Vì sao tôm hùm đất bị cấm
Tôm hùm đất nhập từ Trung Quốc là loại tôm đang được nhiều người Việt Nam ưa chuộng, thời gian trước đây giá trị của nó thậm chí còn lên tới cả triệu đồng một kg. Sở dĩ chúng được ưa chuộng vì thịt tôm có vị ngọt, dai dai giống tôm sú và có thể nấu lẩu, làm món sốt, hấp chấm muối tiêu chanh hoặc rim...
Thế nhưng loài tôm này lại bị cấm sản xuất, phát triển hay kinh doanh tại Việt Nam vì trong Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường, tôm hùm đất được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại.
Tôm hùm đất, hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus), rất phàm ăn. Chúng đào hang rất giỏi, hoạt động về ban đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp.
Tôm hùm đất từ Trung Quốc bị cấp nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam.
Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Đáng lưu ý, chúng sống rất khỏe và dai. Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí, sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng bị đứt.
Tại Việt Nam, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó, xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.
Từ năm 2013, tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật đa dạng sinh học 2018. Tuy nhiên, trước việc lén lún buôn bán, nhập khẩu tôm hùm đất, nếu sinh vật này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ gây nguy hại nghiêm trọng.
Tôm càng đỏ bị thu giữ ở Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái.
Vì thế, Bộ NN-PTNT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm soát chặt, nếu phát hiện tôm hùm đất cần tiêu diệt ngay.
Bài học ốc bươu vàng vẫn còn "đắt giá"
Năm 1985 - 1988, ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi làm thực phẩm chăm nuôi cho tôm, cá và gia súc. Thậm chí, rất nhiều người Việt ưa chuộng các món ăn liên quan tới ốc bươu vàng.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn, ốc bươu vàng thoát ra khỏi tự nhiên, gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên phát triển thành loài động vật gây hại trầm trọng cho cây lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam.
Hiện ốc bươu vàng vẫn là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam chúng sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi.
Điều đáng nói, nghề nông và nông dân chính bị ảnh hưởng nặng nhất do ốc bươu vàng phá hoại mùa màng. Gần đây nhất, năm 2017, ốc bươu vàng hoành hành trên các đồng lúa của huyện Hớn Quản, Bình Phước, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa nước của người dân.
Bài học ốc bươu vàng vẫn còn "đắt giá"
Theo báo cáo từ Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản, ốc bươu vàng làm thiệt hại hơn 110 ha lúa nước. Đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn tác hại của ốc bươu vàng trên cả nước.
Năm nào nông dân cả nước Việt Nam cũng than thở về nạn ốc bươu vàng hoành hành, nhưng sau từng đó năm cũng chẳng ai nhận trách nhiệm về điều này.
Đã có biết bao nhiêu hội thảo khoa học, hàng trăm, hàng nghìn nghiên cứu để "tiêu diệt" ốc bươu vàng để cứu người nông dân và cứu cả thiên nhiên Việt Nam, nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả. Thậm chí, loài này còn phá hoại mùa màng với diễn biến phức tạp hơn trong vài năm trở lại đây.
Từ ốc bươu vàng đến tôm hùm đất đặt ra nguy cơ lớn từ sinh vật ngoại lai đến từ Trung Quốc. Để không lặp lại sai lầm ốc bươu vàng mà hiện chúng ta vẫn phải vất vả đối phó, các ngành chức năng cần vào cuộc ráo riết xử lý đối tượng mua bán, kinh doanh tôm hùm đất.
Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ở Việt Nam, rất nhiều loại sinh vật ngoại lai được nhập khẩu về để làm cảnh, sau bị phát tán ra môi trường đến nay vẫn chưa có biện pháp tiêu diệt triệt để, điển hình là ốc bươu vàng, bèo tây, cây trinh nữ thân gỗ, cây bông ổi, cá dọn bể, sâu róm,... |
Theo Sức khỏe Cộng đồng
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tom-hum-dat-tu-trung-quoc-dung-quen-bai-hoc-oc-buou-vang-a177.html