Là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (tên gọi khác của TPCN), nhưng trên các trang mạng xã hội, sản phẩm Ngọc Nhũ Nương lại được công khai quảng cáo có công dụng “ngăn ngừa”, “tăng cường”, “làm chậm”… như một loại thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương được quảng cáo trên website https://ngocnhunuong.org/ (thuộc sự quản lý của Công ty TNHH HERA GROUP – đơn vị phân phối sản phẩm) (Ảnh chụp màn hình)
Quảng cáo sai quy định?
Cụ thể, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 381/2019/ĐKSP, do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp ngày 07/01/2019, thì sản phẩm Ngọc Nhũ Nương được cấp phép với tên gọi “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương” (cấp cho Công ty Cổ phần Dược Nature Việt Nam tại số 19 đường 18, khu phố 3, phường Liên Chiểu, quận Thủ Đúc, TP. HCM; Cầu Đơ 1, Hà Cầu, Hà Đông, TP. Hà Nội; Sản xuất: tại Công ty Cổ phần Dược Nature Việt Nam).
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương được rao bán với giá 1.290.000 đồng/ 1 lọ 60 viên (Ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, thời gian qua tại Website: https://ngocnhunuong.org/ (thuộc sự quản lý của Công ty TNHH HERA GROUP – đơn vị phân phối sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương) và một số trang mạng xã hội lại đăng tải nhiều bài viết, chia sẻ của khách hàng về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương.Trong đó, những từ, cụm từ như “tăng cường” “phục hồi”, “ngăn ngừa”, “làm chậm”… xuất hiện dày đặc.Cụ thể, website: https://ngocnhunuong.org/ giới thiệu: “Ngọc Nhũ Nương là sản phẩm làm nở ngực tốt nhất hiện nay, dựa trên sự nghiên cứu chuyên sâu về nữ giới, có công dụng đặc biệt trong việc làm tăng kích thước vòng 1, chống chảy xệ, ngăn chặn lão hóa, cải thiện sinh lý ở nữ giới và phòng ngừa u thư vú hiệu quả. Sản phẩm Ngọc Nhũ Nương cũng chính là bí quyết làm tăng kích thước vòng 1 của Ngọc Trinh bấy lâu nay…”.
Với những lời "có cánh", "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, như: “Tăng kích thước, săn cơ nâng cơ núi đôi, tăng cường nội tiết tố nữ, cải thiện suy giảm nội tiết tố nữ, ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú và khối u vòng 1…”. Trang website này còn cam kết 100% thiên nhiên, an toàn tuyệt đối. Những nội dung quảng cáo viên uống Ngọc Nhũ Nương này có thể khiến người tiêu dùng hiểu là sản phẩm thực phẩm này có thể giúp phòng bệnh, thậm chí có khả năng điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người.
Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp cho Công ty Cổ phần Dược Nature Việt Nam
Bên cạnh đó, dù được cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Nhũ Nương, nhưng trên tất cả các trang website, các trang mạng xã hội quảng cáo về sản phẩm này lại không đăng khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo đúng quy định tại khoản d Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Ngoài ra, theo nội dung giấy xác nhận quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm, thì sản phẩm này chỉ có 2 công dụng “Hỗ trợ tăng cường nội tiết tố nữ và hỗ trợ cải thiện tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ”, chứ không hề có những công dụng ‘thần thánh” như quảng cáo…Sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩmBên cạnh đó, website https://ngocnhunuong.org/ còn sử dụng hình ảnh của bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm. Đồng thời, đăng tải các ý kiến khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm có điểm chung là “được như ý muốn”, mà chưa hề có kiểm chứng nào.
Website đăng tải các nhân vật tiết lộ sau khi sử dụng sản phẩm Ngọc Nhũ Ngương (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể như nhân vật có tên Hoàng Như Ý tiết lộ: “Hồi trước ngực của tôi bé lắm, mà tôi ngày càng lớn tuổi trông rất thiếu sức sống, chị tôi nói tôi nên đi phẫu thuật đặt túi ngực đi nhưng tôi rất sợ đau. May mà được người bạn giới thiệu cho Ngọc Nhũ Nương, mới uống 1 liệu trình mà tôi đã thấy ngực tôi to ra trông thấy, không những vậy mà kinh nguyệt của tôi đều hơn trước, không còn hiện tượng hay bốc hỏa, nổi nóng như hồi trước nữa. Nay chồng tôi đã quan tâm yêu thương tôi nhiều hơn là đều nhờ vào Ngọc Nhũ Nương hết …”.Nhân vật có tên Thanh Hương chia sẻ: “Sau khi sinh mình nhận thấy ngực bị chảy xệ rất nhiều nên mình rất buồn, chồng thấy vậy cũng chẳng thèm quan tâm và thường xuyên đi ra ngoài nhiều hơn. Mặc dù mình đã tìm và dùng nhiều sản phẩm nở ngực khác nhau nhưng vẫn không thấy cải thiện. Nhưng vô tình mình vào Fanpage của Ngọc Trinh thì biết đến viên uống Ngọc Nhũ Nương và mua về dùng thử. Đúng là rất hiệu quả, khác hẳn với các loại khác, chỉ một liệu trình mà ngực mình đã căng lên, săn chắc và to khỏe hơn trước rất nhiều, chồng mình cũng thường xuyên ở nhà với mình nhiều hơn trước …”.
website https://ngocnhunuong.org/ sử dụng hình ảnh của diễn viên Thanh Hương và người mẫu Ngọc Trinh để quảng cáo, PR cho sản phẩm Ngọc Nhũ Nương (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, website https://ngocnhunuong.org/ còn sử dụng hình ảnh của diễn viên Thanh Hương, người mẫu Ngọc Trinh để quảng cáo, PR cho sản phẩm viên uống Ngọc Nhũ Nương này để khẳng định những công dụng “thần thánh” của sản phẩm tạo lòng tin cho người tiêu dùng.Thực tế, đã không ít người vì tin lời quảng cáo đã mua về dùng và gặp những biến chứng nguy hiểm từ TPCN kém chất lượng. Kéo theo đó, rất nhiều người nổi tiếng cũng từng “đau đầu” khi chót làm đại diện thương hiệu hay quảng cáo cho sản phẩm không rõ nguồn gốc.Và trong các thông tư, nghị định, Luật Dược sửa đổi và Luật Quảng cáo cũng quy định rõ:“Không sử dụng uy tín, hình ảnh của cơ quan y tế, người bệnh, người nổi tiếng… để quảng cáo cho các sản phẩm”. Thế nhưng có lẽ do môi trường “mở” của mạng xã hội, sự nở rộ của các trang mạng đã vô tình là "mảnh đất màu mỡ" để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng vi phạm.
Thông tin về đơn vị chủ quản của website https://ngocnhunuong.org/ (Ảnh chụp màn hình)
Về vấn đề này, PGS. TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam từng chia sẻ tại Hội nghị Khoa học quốc tế về TPCN: “Nhiều diễn viên, người mẫu, thậm chí có cả các bác sĩ, chính trị gia… cầm trên tay một sản phẩm và nói những lời quảng cáo trên trời về công dụng của nó, cho dù họ chưa dùng sản phẩm lần nào, hoặc có dùng nhưng công dụng của sản phẩm không hiệu quả như lời họ quảng cáo…Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần lưu ý và phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta không thể để kiểu quảng cáo này đánh lừa người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng từng trả lời báochí: “Quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nhiều cơ sở đã sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, người của công chúng để quảng cáo sản phẩm. Các nhân vật nổi tiếng có sự thu hút rất lớn của cộng đồng, sản phẩm qua quảng cáo của họ sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, chọn mua. Đây là điều rất đáng báo động”.
Trước những thông tin nêu trên, để tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, vi phạm những quy định của pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm…, đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Khoản 15 Điều 6 Luật Dược quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”. Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”. |
Theo TH&CL
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tpbvsk-ngoc-nhu-nuong-duoc-quang-cao-nhu-thuoc-chua-benh-a1279.html