Tạm trú tại tỉnh khác, có nhất thiết phải về quê đăng ký kết hôn?

Khi kết hôn, có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường nơi mình đang sống và làm việc hay nhất thiết phải về quê để đăng ký?

Hỏi: Em vào Bình Dương làm công nhân và sinh sống tại đây đã 5 năm nhưng hộ khẩu thường trú vẫn đăng ký ở quê là tỉnh Hà Nam. Người yêu em làm cùng khu công nghiệp với em nhưng quê anh ấy ở Nghệ An. Chúng em dự định sẽ kết hôn vào cuối năm nay.

Xin hỏi chúng em có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường nơi mình đang sống và làm việc hay phải về quê để đăng ký? (Bạn Vũ Dũng, 27 tuổi công nhân tại Bình Dương).

 

a1.jpg

Trả lời: Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau:

“1.Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.” Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch về Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn quy định: “UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

”Như vậy, luật chỉ quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên chứ không bắt buộc phải là nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên. Khái niệm “nơi cư trú của công dân” được pháp luật giải thích là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú.

Như vậy, đối với trường hợp hai bạn cư trú ổn định tại Bình Dương nhưng hộ khẩu thường trú vẫn đăng ký tại quê thì các bạn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi sinh sống hiện tại chứ không cần phải trở lại nơi nguyên quán để làm thủ tục đăng ký

Hỏi: Chỉ còn hai tuần nữa đám cưới của chúng em sẽ được tổ chức mà chồng sắp cưới của em lại dính vào một vụ ẩu đả nên bị bắt tạm giam. Mặc dù vậy thì gia đình hai bên vẫn quyết định tiến hành việc cưới xin như bình thường vì tiệc cưới đã đặt, thiệp đã mời, hơn nữa em lại đang mang thai đứa con của anh ấy nên việc cưới không thể trì hoãn được.

Để bảo đảm các quyền lợi pháp lý cho mẹ con em, em muốn làm thủ tục đăng ký kết hôn vắng mặt chồng, xin hỏi pháp luật có cho phép không ạ?(Chị Ngọc Anh, 23 tuổi ở Thanh Hóa).

Trả lời: Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ- CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “1. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy chứng minh nhân dân.

Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại chương V của Nghị định này.”

Khoản 3 Điều 18 kể trên quy định: Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.

Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

"Như vậy, bắt buộc hai bên nam nữ phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn để làm thủ tục đăng ký kết hôn, ký vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và sổ đăng ký kết hôn mới hợp pháp. Trong hoàn cảnh của bạn hiện tại, người chồng sắp cưới đang bị tạm giam, tất nhiên không thể có mặt để thực hiện các thủ tục theo luật định nên việc đăng ký kết hôn sẽ không thể tiến hành được

Hỏi: Em lấy chồng sớm nhưng sau đó đã sớm ly hôn. Hiện tại em vào Nam làm ăn và đang có người yêu mới, dự định sắp tới sẽ tiến tới hôn nhân tại TP Hồ Chí Minh. Người yêu em vẫn chưa biết em đã từng “qua một lần đò” do em cố tình giấu giếm.

Em lo sợ tới đây khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, chuyện quá khứ của em sẽ bị vỡ lở. Em nghe nói hiện nay pháp luật đã bãi bỏ thủ tục phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân có đúng không ạ? (Bạn Quỳnh Trang, 22 tuổi sống ở TP HCM).

Trả lời: Căn cứ vào Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến 15 lĩnh vực tư pháp trong đó có lĩnh vực hộ tịch.

Cụ thể, về lĩnh vực hộ tịch, Nghị quyết nêu rõ: bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài...

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, việc bãi bỏ các thủ tục hành chính nêu trên còn tùy thuộc vào thời điểm hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, Bộ Tư pháp với thẩm quyền được giao sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được thông qua tại Nghị quyết này.

Kho dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có đầy đủ các thông tin của công dân mà không dân không cần xuất trình quá nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Chính vì vậy, hiện tại khi tiến hành đăng ký kết hôn, công dân vẫn phải làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ được quy định tại các Điều 21,22,23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau: UBND cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Về thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh hoặc nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.

Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải được ghi rõ: đương sự hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai. Riêng đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì cũng phải ghi rõ điều đó, ví dụ: chị Quỳnh Trang, hiện đang cư trú tại... đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số ... ngày... tháng ... năm.... của Tòa án nhân dân ..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai).

Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Như vậy, dù không muốn, bạn cũng vẫn phải khai rõ về quá khứ đã từng đăng ký kết hôn (và đã ly hôn). Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng.

Hỏi: Hai năm trước, do bị cấm đoán chuyện yêu đương nên con gái tôi khi đó mới 16 tuổi đã nghe lời người yêu khai gian tuổi để đăng ký kết hôn tại quê của anh ta. Khi gia đình tôi biết chuyện đã định đề nghị hủy hôn nên hai đứa bỏ trốn đi nơi khác.

Gần đây hai đứa dắt nhau về quê, bế theo cả con trai được hơn 1 tuổi. Xin hỏi bây giờ gia đình tôi có quyền yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật của con gái hay không (lúc này con tôi đã đủ 18 tuổi)? (Bà Nguyễn Thị Mai, 45 tuổi ở Sơn La).

Trả lời: Việc con gái bà đăng ký kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm điều kiện đăng ký kết hôn quy định tại điểm a Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nói cách khác, việc kết hôn của con gái bà khi đó là trái pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 11 Luật này, thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật là do Tòa án. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 11 quy định: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.” Vậy nên nếu tình trạng hôn nhân của con gái bà đang tốt đẹp thì thiết nghĩ gia đình bà nên cân nhắc kỹ và thiết nghĩ nên ủng hộ, vun đắp cho đôi.

Huyền My

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tam-tru-tai-tinh-khac-co-nhat-thiet-phai-ve-que-dang-ky-ket-hon-a1937.html