Bố mẹ làm gì khi trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý?

Chiều ngày 7- 5, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức buổi họp báo về rối loạn tăng động giảm chú ý.

 

Tại buổi họp báo, bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây nên ADHD như: Di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường… ADHD có biểu hiện quá mức tình trạng không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát và tăng hoạt động.

Sự kiện - Bố mẹ làm gì khi trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý?

Quang cảnh buổi họp báo

Một số biểu hiện chính như: Vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt; bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi, nói quá nhiều…

Việc chữa bệnh có nhiều lựa chọn điều trị như giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp... và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nặng của rối loạn, thể lâm sàng, điều trị trước đó... mà có chỉ định điều trị, can thiệp phù hợp.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở khám chuyên khoa Tâm thần Nhi để được khám, đánh giá chính xác, toàn diện và được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Theo Truyền hình Người Đưa Tin

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bo-me-lam-gi-khi-tre-em-mac-roi-loan-tang-dong-giam-chu-y-a1168.html