Tiền xã hội hóa, tài trợ giáo dục chính là lạm thu mới

Hình thức nhập nhằng các khoản thu nhân danh xã hội hóa khiến phụ huynh tại nhiều nơi “è cổ” đóng những khoản tiền vô lý.

Nhức nhối lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa

Trong đầu năm học 2019 – 2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều lời phản ánh của phụ huynh về khoản tiền có tên gọi là xã hội hóa.

Tại trường mầm non Giao Hà (huyện Giao Thủy, Nam Định) phụ huynh bức xúc phản ánh:

“Chúng tôi không hiểu vì sao năm nay lại có khoản tiền xã hội hóa. Mỗi phụ huynh tại trường phải đóng 300.000 đồng tiền xã hội hóa.


Bất lực vì lắm khoản thu, phụ huynh trường Giao Thịnh B khẩn cầu giúp đỡ

Bên cạnh đó chúng tôi cũng phải đóng góp những khoản tiền xây dựng đầu năm bình thường.

Cho nên chúng tôi rất thắc mắc không hiểu tiền xã hội hóa là gì và được sử dụng vào mục đích gì”.

Chị Vũ Thị Linh, có con đang học lớp 4 tại thành phố Nam Định bức xúc với các khoản thu đầu năm.

Ngoài các khoản phụ huynh phải đóng góp cho nhà trường từ cuối năm trước: sách giáo khoa, vở, đồng phục học sinh, trong buổi họp đầu năm, chị được thông báo các khoản thu do ban phụ huynh đứng tên trong đó có khoản tiền được gọi là tiền xã hội hóa: 500.000 đồng.

Tại trường Tiểu học xã Giao Hà (Giao Thủy), hầu hết các nội dung thu của nhà trường trong năm học 2019-2020 đều nằm trong danh sách những khoản tiền không được phép thu theo Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thế nhưng, học sinh mới đến trường được vài ngày thì phụ huynh đã được nhà trường yêu cầu phải nộp đủ. 

Với tổng số gần 700 học sinh, trung bình mỗi em phải đóng hơn 800 nghìn đồng cho những khoản thu không đúng theo quy định trong học kỳ 1 nhưng số tiền hơn 500 triệu đồng được quản lý và sử dụng như thế nào thì phụ huynh không được biết. 

Trong khi đó, nhà trường đã được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng và là một trong số những trường đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất khang trang, bề thế. 

Việc năm nào nhà trường cũng thu tiền xây dựng cơ sở vật chất mà không thấy có sự thay đổi khiến phụ huynh bức xúc. 

Đối với các hộ thuần nông, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thêm đóng góp vào những khoản thu ngoài danh mục, trái quy định, dù chỉ vài chục nghìn đồng là thêm sự vất vả, cực nhọc.

Những khoản thu không đúng mục đích (Ảnh:V.N)

Trước thông tin phản ánh từ báo chí trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã ra công văn số: 1239 về việc chấn chỉnh thực hiện thu đầu năm học 2019-2020.

Theo công văn này ghi nhận: Qua kiểm tra thực tế và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, vẫn còn có địa phương, một số cơ sở giáo dục chưa bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, huy động các khoản đóng góp thực hiện chưa đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cũng yêu cầu thực hiện thu theo đúng quy định, không được tự tiện đặt ra các khoản thu. Xử lý nghiêm các trường học vi phạm.

Không chỉ tại Nam Định mà nhiều địa phương cũng xuất hiện tình trạng lạm thu dưới vỏ bọc tiền xã hội hóa.

Sở dĩ có tình trạng này do một số trường lợi dụng phụ huynh ít tìm hiểu các văn bản, quy định của pháp luật từ đó đặt ra những khoản thu vô lý.

Chị Linh sau khi đọc báo, xem tin tức mới lên mạng tra cứu khoản tiền được gọi là tiền xã hội hóa thì mới biết đây là khoản tiền tự nguyện.

Chị Linh nói: “Tâm lý chung của phụ huynh chúng tôi là không quan tâm đến các quy định của pháp luật nhiều lắm. 

Thêm nữa ai cũng nghĩ cho con đi học thì không tiếc tiền. Vì thế mình cũng không tìm hiểu. 

Nhưng chúng tôi có quyền được biết số tiền đó đi đâu và được sử dụng với mục đích gì”.

Phụ huynh cần tìm hiểu rõ quy định và pháp luật để không bị thu vô lý (Ảnh:V.N)

Hiện nay, tiền xã hội được quy định tại: Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT, tại điều 2: Nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ

Việc huy động nguồn xã hội hóa phải đảm bảo:

Nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc

Không quy định mức tài trợ bình quân, mức tài trợ tối thiểu

Không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Do đó đối với những trường thu tiền xã hội hóa của người dân không dựa trên tinh thần tự nguyện lại có quy định số tiền phải nộp là trái với Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT.

Phụ huynh nên biết và nắm được rõ những quy định này để tránh bị thu tiền oan.

Yêu cầu làm rõ những khoản thu không rõ ràng, vai trò và đặc quyền của Ban phụ huynh

Hiện nay các khoản thu đều được thực theo nguyên tắc thống nhất giữa 3 bên: nhà trường, ban phụ huynh và chính quyền địa phương.

Nhưng chừng nào chưa phát huy được vai trò và tính hiệu quả của Ban phụ huynh thì đây được coi như một “cánh tay nối dài” trong việc lạm thu.

Điển hình, tại trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển, phụ huynh phản ánh tình trạng ban đại diện hội cha mẹ học sinh được chỉ định từ trước.


Ban đại diện Cha mẹ học sinh sẵn sàng trả lại tiền ủng hộ nếu ai muốn xin lại

Trong thư gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh N.B.D phụ huynh nói: 

“Ngày 22/07/2019 là ngày tuyển sinh đầu cấp trái tuyến.

Nhà trường đã sắp xếp đại diện hội cha mẹ học sinh hay còn gọi là ban phụ huynh.

Ngồi trên tầng 3,nơi có cán bộ giáo viên nhà trường tiếp nhận hồ sơ.

Sau khi phụ huynh nộp hồ sơ làm thủ tục xong, cán bộ giáo viên nhà trường nói sang gặp ban phụ huynh đóng  mỗi nhà 1 triệu đồng, với lý do làm nhà để xe.

Sau đó đến ngày 27/07/2019 nhà Trường tập trung học sinh đến nhận lớp.Ngày 28/07/2019.

Nhà Trường họp phụ huynh luôn. Chủ đề buổi họp là ra mắt ban phụ huynh đã được Ban giám hiệu - Nhà Trường chọn ngẫu nhiên.

Tôi đã thấy không khách quan! Vì ban phụ huynh là do trong lớp ,bác nào đã làm hay cảm nhận làm được, sẽ do phụ huynh trong lớp tự ứng cử , bầu chọn. Nhưng sao nhà Trường phải chọn giúp?”.

Phụ huynh bức xúc trước một số khoản thu vô lý (Ảnh://thgiaothinhb.pgdgiaothuy.edu.vn)

Các khoản tiền nếu không được phụ huynh đồng ý mà thông qua ban phụ huynh liệu có khách quan? Nhất là khi có tình trạng chỉ định Ban phụ huynh như trên.

Trước tình trạng lạm thu thông qua tiền xã hội hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kiến nghị gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết mọi gia đình có con đang đi học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận mặc dù đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp (đặc biệt là khoảng thời gian đầu mỗi năm học). 

Xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo.

Một số khoản thu tại Trường Tiểu học Châu Khê 1 (Từ Sơn, Bắc Ninh) khiến phụ huynh chưa hài lòng. Ảnh: giaoduc.net.vn

Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, lắp điều hòa, mua mực in... 

Việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong phụ huynh, đặc biệt là gây lo lắng, áp lực lớn đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Đây là hiện tượng tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương phát hiện xử lý nghiêm, tập thể, cá nhân vi phạm, trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên”.

Theo GDVN

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tien-xa-hoi-hoa-tai-tro-giao-duc-chinh-la-lam-thu-moi-a2120.html