Bát nháo quảng cáo TPCN Cumargold, Cty Dược Mỹ phẩm CVI có đang lừa khách hàng?
Theo tìm hiểu, Cumargold là TPCN có số xác nhận công bố: ATTP số 4795/2016/ATTP-XNCB, ngày 7/3/2016 do Công ty Cổ phần Dược Trung ương Midiplantex sản xuất và được tiếp thị phân phối bởi Công ty CVI tại địa chỉ Phòng 303, nhà B, số 352 Giải Phỏng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo đó nội dung trong "Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" số 01598/2016/XNQC-ATTP, do Cục ATTP cấp ngày 04/08/2016 cho Công ty CVI sản phẩm Cumargold chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng giúp giảm viêm xung huyết, lành nhanh vết loét giảm nhanh viêm đau dạ dày; Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Thế nhưng, trên website cumargold.vn của công ty này đang có dấu hiệu “phù phép” cho sản phẩm như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Cụ thể, trên website cumargold.vn sản phẩm Cumargold được “hô biến” với một loạt công dụng như hạn chế các tác nhân gây đau dạ dày, tá tràng, làm nhanh liền sẹo, giảm viêm loét dạ dày, viêm trợt hang vị, xung huyết dạ dày, phòng tái phát và ngăn ngừa các biến chứng loạn sản, chuyển sản ruột, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày; hỗ trợ cho cơ thể chống lại tác nhân gây ung bướu, giảm độc tính trong hóa trị và xạ trị,...
Đặc biệt, CVI “vẽ” thêm công dụng “Sáng da, đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh” cho sản phẩm Cumargold, và khuyên phụ nữ sau sinh từ 7 – 10 ngày, nên sử dụng sản phẩm Cumargold để giảm đau, chống viêm, giúp vết cắt tầng sinh môn tránh nhiễm trùng, tăng co bóp tử cung, ngừa hậu sản, giúp bổ máu, nhanh lấy lại vóc dáng, làn da…
Vậy, TPCN Cumargold còn có công dụng như sản phẩm giảm cân?
CVI đã kê (khống) các công dụng như thần dược cho sản phẩm Cumargol của mình, đối với hành vi vi phạm này tham chiếu theo khoản 1, điểm a khoản 2 điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã quy định rõ
“ 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;”
Ngoài ra hành vi sử dụng hình ảnh, thư cảm ơn của bệnh nhân thì luật cũng quy định rõ trong nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh... sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng.
CVI đang đánh lừa người bệnh
Vào vai người bệnh cần mua hàng, chúng tôi liên hệ với Công ty CVI để nhờ tư vấn thì được nhân viên bên công ty này trả lời: “ Sản phẩm này của công ty có tác dụng bao vết loét, hồi phục nhanh các tổn thương, tăng tái tạo niêm mạc dạ dày và chống viêm, cũng như giảm tiết dịch vị, pepsin, giảm hoạt tính các chất thúc đẩy viêm, tăng nồng độ chất nhày mucin, bảo vệ niêm mạc dạ dày và ức chế 65 chủng vi khuẩn HP.Còn anh muốn hỏi cho người nhà mình bị ung thư, về cơ chế tác dụng của sản phẩm với tế bào ung thư thì tất cả thông tin là bên công ty đã có nghiên cứu rồi, nó ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn chặn mạch máu nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển và hạn chế di căn”.
Nhưng khi hỏi về những điểm nghi vấn là tại sao TPCN lại có cơ chế tác dụng như vậy và những thông tin trên website không nhắc đến việc “hỗ trợ điều trị” thì người này trả lời vòng vo, có dấu hiệu né tránh, không muốn trả lời.
Điều đáng nói, việc Công ty CVI thực hiện hành vi quảng cáo những thông tin không nằm trong danh mục các nội dung đã đăng ký trong “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” đã được một thời gian dài.
Trong khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “ Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.
Tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;”
CVI kiếm tiền trên lòng tin của bệnh nhân?
Trên trang web của công ty CVI khẳng định: “CUMARGOLD – Tinh nghệ Nano Curcumin chính hãng & đầu tiên tại Việt Nam, được hàng triệu người tin tưởng sử dụng” và sử dụng hình ảnh của nhiều chuyên gia, bác sĩ quảng cáo tăng uy tín cho sản phẩm. Điều này vi phạm Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc của Bộ Y tế.
Liệu đây có phải là sự coi thường quy định của pháp luật, hay do chưa có sự sát sao trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng vi phạm chồng vi phạm của CVI?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về sự việc !
Theo Sức khỏe Cộng đồng
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-duoc-my-pham-cvi-vi-pham-noi-tiep-vi-pham-a1820.html