Đại lễ Vu Lan báo hiếu và ý nghĩa bông hồng cài áo

Lễ Vu Lan mang tính chất là ngày lễ báo hiếu - một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo.

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Truyền thuyết ngày lễ Vu Lan

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm quỷ đói nơi đại ngục, bị đói khát và hành hạ khổ sở, thân hình tiều tụy, bụng ỏng đầu to.Quá thương cảm xót xa, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do xung quanh toàn quỷ đói lâu ngày nên khi ăn, mẹ của Mục Liên đã dùng một tay che bát cơm, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy thức ăn khi đưa lên miệng hóa thành than đỏ rực, không sao nuốt nổi.

Bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ

Bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ

Mục Kiều Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". 

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy, quả nhiên vong mẫu của ông được thoát kiếp quỷ đói, về với cảnh giới lành. Cách thức cúng cầu siêu đó được gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn bội và bộ kinh ghi chép sự tích trên đây gọi là Vu Lan bồn kinh.

Vì tích truyện này mà hàng năm cứ đến rằm tháng 7, bên cạnh lễ Vu Lan thì người Việt Nam cũng làm lễ cúng chúng sinh, cô hồn, xá tội vong nhân đều với mục đích báo hiếu và làm phúc.

Ngày nay, Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ. Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.

Ý nghĩa Bông Hồng Cài Áo là gì và bắt nguồn từ đâu?

Lễ “Bông Hồng Cài Áo” được bắt đầu từ năm 1962 và được khởi nguồn bởi Hòa Thượng Thích Nhật Hạnh.

Trong một lần ông sang Nhật Bản vào đúng ngày Mother Day (Ngày của Mẹ), thì ông thấy họ cài lên áo một bông hồng để tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Thấy đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, nên ông đã đưa việc làm này về Việt Nam. Và đưa việc “Bông Hồng Cài Áo” thành truyền thống tốt đẹp của đất nước chúng ta cho tới ngày nay.

Hình ảnh có liên quan

Những bông hồng đỏ cho những người còn cả cha và mẹ

Ngoài ra, cũng bởi hoa hồng là loài hoa thông dùng, dễ thương và được tất cả mọi người yêu thích. Thế nên Hòa Thượng đã chọn chúng để làm biểu tượng cho sự ghi nhớ, lòng biết ơn đốn với các đấng sinh thành.

Và theo tục lệ đó, những người còn cha mẹ sẽ cài bông hồng màu đỏ, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn chút, còn những ai đã mất đi cha mẹ, thì sẽ cài bông hồng màu trắng lên ngực của mình để nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của đấng sinh thành.

Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.

Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn - đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

y nghia 3 sac thai bong hong cai ao mua le vu lan

Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng, người tu sĩ cài hoa hồng vàng

Lễ Vu Lan nên làm gì

Như chính những ý nghĩa mà chúng ta đã lý giải ở trên, ngày Đại Lễ Vu Lan sẽ có một số hoạt động chính như sau: 

Thể hiện lòng nhân từ đối với tất cả chúng sinh thông qua nghi thức phóng sinh

Ăn chay, niệm phật, cầu an cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Đến chùa thắp hương cầu nguyện, nghe các vị trụ trì thuyết giảng giáo lý

Chuẩn bị mâm cơm tươm tất tại nhà để dâng lên Thần Phật, gia tiên để tỏ lòng thành kính và báo hiếu

Tham dự Lễ Vu Lan và cài hoa lên ngực áo để tưởng nhớ công ơn lớn lao của đấng sinh thành.

Lễ Vu Lan tại một số nước ở châu Á 

Lễ Vu Lan thường tổ chức vào dịp ngày Rằm tháng 7 hằng năm, nhưng ở mỗi quốc gia ở châu Á lại mang những nét đặc trưng riêng biệt. 

Tại Hàn Quốc: với người Hàn Quốc, dịp Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào Rằm tháng 7 là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại có thêm phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu thoát. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà người Hàn Quốc có những cách báo hiếu khác nhau, từ việc làm nhỏ như tự tay chuẩn bị những tấm thiệp tình cảm hay tặng món quà đắt tiền... Tất cả đều như một lời cảm ơn chân thành dành cho người nhận. 

Tại Nhật Bản: Người Nhật cũng có lễ Obon báo hiếu, thường diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà, hoặc đi viếng mộ người thân. Obon mang nghĩa “Ngày của người chết”. Đây là một phong tục truyền thống của Phật tử người Nhật, được tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời.Sự kiện quan trọng nhất trong ngày này là việc dâng lửa để soi đường cho linh hồn, với 5 đám lửa được sắp xếp theo chữ Hán, đốt trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong một giờ đồng hồ. Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đốt lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa. Đây là cách người Nhật báo hiếu với tổ tiên và cũng là một trong những lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới. Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người dân Nhật Bản còn đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, bờ biển như một cách để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. 

Tại Malaysia: đại lễ Vu Lan còn gọi là ngày tổ tiên hay lễ hội tháng bảy. Ngoài những việc thể hiện tinh thần hiếu đạo như thăm viếng mộ người thân, tảo mộ, dâng cúng vật phẩm, người Malaysia còn tổ chức hiều hoạt động văn hóa, tôn giáo mang màu sắc riêng.

 

An Nhiên

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dai-le-vu-lan-bao-hieu-va-y-nghia-bong-hong-cai-ao-a1728.html