trọng quyền tiếp cận thông tin của Nhà báo.

Khẳng định với báo chí, bà Trần Xuân Huệ, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho hay: “Tỉnh không có văn bản nào giới hạn quyền tác nghiệp tác nghiệp của phóng viên như thế...Tỉnh Lào Cai rất có thiện chí với báo chí. Anh cứ hỏi đồng chí ấy (ông Sơn) là quy định tại văn bản nào”.

Ông Phạm Gia Chiến, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai, cũng trả lời dứt khoát rằng, tỉnh Lào Cai không có quy định nào như vậy.

Ông Trần Văn Bắc, Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai, cũng khẳng định Lào Cai không có quy định nào hạn chế hoạt động của báo chí như vậy. “Quy định ở đâu ấy chứ, Lào Cai làm gì có quy định đó. Công an tỉnh làm gì có quy định nào hạn chế báo chí đâu. Báo chí được quyền tự do tiếp cận cơ mà...”. Ông Bắc hướng dẫn PV làm việc thẳng với cấp trên của ông Sơn.

Hành vi coi thường pháp luật của người bảo vệ pháp luật?

Các chuyên gia pháp lý cho biết Luật báo chí chỉ có yêu cầu thông báo tới UBND tỉnh nếu cơ quan báo chí có nhu cầu thành lập VPĐD và có phóng viên thường trú, còn việc liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng thì không có văn bản nào yêu cầu phải xin phép UBND tỉnh hay phải có văn phòng đại diện thì mới được tiếp cận cơ quan Nhà nước.

Ông Hoàng Văn Sơn - Đội trưởng Đội Tham mưu CATP Lào Cai từ chối làm việc và khẳng định đó là "theo luật báo chí"

Trong trường hợp này, không thể nói người bảo vệ pháp luật như ông Trung tá Sơn lại không hiểu luật. Nếu việc ông Sơn cố tình viện dẫn ra những điều luật không có để nhằm cản trở tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí và PV là vi phạm pháp luật theo khoản 12 Điều 9 của Luật báo chí; Điều 7 của Nghị định số 159/2013/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về “Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí”. Hành vi này cũng được quy định cụ thể theo Điều 167 Bộ Luật hình sự 2015 về Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…của công dân.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng ông Sơn còn vi phạm các quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức trong bộ máy địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ – BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ, cụ thể theo Điều 10 và Điều 11 quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức không được cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của những người trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và của công dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.”, “Cán bộ, công chức, viên chức khi được giao giải quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức và của công dân không được từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Điều 17, Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định: “Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ”.

Các chuyên gia cũng cho rằng với tư cách người cán bộ, đảng viên có chức vụ, người chiến sĩ công nhân nhân dân, Trung tá Hoàng Văn Sơn đã tự “bịa” ra các quy định của pháp luật là hành vi coi thường pháp luật, không đúng với chuẩn mực, tác phong đạo đức của người cán bộ, đảng viên, Công an nhân dân…ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của CA tỉnh Lào Cai nói riêng, hình ảnh người cán bộ, đảng viên nói chung gây bức xúc cho dư luận.

Hành vi của Trung tá Sơn đã đi ngược lại với tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.  

Cần làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm…?

Liên quan tới vụ việc này, nhà báo Quang Khởi, Báo điện tử Người Đưa Tin vừa có đơn tố cáo những hành vi cản trở báo chí tác nghiệp của ông Hoàng Văn Sơn tới cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm.

Những nhà báo chân chính cũng như người dân có trách nhiệm rất bức xúc vì trước tình hình môi trường bị xâm hại nghiêm trọng ở địa phương được phản ánh trong loạt bài. Nhóm PV thực hiện tuyến bài trên phải rất vất vả lặn lội đường xa tới đây tìm hiểu thực tế, khi cần sự phối hợp, giúp đỡ từ cơ quan chính quyền thì lại bị “hành xác”, liên tục đi lại trên quãng đường cả hàng trăm cây số mà cuối cùng bị từ chối làm việc bởi một quy định “trên trời rơi xuống” của vị cán bộ kia.

Nhóm PV thực hiện đề tài nêu trên còn nghi ngờ sự việc sẽ không chỉ dừng ở đây vì ông Sơn nói rõ mình thừa lệnh cấp trên khi gặp và từ chối làm việc với báo chí. Vậy có hay không người “chỉ đạo” ông Sơn không được cho báo chí tiếp cận thông tin, hay tất cả do ông Sơn tự biên tự diễn.

Hiện vụ việc đang rất thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ vì sự cấp thiết trong giải cứu tình trạng xâm hại môi trường ở tỉnh Lào Cai, mà còn vì văn hóa ứng xử, sự tuân thủ pháp luật đang bị vi phạm bởi chính những người làm trong cơ quan hành pháp bảo vệ pháp luật.

Từ vụ việc trên, thêm một lần nữa dư luận đặt ra câu hỏi băn khoăn: Với nhà báo, cơ quan báo chí mà những cán bộ, công chức, đảng viên có chức vụ như ông Hoàng Văn Sơn - Đội trưởng Đội Tham mưu CATP Lào Cai còn ứng xử như vậy thì với dân họ sẽ ứng xử như thế nào? 

Đồng thời dư luận, bạn đọc và đông đảo người làm báo cũng bày tỏ sự đồng tình với thái độ không khoan nhượng với tiêu cực, không bỏ cuộc trong hành trình đi tìm công lý và đấu tranh đến cùng để trả lại miền tin cho nhân dân của nhà báo Quang Khởi và nhóm PV thực hiện loạt phóng sự có liên quan nêu trên. Bởi một chân lý cũng là niềm tin rất đơn giản: “Nhà báo, cơ quan báo chí nếu không tự bảo vệ được chính mình thì ai còn tin họ bênh vực được lẽ phải, sự công bằng cho cộng đồng?!”.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, quan điểm "không có vùng cấm" trong công tác đấu tranh phòng, chống những tiêu cực trong bộ máy công quyền của Đảng và Nhà nước ta, dư luận đang chờ đợi và tin tưởng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng có liên quan sẽ giải quyết vụ việc một cách kịp thời, công khai, minh bạch, công tâm và khách quan...

QT

 

QT

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/lao-cai-mot-trung-ta-cong-an-bi-to-bia-luat-de-can-tro-bao-chi-a1126.html