Đây là dự luật liên quan tới cá nhân, tổ chức, kể cả kinh doanh và không kinh doanh còn có những đánh giá khác biệt. Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, bài viết đề cập đến một số khía cạnh rút ra từ một số quốc gia và việc cần vận dung trong hoàn cảnh Việt Nam.
Dự thảo luật thuế tài sản những nội dung cốt lõi
Nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách tài sản, tái cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN), xây dựng hệ thống thuế đồng bộ; quản lý và khai thác tốt nguồn thu từ tài sản; Bộ Tài chính đã kiến nghị trình Quốc hội đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo luật đệ trình gồm 4 chương, 15 điều quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; giá tính thuế, thuế suất; nguyên tắc miễn, giảm thuế và đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Đối tượng chịu thuế là đất phi nông nghiệp (bao gồm cả đất ở đô thị và nông thôn); nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ; tàu bay, du thuyền và ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Luật được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng chịu thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Căn cứ tính thuế là giá tính thuế và thuế suất. Đối với đất thuế tính theo diện tích và giá của 1 m2. Thuế đối với nhà được xác định bằng diện tích nhân với giá 1m2 nhà tính thuế, có phân biệt nhà mới xây và nhà đã qua sử dụng. Đối với tàu bay, du thuyền và ô tô giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Thuế suất đất ở, bao gồm cả đất sử dụng để kinh doanh và đất xây dựng nhà chung cư đều có mức 0,4%. Mức thuế suất này cũng được vận dụng để tính thuế đối với nhà hoặc tàu bay, du thuyền và ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Chương 3 của dự luật đã dành 4 điều quy định về miễn thuế, giảm thuế, đăng ký, kê khai tính và nộp thuế (Quốc hội khóa 14/ 2018)
Đánh giá dự thảo Luật này, Bộ Tài chính cho rằng “.... phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu NSNN; phù hợp với định hướng, mục tiêu về cải cách hệ thống chính sách thuế; phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản”. Cũng theo bộ này, việc đưadự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là cần thiết, phù hợp” ( Bộ Tài chính 2018).
Cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét đối với đề nghị của Bộ Tài chính; còn dư luận xã hội lại có ý kiến khác nhau về dự án Luật thuế này. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và đánh giá tác động của từng chính sách (Chu Thanh Vân 2018)
Luật thuế tài sản từ góc nhìn luật pháp
Là một từ ngữ quen thuộc, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được coi là trọng tâm của các quan hệ xã hội và trong pháp luật. Tài sản tồn tại dưới nhiều dạng phong phú và đa dạng, việc phân loại có ý nghĩa quan trọng để giải quyết những vấn đề tranh chấp phát sinh. Quyền tài sản là quyền trị giá bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản được xác định tương đương với một đại lượng vật chất. Quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ…là những quyền phổ biến ở nhiều quốc gia (Luật Dương Gia 2018)
Thuế tài sản là tên gọi sắc thuế đánh vào quyền sở hữu hoặc sử dụng được thu định kỳ liên quan đến việc sử dụng, sở hữu và chuyển nhượng tài sản. Thuế tài sản được áp dung trong trường hợp hình thành hoặc chấm dứt quyền sở hữu tài sản hoặc đánh vào những tài sản có giá trị lớn, như máy bay, du thuyền, biệt thự... trong quá trình sử dụng.
Thuế tài sản có những tên gọi khác nhau. Tuy không có khuôn mẫu chung, nhưng có thể xếp thành 3 nhóm đó là: Thuế đăng ký tài sản được sử dụng khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; Thuế tài sản, thuế bất động sản (nhà, đất...) đánh vào quá trình sử dụng tài sản được thu hàng năm và Thuế chuyển nhượng tài sản. Do tài sản là những thứ khó di chuyển qua biên giới và giữa các địa phương, nên thuế tài sản được xác định là một nguồn thu của ngân sách địa phương.
Từ nhiều thế kỷ đã qua, các quốc gia trên thế giới đều coi trọng việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện nghiêm minh pháp luật về thuế tài sản. Thuế tài sản đã thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách quốc gia. Với phạm vi bao quát rộng, thuếtài sản được xem xét trên nguyên tắc số tiền thuế nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Theo W.B, trên thế giới có 33,7% số quốc gia áp dụng thuế tài sản. Ở các nước phát triển, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm từ 3% đến 4% so với tổng thuế thu; một số quốc gia như Nhật Bản, tỷ lệ này lên đến 8%. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2013, mức thu thuế tài sản ở một số nước Châu Á lên khoảng 2% GDP (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính 2018).
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính để tăng cường quản lý sử dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, cơ sở hạ tầng; điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản. Thuế tài sản đã góp phần tích cực vào đảm bảo công bằng xã hội.
Cho dù đânh thuế bất động sản hay động sản, việc công khai minh bạch định giá tài sản, nắm chắc số lượng lượng tài sản quản lý để định mức thuế suất và xác định tiền thuế phải nộp là việc làm mang tính nguyên tắc. Để thu thuế, trước hết phải quản lý được dữ liệu tính thuế. Cơ sở dữ liệu và định mức tính thuế tài sản đủ tin cậy được xác đinh thông qua các tổ chức dịch vụ chuyên ngành. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan thuế và quản lý tài sản định ra khoản thuế phải nộp và quản lý tài sản trong xã hội.
Vấn đề cần dược quan tâm trong xây dựng luật thuế tài sản ở Viêt Nam
Ở nước ta hiện chưa có hệ thống thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế, số thuế tài sản thu được hàng năm chiếm khoảng 0,036% GDP và chỉ mới điều tiết được đối với đất đai qua thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (TSDĐNN, TSDĐPNN). Để bao quát nguồn thu từ tài sản cần thực hiện cải cách,xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ. Theo đó, điều chỉnh mức thu đối với đất và nghiên cứu bổ sung thu thuế phù hợp đối với nhà và các tài sản khác là việc làm thiết thực. Mức tính thuế đủ tin cậy được xác đinh thông qua các tổ chức dịch vụ chuyên ngành sẽ là căn cứ để các cơ quan thuế và quản lý tài sản định ra khoản thuế phải nộp và quản lý tài sản trong xã hội.
Việc đánh thuế người sở hữu nhà, đất ở nước ta hiện không đơn giản bởi chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế “tài sản”. Để xây dựng và thực hiện luật tài sản, cần chuẩn bị kỹ cả về khung pháp lý và giải pháp thực thi. Theo đó, khảo sát và xây dựng luận cứ chặt chẽ, tạo căn cứ khoa học, minh bạch và sự đồng thuận xã hội về quyền sở hữu và các loại tài sản chịu thuế là việc làm cần thiết. Ngoài ra, xác định giá trị tài sản để tính thuế; mức giá trị tài sản khởi điểm tính thuế; mức thuế cụ thể đối với từng loại tài sản và đối tượng sở hữu tài sản chịu thuế hoặc với những tài sản có giá trị lớn được gửi ở nước ngoài hay không khai báo cần được đặc biệt quan tâm (Nguyễn Minh Phong, 2017).
Để việc thu thuế tài sản không trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp và người mua, bán tài sản cần cải cách cơ chế như thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo Luật Đất đai hiện hành, bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất phù hợp. Trong mọi trường hợp, thiết lập một hệ thống thông tin quốc gia về giao dịch bất động sản và chủ sở hữu bất động sản là việc làn cần thiết để quản lý nhà nước.
Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Theo đó, việc đánh thuế tài sản cũng cần nhằm vào vật dụng như bất động sản,vàng, kim cương, ô tô, máy bay,du thuyền; tiền bao gồm cả ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm; các loại giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu và quyền tài sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ (Trương Thanh Đức, 2018).
Các nhà phân tích cho rằng, thuế tài sản cần được tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, rồi loại trừ dần những loại tài sản nào không đánh thuế. Nếu chỉ đánh thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là Thuế bất động sản hoặc thuế quyền sử dụng đất. Nhằm tránh nhầm lẫn và mâu thuẫn với các bộ luật khác, điều cần là định danh chính xác và tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản để có thể loại trừ được loại tài sản không cần thu thuế. Muốn giảm thiểu hành vi trốn lậu thuế, các quốc gia đều thành lập cơ quan định giá tài sản.
Nhìn chung, thuế tài sản phải đánh vào người có nguồn thu, là những người giàu và cần đánh lũy tiến. Mức thuế thấp nhất là 0,1%, nhưng với người có nhiều tài sản có thể lên tới 10% giá trị tài sản được định giá (Tuấn Nguyễn 2018).
Từ góc nhìn nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc viện Chiến lược và Chính sách Tài chính có những gợi ý tập trung vào: Luật tài sản cần áp dụng đối với nhà, đất nhằm thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và bổ sung thêm thuế đối với nhà, có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng…Đối với đối tượng chịu thuế cần quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất; định rõ định khung thuế suất đối với những loại tài sản khác nhau và được phân biệt theo mục đích sử dụng nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực theo hướng đánh thuế lũy tiến (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính 2018).
Thay lời kết luận
Thuế tài sản là nguồn thu ngân sách quan trọng của đất nước, các quốc gia trên thế giới đã coi trọng việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện nghiêm minh luật thuế này. Thuế tài sản được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thuế nộp phụ thuộc vào giá trị thực của tài sản sở hữu, được chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ theo những định mức rõ ràng và cụ thể.
Ở nước ta, việc đánh thuế tài sản không đơn giản bởi chưa có định nghĩa khoa học và hiểu biết đầy đủ về đối tượng thu thuế, chưa có hệ thống thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Cùng với hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, các tổ chức định mức, tư vấn và dịch vụ luật pháp chuyên sâu về tài sản chưa hình thành đồng bộ đang là những hạn chế nâng cao nhận thức và xây dựng hệ thống thông tin công khai, minh bạch trong thực thi luật về tài sản.
Hy vọng, vấn đề gợi trong bài viết sẽ được các nhà quản lý và hoạch định chính sách quan tâm trong hoàn thiện dự thảo luật này./.
TS. Lê Thành Ý
TS. Lê Thành Ý
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thue-tai-san-nhin-tu-goc-do-luat-phap-a1257.html