Tính đến nay, dự án đã triển khai 13 năm, nhưng có đến 11 năm vướng tranh chấp với đối tác China Policy Limited (gọi tắt CPL), được giới thiệu là “công ty con” của Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) ở Hồng Kông (HK).
Hồ sơ thể hiện: Ngày 1-6-2007, Công ty HP và CPL ký “thỏa thuận khung” (gọi tắt “TTK”) cùng hợp tác triển khai dự án với vốn đầu tư ban đầu 140 triệu USD. HP và CPL dự định sẽ ký kết hợp đồng thành lập liên doanh, phía CPL đã tạm ứng hơn 15,6 triệu USD để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi giai đoạn I…
“TTK” vừa ký kết thì 2 bên xảy ra mâu thuẫn, bất đồng dẫn đến tranh chấp kéo dài đến nay. Nhiều cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương đã vào cuộc hoặc có văn bản nêu ý kiến liên quan đến vụ việc. Qua điều tra của Báo Công an TP.HCM đã hé mở những “bí mật” của CPL cũng như Công ty mẹ Chuang’s.
Giải mã lai lịch của công ty “mẹ và con”
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng Việt Nam (VN) đề ngày 9-10-2018, ông Chan Chun Man, “nhân danh” Giám đốc (GĐ) của cả 2 công ty Chuang’s và CPL, xác định: CPL là công ty con của Chuang’s, được thành lập tại British Virgin Islands (gọi tắt BVI), địa chỉ đăng ký Vistra Corporate Services Centre, Wickhams Cay II, Road Town, Tortola, VG1110, BVI.
Tuy nhiên, tại thời điểm ký “TTK” năm 2007, CPL đăng ký một địa chỉ khác là “PO Box 71 Craigmuir Chambers, Road Town, Tortola, BVI”. Đổi địa chỉ ở BVI nhưng văn phòng liên lạc và giao dịch của CPL vẫn giữ nguyên tại số 25/F Alexandra House, 18 Chater Road, Central, HK, là trụ sở Công ty Chuang’s.
Theo nhiều tài liệu, BVI thuộc Vương quốc Anh, nằm ở khu vực biển Caribe, được mệnh danh là “thiên đường thuế” nổi tiếng thế giới. Có khoảng 850.000 doanh nghiệp ở khắp các châu lục đăng ký địa chỉ tại quần đảo nhỏ bé này (diện tích chỉ 153 km2, dân số chưa tới 30.000 người), rồi chuyển vốn đầu tư sang nước khác. Sau vụ “hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới, hàng loạt “công ty vỏ bọc” đựợc lập ra tại BVI đã bị phanh phui, không chỉ trốn thuế mà còn rửa tiền, lập quỹ đen, chuyển giá…
Quá trình tranh chấp, phát hiện đối tác có nhiều điểm bất thường, nhóm chuyên gia pháp lý của Công ty HP đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến CPL cũng như Công ty mẹ Chuang’s.
Kết quả thật bất ngờ: Cả CPL lẫn Chuang’s đều có chân ở các “thiên đường thuế”. Trong đó, Chuang’s đã đăng ký thành lập tại Bermuda; còn CPL thì tại BVI. Hiện nay, có nhiều công ty trên thế giới đăng ký địa chỉ giao dịch tại Bermuda, BVI,…được coi là “thiên đường thuế”, nhằm “những mục đích đặc biệt” (Special Purpose Vehicle - SPV). Mục đích của các SPV là che giấu danh tính của chủ sở hữu nhằm tránh các vấn đề kê khai tài sản cá nhân, bảo vệ tài sản cá nhân trong trường hợp bị phá sản, cũng như tránh các khoản thuế… Các SPV còn được sử dụng vào các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư nhưng chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn tại nước ngoài, không nhất thiết phải gánh chịu trách nhiệm cụ thể về pháp lý và tài chính.
Có lẽ vì đạt được “những mục đích đặc biệt” nên Chuang’s đã kiếm lợi “khủng”. Trong đơn, GĐ Chan Chun Man tự “quảng cáo”, Chuang’s là công ty lớn, thực hiện nhiều dự án trên toàn cầu với tổng tài sản năm 2017 là 19,2 tỷ đô la HK (tức khoảng 2,6 tỷ USD), lợi nhuận ròng hơn 1,26 tỷ đô la HK (?!).
GĐ Chan Chun Man cho rằng, việc đầu tư của Chuang’s và CPL tại VN là hợp pháp và phải được nhận sự đối xử và bảo vệ công bằng, thỏa đáng…
Sự thật thì sao?
Việc các công ty đến từ “thiên đường thuế” đầu tư vào VN là bình thường. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì vấn đề “thiên đường thuế” trở nên nhạy cảm. Nếu CPL đầu tư hợp pháp thì chắc chắn sẽ được bảo vệ và đối xử công bằng cũng như hàng vạn nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khác đã và đang hiện diện tại VN. Thực tế CPL không tuân thủ theo pháp luật VN về đầu tư và thương mại.
Hồ sơ thể hiện: Tại thời điểm CPL ký “TTK” thì Luật Đầu tư năm 2005 của VN đã có hiệu lực thi hành. Căn cứ điều 46 của Luật này thì CPL phải tiến hành lập các thủ tục đăng ký đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Long An để được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng CPL không thực hiện.
Hồ sơ thể hiện: Từ khi có mặt tại VN năm 2007, CPL đã thuê một tầng ở lầu 4 toà nhà 32-34 Ngô Đức Kế, Q.1 làm văn phòng đại diện (VPĐD). Hiện nay, CPL đã chuyển sang thuê một căn phòng ở lầu 7 (phòng 704) số 6 Thái Văn Lung, Q.1 làm VPĐD. Việc mở văn phòng tại VN, CPL không xin giấy phép cơ quan chức năng.
Ngày 27-8-2018, Sở Công thương TP.HCM có văn bản, khẳng định: “Cho đến nay, Sở Công thương chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập VPĐD tại TP.HCM của CPL - công ty con của Chuang’s…”.
“Quên” xin phép lập VPĐD, hơn 1 thập niên có mặt ở VN, CPL cũng “quên” lập thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trong VB đề ngày 14-9-2018, Sở KHĐT TP.HCM xác định: “Theo thông tin hiện có tại cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KHĐT quản lý thì không có doanh nghiệp nào có tên CPL là đăng ký địa chỉ trụ sở tại phòng 704, số 6 Thái Văn Lung, Q.1”.
“Nóng” nhất chính là khoản ngoại tệ hơn 15,6 triệu USD mà CPL đã “tạm ứng” cho dự án, trong đó có 13 triệu USD chuyển cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An làm kinh phí bồi thường cho dân bị thu hồi đất. Theo luật sư Lê Hà Gia Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) việc chuyển ngoại tệ của CPL đã vi phạm nghiêm trọng Thông tư 03/2004/TT-NHNN ngày 25-5-2004 của Ngân hàng Nhà nước VN. Cụ thể:
Theo quy định tại điều 3 của Thông tư, trên toàn lãnh thổ VN, việc góp vốn của NĐTNN trong các doanh nghiệp VN được thực hiện bằng đồng VN. Tại điều 5 của Thông tư quy định về “chuyển vốn vào VN”, NĐTNN phải mở tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đồng thời phải bán ngoại tệ cho ngân hàng được phép để lấy đồng VN tham gia góp vốn.
Để thực hiện việc góp vốn trong các doanh nghiệp VN, theo điều 6 của Thông tư, NĐTNN phải mở một tài khoản góp vốn bằng đồng VN tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại VN. Mọi giao dịch liên quan đến hoạt động góp vốn của NĐTNN đều phải thực hiện thông qua tài khoản này.
Theo điều 8 của Thông tư, sau 2 ngày mở tài khoản góp vốn, NĐTNN phải gửi hồ sơ đăng ký tài khoản góp vốn với Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối). Còn tại điều 13, NĐTNN phải có báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu quy định) tình hình hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp VN.
Cùng chung quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TP.HCM) đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguồn gốc của số ngoại tệ này. Nếu xác định bất hợp pháp, đưa vào VN để “rửa tiền” hay vì mục đích đen tối thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012…
Còn tiếp...
Nhóm PV
Theo congan.com
* Title đã được thay đổi
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dau-hieu-chuyen-ngoai-te-chui-dau-tu-lui-cung-nhieu-bat-thuong-cua-china-policy-a215.html