Vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) 'nựng' bé gái trong thang máy với hành vi 'ngấu nghiến' đầy dục vọng được các chuyên gia luật cho rằng đây là hành vi 'dâm ô' cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là ông Nguyễn Hữu Linh khẳng định với cơ quan chức năng rằng hành vi của mình chỉ là "nựng" cháu bé. Phát ngôn trên của ông Linh ngay lập tức bị dư luận lên án mạnh mẽ. Bởi hơn ai hết, ông Linh là Luật sư, từng là Trưởng Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ của cơ quan VKSND Đà Nẵng, nhất là ông đã từng giữ chức vụ cao trong ngành bảo vệ pháp luật nên không thể nói là ông không thể phân biệt rõ giới hạn giữa khái niệm "cưng nựng" và "xâm hại".
Trên báo Pháp luật TPHCM, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chỉ ra tới 7 “điểm đen tối” trong vụ việc này.
Đen tối, vì ông Nguyễn Hữu Linh, “nhân vật” trong vụ việc “không “nựng” bé gái trong khi có mặt người thứ ba” (trong video cho thấy có người này – là bảo vệ chung cư, và chỉ khi người này vừa rời khỏi thang máy thì ông Linh mới hành động).
Đen tối, vì “ngay khi không còn ai trong thang máy, ông Linh ngay lập tức rời bỏ thao tác trên điện thoại và lao vào em bé”.
Đen tối, vì “ông Linh dùng vũ lực ghì cổ, áp má bé gái với động thái dứt khoát, quyết liệt”.
Đen tối, vì giữa ông Linh và em bé không hề có mối liên hệ gia đình hay quen biết. Và “nựng bé gái là ngụy biện tự biện để đánh tráo khái niệm, lẩn trốn sự trừng phạt của pháp luật”.
Đen tối, vì “sau khi thang máy mở cửa, cháu bé lao vội ra bên ngoài với nỗi sợ hãi, khiến bé té ngã... Hình ảnh ấy đã mô tả khá rõ tâm lý sợ hãi của nạn nhân.
Những cái đen tối ấy cho thấy “nhiều yếu tố có mối liên hệ logic với ý chí chủ quan của đối tượng”.
Dựa trên lời chia sẻ của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cùng những nhận định của các chuyên gia tâm lý thì nhận thấy ở hành động của ông Nguyễn Hữu Linh chứa đựng tâm lý của tội phạm tình dục, và có thể đó còn là dấu hiệu của bệnh lệch lạc tình dục rất rõ ràng.
Đặc điểm chính của các bệnh về lệch lạc tình dục là sự thôi thúc tình dục dai dẳng và những ảo tưởng kỳ quặc có liên quan đến những thứ/ vật không phải là người, sự đau đớn tủi nhục của bạn tình và thậm chí là trẻ em
Việc cọ xát thân thể, cũng là cách thỏa mãn nhu cầu tình dục. Những kẻ này thường mặc đồ rất nghiêm túc, chỉn chu nhưng chỉ đạt hứng cảm khi ma sát vào người người khác. Những hành động tưởng như là "cưng nựng", "âu yếm", yêu thương tưởng chừng như là tự nhiên nhất nhưng khi nó được thực hiện bởi những người xa lạ, không quen biết thì lại ẩn chứa 1 nhu cầu đen tối, nhằm thỏa mãn cá nhân.
Không thể phủ nhận hành vi xâm hại của mình bằng những lý luận cho rằng đó là hành vi yêu thương. Trẻ em ngây thơ cần được bảo vệ, không thể biến các em thành công cụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của người lớn. Những hành động ấy cần phải được loại bỏ sớm để đảm bảo môi trường an toàn lành mạnh để các em phát triển.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em Điều 19 1. Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả sự xâm phạm tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, của một hay nhiều người giám hộ pháp lý, hoặc của bất kỳ người nào khác được giao việc chăm sóc trẻ em. 2. Những biện pháp bảo vệ như vậy, trong chừng mực thích hợp, cần bao gồm các thủ tục hữu hiệu để thành lập các chương trình xã hội nhằm dành sự hỗ trợ cần thiết cho trẻ em và những người chăm sóc trẻ em, cũng như các hình thức phòng ngừa khác và cho việc xác định, báo cáo, chuyển cấp, điều tra, xử lý và tiến hành những bước tiếp theo trong các trường hợp ngược đãi trẻ em như đã mô tả trên đây, và, nếu thích hợp, cho sự can thiệp về mặt tư pháp. |
Song Ngư
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-sam-so-be-gai-trong-thang-may-nhan-dinh-tam-ly-cua-toi-pham-tinh-duc-a1608.html