Đây là câu hỏi đang được dư luận đặt ra khi hai dự án (Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam – tại Hà Nội; Tòa nhà Trung tâm điều hành sản xuất than – tại Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) liên tiếp chậm tiến độ nhiều năm qua…
Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (tại Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng
Cụ thể, tại Hà Nội, dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (trụ sở Vinacomin) với chủ đầu tư là Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam được phê duyệt năm 2012, có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, quy mô gồm 35 tầng nổi, 2 tầng kỹ thuật và 5 tầng hầm. Dự án này được xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội với diện tích đất là 9.442 m2.
Chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của Tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin và cho thuê văn phòng.
Dự án được khởi công vào ngày 20/01/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/ 2018. Tuy nhiên, hiện tại đến quý II/2019, nhưng dự án mới chỉ xây dựng xong phần thô.
Tòa nhà Trung tâm điều hành sản xuất than của Vinacomin (tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh) vẫn chỉ là một khối bê tông giữa trời
Tại Quảng Ninh, Tòa nhà Trung tâm điều hành sản xuất than cũng được Vinacomin khởi công xây dựng từ tháng 10/2011 tại số 95A đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long. Tòa nhà được thiết kế bởi Liên danh tư vấn iAT/TF-A và Henn GmbH (CHLB Đức), cao 25 tầng (1 tum + 1 lửng + 21 tầng nổi và 2 tầng hầm), chiều cao thiết kế 98,8m, tổng diện tích sàn 29.740m2. Khi khởi công, chủ đầu tư dự kiến tòa nhà xây dựng trong 3 năm (2011 - 2014).
Vinacomin hi vọng công trình sẽ là một biểu tượng nổi bật của Tập đoàn, là điểm nhấn kiến trúc, tô thêm vẻ đẹp cho TP du lịch Hạ Long.
Dự kiến 2014 hoàn thành nhưng giờ đã là giữa năm 2019, công trình mới chỉ xây xong phần thô, bên trong công trình im ắng không thấy bóng dáng công nhân, động cơ máy móc. Với tiến độ thị công như vậy không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành.
Việc cả hai dự án với tổng mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng đều liên tiếp chậm tiến độ, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương... mà hai dự án này hiện đang là “thước đo sức khỏe” của Vinacomin.
Khi mà lợi nhuận liên tiếp sụt giảm, ngập trong nợ nần, thì liệu Vinacomin có còn đủ "sức khỏe" để tiếp tục triển khai 2 dự án nghìn tỷ ?
Bởi, theo báo cáo mới đây của Thanh tra Bộ Tài chính, tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của Vinacomin lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ và nợ của TKV được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra chủ yếu do hàng loạt những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn.
Số liệu này cũng khớp với số liệu tài chính mà Vinacomin đã công bố. Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất 2015 của Vinacomin, tổng nợ phải trả của Vinacomin tại ngày 31/12/2015 tăng 3.898 tỷ đồng, tương ứng 4,2% so với số đầu năm.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tại thời điểm cuối quý 2, tổng nợ vay tại TKV đạt 82.135 tỷ đồng, tăng 4.057 tỷ đồng so với năm 2015.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Tập đoàn chỉ đạt 197 tỷ đồng, giảm 669 tỷ đồng, tương ứng 77,25% so với cùng kỳ năm 2015.
Đây không phải lần đầu tiên Vinacomin chứng kiến lợi nhuận giảm sút và lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TKV chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 1.646 tỷ đồng, tương ứng 78% so với năm 2014…
Khi mà lợi nhuận liên tiếp sụt giảm, ngập trong nợ nần, thì dư luận đang hoài nghi về việc: Liệu Vinacomin có còn đủ "sức khỏe" để tiếp tục triển khai 2 dự án nghìn tỷ hay không?
Theo THCL
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vinacomin-co-con-suc-de-thuc-hien-hai-du-an-nghin-ty-a1447.html