Dậy thì muộn có đáng lo?

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người lớn. Tuổi dậy thì diễn ra trong nhiều năm, con gái thường bắt đầu từ 10-13 tuổi, con trai thường 11-14 tuổi.

Quá trình này được coi là muộn nếu chưa bắt đầu ở tuổi 15 (đối với em gái) và tuổi 17 (đối với em trai).

Dậy thì muộn có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: Di truyền, bệnh mạn tính, vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý…

Nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ tới khi thấy trẻ dậy thì muộn là do gene di truyền, khi trong gia đình có bố mẹ, cô dì chú, bác anh em, chị em hoặc anh em họ (gần) chậm dậy thì. Với trường hợp này thì không cần biện pháp can thiệp. Trẻ sẽ phát triển sau so với bạn cùng tuổi và không ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả năng sinh sản.

Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra khi tuyến yên hoặc tuyến giáp - các tuyến sản xuất hormon quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể gặp vấn đề.

Trường hợp dậy thì muộn đáng lo ngại nhất là do có nhiễm sắc thể bất thường, khiến ADN “lập trình” kế hoạch phát triển của cơ thể cũng trục trặc. Hội chứng Turner là một ví dụ của một rối loạn nhiễm sắc thể. Nó xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của con gái bất thường hoặc bị mất. Điều này khiến sự phát triển của buồng trứng và sản xuất hormon cũng không bình thường. Với nam giới mắc hội chứng Klinefelter khi được sinh ra có nhiều hơn 1 nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY). Tình trạng này có thể làm chậm phát triển giới tính.

Trẻ mắc một số bệnh mạn tính cũng có thể gây ra sự chậm trễ trong tuổi dậy thì  như: Đái tháo đường, bệnh thận hoặc hen suyễn. Những bệnh này có thể làm chậm quá trình phát triển của cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố gây dậy thì muộn. Một người bị suy dinh dưỡng cũng có thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất. Trường hợp ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống hay áp dụng chế độ giảm cân quá mức sẽ khiến cơ thể không thể phát triển với tốc độ bình thường.

Về cơ bản thì dậy thì muộn không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nhưng lại dễ ảnh hưởng tâm lý. Thiếu niên thường cảm thấy mặc cảm, tự ti khi thấy mình trẻ con hơn so với các bạn. Có người còn có cảm giác hoang mang vì sợ mình “không bình thường”, thậm chí là bị trầm cảm. Vì vậy, khi có dấu hiệu dậy thì muộn, nên đi khám để được tư vấn và điều trị, tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cơ thể.

Những nguyên nhân dẫn đến việc dậy thì muộn ở bạn gái

Dậy thì muộn có rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đầu tiên bạn cần nghĩ tới đó là yếu tố gen di truyền. Nếu trong gia đình có người "lớn muộn" thì chuyện chúng mình được thừa hưởng đặc tính này từ người thân cũng là điều dễ hiểu.

Bạn gái dậy thì muộn cũng có thể do nguyên nhân đến từ tuyến giáp và tuyến yên. Những tuyến này có chức năng sản sinh hormone quan trọng cho sự phát triển cũng như tăng trưởng cơ thể. Tuy nhiên, nó lại gặp vấn đề gây nên tình trạng dậy thì muộn.

Dinh dưỡng là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì. Nếu thiếu hụt, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để bước qua một thời kỳ phát triển mang tính đột phá. Bởi vậy, bạn gái cần xác định xem liệu mình có ăn uống kém, khả năng hấp thu yếu hoặc là ăn uống thất thường hay không. Bên cạnh đó thì việc sinh hoạt và nghỉ ngơi không hợp lý cũng góp phần gây nên tình trạng dậy thì muộn.

Ngoài ra, theo nghiên cứu, một số người dậy thì muộn vì có vấn đề với nhiễm sắc thể, gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng bình thường của cơ thể. Hiện tượng này xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể gặp trục trặc, tác động đến sự phát triển của buồng trứng và việc sản xuất hormone giới tính. Tuy nhiên, nguyên nhân này được xác định là rất ít khi xảy ra.

Nhìn chung, chuyện dậy thì muộn ở các bạn gái không phải là hiếm gặp. Cơ thể và cơ địa mỗi người mỗi khác nên dậy thì cũng sẽ có kẻ sớm người muộn, rồi đâu cũng sẽ vào đó. Nếu bạn gái chúng mình rơi vào hoàn cảnh này thì hãy bình tĩnh và đừng quá lo lắng nhé. Bạn chỉ cần chú ý đến việc ăn uống và sinh hoạt hợp lý: ăn đủ chất, đừng thức quá khuya và tích cực tham gia các môn thể thao. Nếu vẫn còn thấy băn khoăn thì bạn gái có thể tâm sự với người thân như mẹ hoặc chị gái. Điều quan trọng là chúng mình không nên quá dằn vặt bản thân, tự ti mặc cảm, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và những vấn đề khác của cuộc sống.

Mai Lan

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/day-thi-muon-co-dang-lo-a1525.html