Vụ án tại Cty Vận tải Biển Đông sau bản án sơ thẩm và đã bị Tòa án phúc thẩm tuyên hủy các quyết định của bản án sơ thẩm số 79/2014/HSST đã có những dấu hiệu vi phạm tố tụng. Những dấu hiệu vi phạm này cũng đã được Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By thuộc Đoàn luật sư Hà Nội phân tích một cách cụ thể. Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By cũng nhấn mạnh: Sự việc xảy ra tại Công ty Vận tải Biển Đông (trong đó có bị cáo Ngô Văn Nhuận) liên quan đến việc ký hợp đồng lập BCNCKT các dự án mua tàu cũ Energy, Victory, tàu Vạn Hưng, tàu Melody và tàu Biển Đông Star là các hoạt động kinh tế, dân sự bình thường.
Cũng theo phân tích của Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By, có đến 4 vấn đề để thể hiện những sai phạm về thủ tục tố tụng liên quan đến giải quyết vụ án.
Cho rằng mình bị oan, các bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty vận tải Biển Đông trong đó có Ngô Văn Nhuận liên tục gửi đơn thư kêu cứu lên các cấp ngành |
Thứ nhất, Theo Điều 12 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định về Thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân, theo đó Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không có thẩm quyền điều tra đối với tội được quy định tại Điều 281BLHS 1999, trừ trường hợp có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Trong hồ sơ vụ án không có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an phân công cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra vụ án này. Đây là vi phạm tố tụng về thẩm quyền điều tra, mà đã vi phạm về thẩm quyền điều tra thì những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án không được thừa nhận là chứng cứ.
Tại điểm m khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung có quy định: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là: Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể. Do vậy, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung lại từ đầu vụ án này, nhưng các cơ quan tố tụng có thẩm quyền đã không thực hiện điều này.
Thứ hai, Nếu vụ án này là có thật thì dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thể hiện rất rõ trong hồ sơ vụ án, nhất là những nội dung có liên quan đến 5 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt (Cty TMN) xuất cho Công ty Biển Đông. Dấu hiệu tội phạm này có liên quan đến Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thúy Hạnh mà hai người này lại không bị khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, trong khi kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đều nêu rõ: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thúy Hạnh còn có hành vi đồng phạm giúp sức cùng Bùi Quốc Anh, Đỗ Thị Bích Thủy, Ngô Văn Nhuận hợp thức hóa hồ sơ mang tên Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt để ký hợp đồng với Công ty VFC và Công ty Biển Đông. Tại sao lại như vậy?
Thứ ba, Có nhiều dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Những dấu hiệu sửa chữa hồ sơ vụ án như Biên bản ghi lời khai Nguyễn Tiến Dũng (bút lục từ 1083 đến 1086) về sửa chữa ngày ghi lời khai.
Biên bản này được lập ngày 10/4/2012 nhưng được sửa thành ngày 19/3/2013. Trong Biên bản này có sửa chữa lời khai mất con dấu và hóa đơn giá trị gia tăng tháng 7/2007, nhưng được sửa chữa thành tháng 1/2007. Việc sửa chữa này có liên quan đến việc Cty TMN mở tài khoản số 11520293068017 tại ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), chi nhánh Ba Đình vào tháng 2/2007. Chữ ký trên Giấy đăng ký mở tài khoản pháp nhân tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), chi nhánh Ba Đình do chính Nguyễn Tiến Dũng ký và đóng dấu.
Đồng thời nhiều tài liệu về công ty TMN do Chi cục thuế Hai Bà Trưng bàn giao cho CQĐT đã không được đánh số bút lục và không lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sửa những thông tin này và không lưu các tài liệu quan trọng trên có liên quan chặt chẽ đến việc không khởi tố, điều tra đối với Nguyễn Tiến Dũng, để Nguyễn Tiến Dũng ở bên ngoài xã hội, tạo thuận lợi cho Dũng tiếp tục phạm thêm 2 tội danh đặc biệt nghiêm trọng: Tội giết người ở Bình Dương và tội mua bán các chất ma túy ở Gia Lâm và đã bị Tòa án hai cấp tuyên tử hình (hiện đang trong trại giam chờ thi hành án tử)
Thứ tư, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không xác định tư cách tham gia tố tụng của Cty TMN nên đã không triệu tập người đại diện Công ty này đến phiên tòa xét xử.
Nội dung chính vụ án này xoay quanh hai Công ty: Công ty Biển Đông và Cty TMN. Cho dù cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử đều cho rằng Cty TMN không có liên quan đến vụ án, nhưng các tài liệu của vụ án như các Giấy ĐKKD của Cty TMN dùng để soạn thảo hợp đồng; con dấu mang tên Cty TMN đóng trên hợp đồng; Biên bản nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng; giấy đề nghị thanh toán của Cty TMN; chữ ký mang tên Bùi Tiến Hải, giám đốc Cty TMN; các hóa đơn giá trị gia tăng v.v…đều mang tên Cty TMN thì tại sao không đưa Cty TMN là bị đơn dân sự trong vụ án này. Việc không đưa Cty TMN tham gia tố tụng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Với những vấn đề đã được trình bày ở trên, Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By cho rằng sự việc xảy ra tại Công ty Vận tải Biển Đông và những hành vi của Bùi Quốc Anh và “cộng sự” Ngô Văn Nhuận liên quan đến các hợp đồng kinh tế để hoàn thành BCNCKT của các dự án mua tàu cũ Energy, Victory, tàu Vạn Hưng, tàu Melody và tàu Biển Đông Star là hoạt động bình thường, không phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này)
Nhóm PV
Nhóm PV
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vu-an-tai-cong-ty-van-tai-bien-dong-ky-3-quan-diem-cua-luat-su-a1863.html