Urê tăng 1000 đ/kg, DAP... cắt lỗ
Vụ lúa ĐX 2018 - 2019 ở vùng ĐBSCL chuẩn bị vào vụ thì nông dân chới với vì giá phân vô cơ bất ngờ tăng mạnh. Ông Tám Hữu, chủ đại lý Văn Hữu (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, cách đây 1 tháng giá phân đạm (urê) Cà Mau có 8.200 - 8.300 đồng/kg, nay nhà sản xuất tăng giá nên đại lý bán ra cho nông dân 9.200 - 9.300 đồng; phân urê Phú Mỹ cũng vậy, từ chỗ 7.800 - 7.900 đồng/kg nay tăng lên 8.500 - 8.600 đồng; Riêng các loại phân 3 màu NPK chuyên dùng cho cây lúa với các công thức 20-17-7; 18-4-22; 20-10-5; 18-2-22... cách đây 1 tháng giá nhập từ nhà máy có 400 - 420 ngàn đồng/bao (50 kg/bao), nay phải bán cho nông dân giá từ 430 - 460 ngàn đồng (tức tăng 500 - 600 đồng/kg).
Phân urê hạt đục Cà Mau đầu năm giá có 7.300 đồng/kg nay tăng lên 9.300 đồng/kg
“Tôi thắc mắc với nhà máy, họ cho biết do giá nguyên liệu không chỉ urê mà cả kali, DAP là các nguyên liệu dùng phối trộn NPK đều tăng giá. Ngoài ra, 1 bao phân về đến các đại lý cấp 2, 3 còn phải tăng thêm chi phí vận chuyển khoảng 30 ngàn/bao cho mỗi cấp. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân mua chịu phân bón nên họ phải gánh thêm một khoản tiền lãi phải trả vào cuối vụ. Cuối cùng, người nông dân chịu thiệt nhất sau mỗi lần tăng giá”, ông Hữu chia sẻ
Theo tìm hiểu chúng tôi, đây là đợt tăng giá phân mạnh nhất từ đầu năm đến nay, trong đó đạm Cà Mau, giá đầu năm bình quân chỉ có 7.300 đồng, đến nay chỉ chưa đến 1 năm đã tăng đến 2.000 đồng/kg(!!!). Còn phân DAP, sau “cú” áp thuế suất tự vệ cho mặt hàng nhập khẩu này bắt đầu từ tháng 8/2017 thì DAP sản xuất trong nước gồm Đình Vũ và Lào Cai như “nắng hạn gặp mưa rào”, liên tục tăng giá, từ chỗ trên 8.000 đồng, nhưng sau khi áp thuế là trên 9.000 đồng/kg, còn nay đã “cán mức” trên 11.500 đồng, tức tăng hơn 3.000 đồng/kg chỉ sau 1 năm.
DAP sản xuất trong nước (Đình Vũ) đã cắt lỗ và có lãi hàng chục tỷ sau “cú” áp thuế tự vệ, chỉ sau 1 năm tăng giá hơn 3.000 đồng/kg, tức chỉ cần SX 300 ngàn tấn là đã có chênh lệch 300 tỷ đồng nhờ tăng giá
Thế nên, từ chỗ là một trong 12 dự án được cho là “tăm tối” yếu kém của Bộ Công thương, từ cuối năm 2107 đến nay, DAP Đình Vũ không chỉ cắt lỗ mà còn có lãi hàng chục tỷ đồng.
Doanh nghiệp phân bón 'điên đầu'
Theo ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Phân bón Hà Lan (KCN Tân Kim, Long An), trong SX phân NPK trộn, hiện các nhà máy có xu hướng chọn urê hạt đục lớn Cà Mau nên phụ thuộc vào nhà sản xuất này. Trong khi đó, mặc dù urê hạt trong của Phú Mỹ giá rẻ hơn 600 - 700 đồng/kg so với đạm Cà Mau nhưng các nhà máy lại không thể sử dụng do hạt Phú Mỹ mịn nhanh tan. Thế nên, ngoài nguyên nhân như bảo trì máy, xăng dầu, tỷ giá đồng USD tăng thì vấn đề thao túng giá do độc quyền cũng là một trong những yếu tố đẩy giá urê Cà Mau tăng mạnh.
“Hiện nay, khổ sở nhất là các doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ, do ít vốn nên sản xuất đến đâu mua hàng (nguyên liệu) đến đó, sản phẩm giao cho đại lý đã chốt giá, nay giá nguyên liệu tăng buộc phải điều chỉnh lại giá bán sản phẩm, điều này nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp”, ông Dũng chia sẻ
Còn theo ông Trần Văn Châu - TGĐ Cty TNHH XNK Phân bón Châu Âu (KCN Tân Kim, Long An), tùy vào từng loại phân bón cho từng loại cây trồng mà tỉ lệ phối trộn các nguyên liệu như đạm, lân, kali của từng đơn vị sản xuất khác nhau, từ đó tác động của việc tăng giá nguyên liệu vào giá thành sản xuất của từng loại cũng khác nhau.
Các doanh nghiệp phân bón vừa sản xuất vừa “điên đầu” vì giá nguyên liệu (urê, kali, DAP...) đều tăng
Chẳng hạn, đối với sản phẩm NPK 5-10-3 bón cho lúa, tỉ lệ trong 100kg phân bón tổng hợp này có 5kg đạm nguyên chất, 10kg lân nguyên chất và 3kg kali nguyên chất. Như thời điểm này, giá thành đạm (urê) tăng 5%, dẫn tới giá thành sản xuất NPK 5-10-3 cũng tăng 2 - 3%. Với công thức NPK 20-20-15 là loại sản phẩm được bà con nông dân sử dụng phổ biến đang phải tăng từ 30 - 40 ngàn đồng/bao 50kg, tức tăng khoảng 600 - 800 ngàn đồng/tấn.
“Trong khi mỗi đơn hàng của doanh nghiệp được ký kết hợp đồng đều đã thỏa thuận cụ thể về sản lượng và giá thành. Thế nhưng, đến khi giá nguyên liệu tăng lên, doanh nghiệp lại không thể điều chỉnh hợp đồng mà tăng giá bán lên được, cũng không thể thay đổi hàm lượng sản phẩm gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp, mà nếu không điều chỉnh thì ảnh hưởng tới lợi nhuận của Cty. Đây là điều đau đầu của các doanh nghiệp phân bón hiện nay”, ông Châu nói.
"Thông thường, tăng giá ở trường hợp khan (hiếm) hàng hoặc rơi vào cao điểm vụ sản xuất cần phân bón. Trong khi tại khu vực Tây Nguyên thì còn 1 - 2 tháng tới mới bắt đầu bón phân vụ đầu cho cà phê, tiêu. Vì thế, hiện bà con nông dân tại đây chưa có nhu cầu sử dụng phân bón, thì không hiểu khi vào vụ thị trường phân bón sẽ còn biến động như thế nào nữa?", ông Trần Dũng phân vân. |
Đ.Quyên/Nông nghiệp Việt Nam
Đ.Quyên
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thi-truong-phan-bon-lai-tang-manh-nguoi-nong-dan-choi-voi-a1200.html