Cha mẹ uống rượu nhiều, con sinh ra dễ bị bệnh tim

Các nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí The European Journal of Preventive Cardiology của Hội Tim mạch châu Âu, các bậc cha mẹ nên nhanh chóng từ bỏ việc uống rượu khi lên kế hoạch sinh con.

Theo các nhà khoa học, việc tiêu thụ rượu (kể cả ở mức vừa phải trong 3 tháng trước khi thụ thai, cũng như trong 3 tháng đầu của thai kỳ) sẽ làm tăng nguy cơ sinh con bị bệnh tim. Tỷ lệ sẽ là 44% nếu người cha uống rượu và 16% nếu mẹ uống rượu. Nếu một người cha lạm dụng rượu (tới mức nghiện), nguy cơ sẽ tăng 54%.

Để đi đến kết luận nói trên, các nhà khoa học đã phân tích tổng hợp dữ liệu từ 55 công trình nghiên cứu được công bố từ năm 1991 đến 2019. Việc tiến hành phân tích sức khỏe của nhiều trẻ sơ sinh cho thấy 41.747 trẻ sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh, trong khi 297.587 trẻ không bị bệnh.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, việc sử dụng rượu bia của các bậc cha mẹ tương lai là hành vi liều lĩnh và nguy hiểm, điều này không chỉ có thể làm tăng nguy cơ sinh con mắc bệnh tim mà còn làm tổn hại đáng kể đến sức khỏe của chính bản thân họ. Chính vì vậy, các nhà khoa học khuyên các cặp vợ chồng lên kế hoạch sinh con hãy tránh uống rượu 6 tháng trước khi thụ thai.

Khuyết tật tim bẩm sinh là bệnh lý phổ biến nhất được tìm thấy ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê, có 1,35 triệu trẻ em khuyết tật tim được sinh ra hằng năm trên thế giới.

Uống rượu làm tăng nguy cơ bệnh tật khi sinh con. 

Liên quan đến những tác hại do sử dụng rượu, trước đó, theo một nghiên cứu mới được tiến hành bởi Trung tâm nghiện ma túy và sức khoẻ tâm thần, rối loạn sử dụng rượu là yếu tố nguy cơ gây ra các chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là chứng mất trí sớm.

Nghiên cứu này được tiến hành với sự tham gia của hơn một triệu người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh sa sút trí tuệ ở Pháp. Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động cụ thể của rối loạn sử dụng rượu đối với những người được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần và xem xét các hành vi hoặc chứng bệnh mãn tính khác gây ra bởi việc sử dụng rượu.

Trong số 57.000 trường hợp mắc bệnh sa sút trí tuệ sớm (trước 65 tuổi), phần lớn (57%) liên quan đến nghiện rượu nặng mãn tính. Theo kết quả của hiệp hội được tìm thấy trong nghiên cứu này, các tác giả cho rằng cần ngăn chặn, hạn chế việc uống rượu và điều trị rối loạn sử dụng rượu để giảm nguy cơ mắc các chứng mất trí gây ra bởi rượu.

Đồng tác giả nghiên cứu Jürgen Rehm cho biết: "Những phát hiện này cho thấy rối loạn sử dụng rượu và sử dụng rượu là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt đối với những người mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ trước tuổi 65. Những nguy cơ này có thể dẫn đến tử vong sớm. Các tổn thương não gây ra bởi rượu và chứng sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được. Thêm vào đó, các biện pháp phòng ngừa hiệu quả có thể làm giảm nguy cơ tử vong do việc mất trí sớm".

Rehm chỉ ra rằng, trung bình rối loạn do sử dụng rượu làm giảm tuổi thọ của hơn 20 năm, và chứng mất trí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người này. Đối với chứng sa sút trí tuệ sớm, có sự phân chia giới tính đáng kể. Mặc dù đa số bệnh nhân mất trí là phụ nữ, nhưng gần hai phần ba số bệnh nhân mất trí sớm (64,9%) là nam giới.

Các rối loạn do sử dụng rượu cũng liên quan đến tất cả các yếu tố nguy cơ độc lập khác gây ra chứng sa sút trí tuệ như hút thuốc lá, huyết áp cao, tiểu đường, trầm cảm, và mất thính giác. Đây đều là những yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được.

Thành Luân

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cha-me-uong-ruou-nhieu-con-sinh-ra-de-bi-benh-tim-a2158.html