Áp lực công việc: Bạn chiến đấu hay bỏ chạy?

Đối mặt với áp lực công việc, bạn có thể muốn “bỏ chạy” khi thể chất bị kiệt sức và tinh thần bị stress trầm trọng. Thế nhưng, nếu bạn đủ dũng cảm để ở lại “chiến đấu” thì áp lực sẽ trở thành sức mạnh thúc đẩy bạn

Phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight) là cách gọi thú vị của cơn sốt “adrenaline rush”. Đây là một trạng thái tâm lý căng thẳng tột độ như thể bạn bị dồn vào chân tường trong một cuộc chiến quyết liệt. Khi bạn đi làm, áp lực công việc chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cơn sốt này.

Những lúc bị cuốn theo công việc với những deadline sát nút, bạn dường như không nhận ra mình đang ngoi ngóp với áp lực công việc. Để tránh nguy cơ mắc “hội chứng cháy sạch” khiến bạn kiệt sức nơi công sở, hãy cùng nhìn lại xem bạn có các dấu hiệu khiến bạn muốn “bỏ chạy” không nhé!

1. Bạn thấy người hay đau nhức

áp lực công việc

Thủ phạm của các cơn đau nhức có thể là do chiếc ghế không thoải mái hay tập thể dục sai tư thế. Tuy nhiên, nếu bạn không tìm ra nguyên nhân tại sao mình bị đau nhức thì rất có thể là do bạn phải chịu quá nhiều áp lực công việc. Thực tế, tâm lý stress có thể ảnh hưởng đến thể chất nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Những cơn đau nhức chính là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã làm việc quá tải!

Lời khuyên: Thay vì ngồi liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ, bạn nên đi lại nhiều hơn để giảm đau nhức cơ thể. Bạn có thể thu xếp dậy sớm tập thể dục hoặc đến phòng tập sau giờ làm để rèn luyện sức khỏe thể chất và vượt qua áp lực công việc.

2. Bạn cảm thấy ăn không ngon miệng

áp lực công việc

Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa trưa vì không thấy đói, đây có thể là dấu hiệu bạn bị áp lực công việc. Khi phải xoay xở với deadline, bạn ưu tiên công việc hơn cả nhu cầu ăn uống của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không những cảm thấy chán ăn hay ăn không ngon miệng, bạn còn có xu hướng chọn các món ăn nhanh vốn không tốt cho sức khỏe.

Lời khuyên: Ngay cả khi bị áp lực công việc với deadline, bạn vẫn nên ăn cơm đúng giờ để có sức “chiến đấu”. Bạn nên cố gắng nấu ăn ở nhà rồi mang lên công ty để đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Bạn gặp khó khăn với giấc ngủ

áp lực công việc

Áp lực công việc khiến bạn thường xuyên phải làm overtime đến khuya, sau đó bạn lại vật lộn vào buổi sáng vì không thể đi làm đúng giờ. Một vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn vừa mệt mỏi vì tình trạng thiếu ngủ lại căng thẳng khi không thể tuân theo đúng nội quy giờ giấc của công ty. Tình hình sẽ tệ hơn nếu bạn nằm mơ thấy sếp la mắng mình hay gặp ác mộng công việc vào buổi đêm!

Lời khuyên: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi cả ngày, hãy thử tìm cách vượt qua áp lực công việc và cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Nếu không chú ý giữ gìn sức khỏe, đây sẽ là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn buột phải “bỏ chạy” khỏi áp lực công việc.

4. Bạn cảm thấy đơn độc trong công ty

áp lực công việc

Giáo sư tâm lý học John Cacioppo, tác giả của quyển “Loneliness: Human Nature and the Need for Social Connection” (Sự cô đơn: Bản tính tự nhiên và nhu cầu kết nối xã hội) cho biết cảm giác không được công nhận có thể dẫn đến cảm giác cô đơn. Khi bạn bỏ ra quá nhiều công sức nhưng chế độ đãi ngộ hay sự thừa nhận của cấp trên không như bạn kỳ vọng, bạn sẽ bị rơi vào “ốc đảo cô đơn” giữa công ty.

Lời khuyên: Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng “người cô đơn” nhất công ty thật ra chính là… sếp của bạn. Áp lực công việc của sếp luôn nặng nề hơn nhân viên. Vì thế, bạn nên suy nghĩ tích cực hơn khi sếp phê bình để biến điều này thành động lực cố gắng phát triển bản thân.

5. Bạn bị cảm lạnh liên tục

áp lực công việc

Khi cơ thể bạn chịu quá nhiều áp lực, hệ thống miễn dịch của bạn có thể bị tổn hại. Dường như cơ thể bạn dồn hết năng lượng để đương đầu với áp lực công việc nên không còn đủ sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh tật. Nếu thể trạng yếu, bạn sẽ dễ bị ốm vặt như cảm lạnh.

Lời khuyên: Nếu lựa chọn ở lại “chiến đấu” đến cùng, bạn cần tìm cách làm việc khi sức khỏe không tốt. Hãy luôn chuẩn bị sẵn trong văn phòng thuốc, khăn choàng và ăn uống lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

6. Bạn đổ mồ hôi khi gặp áp lực công việc

áp lực công việc

Áp lực công việc khiến bạn đổ mồ hôi là do các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài có thể kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” trên cơ thể. Điều này gây ra sự gia tăng của adrenaline, từ đó khiến bạn đổ mồ hôi.  Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải rõ mối quan hệ giữa áp lực công việc và tình trạng đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mùi do mồ hôi tạo ra có thể là một tín hiệu cho những người khác rằng có nguy hiểm xung quanh.

Lời khuyên: Bên cạnh việc kiểm soát stress, bạn cũng có thể tìm hiểu những cách giúp hạn chế đổ mồ hôi quá nhiều. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài, bạn nên tìm cách giảm áp lực công việc và đến bác sĩ để được tư vấn cách điều trị.

7. Bạn làm việc một cách chậm chạp

áp lực công việc

Bạn cảm thấy nóng ruột khi áp lực công việc ngày càng tăng mà tốc độ làm việc của mình lại vẫn chậm chạp. Sếp bạn có thể đánh giá bạn “lười biếng” mặc dù bạn luôn dành rất nhiều thời gian cho công việc, thậm chí có khi thức đến sáng. Đây là dấu hiệu của hiệu ứng “đóng băng” khi bạn bị stress. Hiệu ứng này cũng giống như khi bạn soi đèn pha vào con thỏ, dù nó rất hoảng sợ nhưng vẫn đứng yên. Đối mặt với áp lực “chiến đấu hay bỏ chạy”, bạn thậm chí bị tê cứng không biết mình nên làm gì!

Lời khuyên: Khi nhận ra tốc độ của mình chậm hơn người khác, đã đến lúc bạn nên tìm hiểu kinh nghiệm giúp mình nâng cao hiệu suất làm việc. Bạn nên hít thở để giải tỏa căng thẳng. Nếu bạn thuộc phong cách làm chậm thì hãy cứ chọn “chậm mà chắc” rồi dần dần tăng tốc độ.

8. Bạn dễ gắt gỏng với người khác

áp lực công việc

Nếu bạn có biểu hiện gắt gỏng khác với tính cách hàng ngày, nguyên nhân có thể là vì áp lực công việc. Cảm giác ấm ức, giận dữ và mệt mỏi có thể tích tụ lâu ngày và bùng nổ chỉ vì một lý do nhỏ nhặt. Giống như giọt nước tràn ly, bạn có thể nổi nóng với đồng nghiệp hoặc buột miệng nói lời khó nghe với cấp trên. Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc, bạn có thể quyết định thôi việc ngay sau khi xảy ra xung đột.

Lời khuyên: Những ngày có tâm trạng u ám, bạn có thể thử thay đổi quần áo tươi sáng hay xin làm việc ở nhà. Nếu lỡ lời nói điều không hay, bạn có thể ra ngoài cho bình tĩnh rồi sau đó xử lý vấn đề hoặc nói lời xin lỗi nếu bạn nhận ra mình đã sai.

9. Bạn suy nghĩ nghiêm trọng hóa mọi thứ

áp lực công việc

Những suy nghĩ tiêu cực thường tấn công bạn ồ ạt khi bị stress. Khi làm sai và bị cấp trên phê bình, bạn nghĩ rằng “sếp ghét mình” hay thậm chí “sếp sắp sa thải mình”. Thực tế, những kịch bản này chỉ xuất hiện trong đầu bạn. Áp lực công việc càng tăng cao, mức độ tiêu cực của ý nghĩ lại càng phóng đại quá mức.

Lời khuyên: Trạng thái tâm lý liên tục lo lắng về những điều xấu là một trong những dấu hiệu trầm cảm nặng ở mức cảnh báo. Bạn có thể xin nghỉ phép để cách ly môi trường làm việc và lấy lại cân bằng cuộc sống cá nhân.

10. Bạn thấy đầu óc quay cuồng

áp lực công việc

Mặc dù cảm giác chóng mặt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý, song đây cũng là một trong những dấu hiệu không thể bỏ qua của áp lực công việc. Stress khiến hơi thở nông hơn, nhịp tim đập nhanh để chuẩn bị tư thế “chiến đấu hay bỏ chạy”. Tình trạng hít thở dồn dập khiến các động mạch co lại, lưu lượng máu đến não suy giảm. Điều này có thể gây ra cảm giác đau đầu nhẹ hoặc nặng hơn là đầu óc quay cuồng.

Lời khuyên: Nếu bạn liên tục phải ngồi làm việc hoặc bám lấy ghế vì bạn cảm thấy chóng mặt, đây có thể là dấu hiệu đỉnh điểm của áp lực công việc đã ảnh hưởng xấu đến thể chất. Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và điều trị sớm.

Chúng ta thường đổ lỗi áp lực công việc khiến mình bị stress mà quên mất rằng đây cũng có thể là động lực thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn an toàn. Steve Jobs khi áp dụng triết lý “bóp méo sự thật” để thúc đẩy nhân viên sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo cũng dựa trên động lực này. Nếu bạn thật sự muốn bứt phá những giới hạn của bản thân, hãy tự trang bị cho mình “vũ khí” để sẵn sàng “chiến đấu” nhé!

Thảo Viên

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ap-luc-cong-viec-ban-chien-dau-hay-bo-chay-a2114.html