Nhằm khuyến cáo người tiêu dùng và chủ sở hữu doanh nghiệp trong khu vực Châu Á, PC Test Purchase Sweep của Microsoft đã cung cấp thông tin chi tiết về sự phổ biến rộng rãi của các máy tính mới được cài đặt sẵn phần mềm lậu và những nguy hiểm tiềm ẩn có thể gây ra cho cá nhân và doanh nghiệp.
Mary Jo Schrade - Trợ lý tổng giám đốc và giám đốc bộ phận an ninh mạng kỹ thuật số Châu Á của Microsoft tại Singapore chia sẻ: "Các tội phạm mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn để qua mặt các giải pháp an ninh và cài đặt phần mềm độc hại vào phần mềm lậu là một trong những cách thức mà chúng thực hiện.
Điều này khiến các kẻ gian xâm nhập vào một lượng lớn máy tính và dẫn đến số lượng lớn các thông tin của người dùng cũng sẽ bị đánh cắp dễ dàng."
"Khi các nhà bán lẻ bán phần mềm lậu có chứa phần mềm độc hại trong máy tính, điều này không chỉ thúc đẩy sự lây lan của phần mềm độc hại trong khu vực mà còn đưa thông tin cá nhân của khách hàng và rồi tài liệu cá nhân, mật khẩu, tài khoản ngân hàng và thông tin tài chính, tài khoản mạng xã hội và những thông tin quan trọng khác lọt vào tay của tội phạm mạng...Sử dụng phần mềm bản quyền là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại tội phạm mạng,” Mary Jo nói.
Muốn cài đặt được những phần mềm lậu vào máy tính của người dùng thì những phần mềm chống virus và Windows Defender cần phải được tắt tính năng bảo mật.
Tình trạng sử dụng phần mềm bẻ khóa đáng báo động ở châu Á.
Khi thực hiện điều này, kẻ gian càng dễ tấn công thiết bị của bạn hơn và thậm chí chính người dùng còn không biết thiết bị của mình không được bảo vệ. Báo cáo cho biết, 84% các máy tính được cài sẵn phần mềm lậu bị nhiễm mã độc, phổ biến nhất là Trojan và virus.
Đây là một điều đáng báo động, đặc biệt liên quan đến việc khách hàng mua máy tính có giá bán hấp dẫn và đi kèm với phần mềm miễn phí, mà không nhận ra những rủi ro mà họ có thể phải đối mặt.
Ngoài những thông tin cá nhân quan trọng đã được nhắc đến ở trên thì người dùng sẽ gặp phải vấn đề về hiệu suất khi những mã độc chạy ẩn làm chậm thiết bị. Tất cả những yếu tố này dẫn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp bị thiệt hại về tiền bạc, thời gian và năng suất làm việc.
Phó giáo sư Biplab Sikdar, Khoa Kỹ thuật Điện & Máy tính, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), khối Kỹ thuật cho biết: "Người dùng sử dụng phần mềm lậu vì chúng rẻ hơn. Sự thật là chi phí để khắc phục sự cố và rủi ro của việc sử dụng phần mềm lậu thường nằm ngoài sức tưởng tượng của họ...
Người dùng cần phải thận trọng hơn khi mua máy tính mới và không bao giờ nên tin tưởng vào những chiếc máy tính có giá hời. Mặc dù bạn có thể tiết kiệm được một ít chi phí nhưng nó không là gì so với dữ liệu cá nhân và các sự cố nghiêm trọng mà máy tính có thể gặp phải” Phó giáo sư Sikdar chia sẻ.
Bước cơ bản nhất mà người dùng có thể thực hiện để bảo vệ thiết bị của mình là luôn luôn chú trọng vào việc mua máy tính từ các nhà bán lẻ có uy tín và không bán những phần mềm lậu. Người tiêu dùng nên tham khảo trang web của nhà cung cấp phần mềm để tìm hiểu, phân biệt giữa phần mềm chính hãng và phần mềm lậu.
Được biết, báo cáo Asia PC Test Purchase Sweep của Microsoft được thực hiện trên 166 máy tính mới từ 9 thị trường Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Hoàng Anh/Nhà báo và Công luận