Cảnh báo: Hà Nội đang 'ngập' trong sương mù vì ô nhiễm

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay đang ở mức báo động đến sức khỏe người dân vô cùng nghiêm trọng.

Kết quả trên ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir cho thấy, tất cả các điểm đo ở Hà Nội ngày 25/8 đều ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng với chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) trung bình từ 150 đến 200.

Vào 9h38 phút sáng cùng ngày (đã qua giờ cao điểm ô nhiễm buổi sáng) nhưng chỉ số AQI tại tất cả các điểm đo ở Hà Nội đều trên 150; Điểm đo ở Time City lên tới 177; tại Học viện Bưu chính Viễn thông AQI hơn 170, tại Học viện Tài chính là 174, tại Trung Hòa là 164. Các chuyên gia nhận xét đây là lúc tình trạng ô nhiễm môi trường đang rơi vào mức nguy hiểm, nhóm người già, trẻ em và phụ nữ có thai nên tránh ra ngoài.

 

Lý giải về việc vì sao đang giữa mùa mưa Hà Nội lại có những ngày ô nhiễm nghiêm trọng (thông thường ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra vào mùa đông), TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, 2 ngày 25, 26/8, gió lặng, bụi và khí ô nhiễm không khuếch tán được mà đọng lại ở sát mặt đất khiến Hà Nội giống như bị sương mù, dù độ ẩm không tăng đột biến. Nồng độ bụi mịn đo được cao hơn hẳn những ngày khác trong mùa mưa.

Ô nhiễm không khí trầm trọng sẽ gây ra 1 số bệnh lý về phổi, hô hấp,... của người dân. 

Nếu bạn ra đường mà không có đồ bảo vệ như khẩu trang, kính mắt, áo chống nắng... sẽ khiến bạn vô tình hít phải lượng khói bụi độc hại vào người. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới Sức khỏe, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý về đường hô hấp, tim, phổi...

Hôm qua (27/8), chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện một phần, ở ngưỡng trung bình.

Kết quả từ báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2018 cho thấy, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Khi chất lượng không khí của Bắc Kinh đang ngày càng tốt hơn, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thủ đô vốn nổi tiếng về ô nhiễm của Trung Quốc.

Theo báo cáo, ô nhiễm không khí ước tính sẽ gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu trong năm 2019, cùng với thiệt hại kinh tế gần 225 tỷ USD.

Như Ý 

 

Như Ý 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-ha-noi-dang-ngap-trong-suong-mu-vi-o-nhiem-a1468.html