Hàng Việt Nam trước 'cơn bão nhái Made in Việt Nam'

Thực tế, có rất nhiều chủng loại hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại được gắn mác “Made in Viet Nam”. Thực trạng đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với

Ảnh hưởng uy tín và giảm sức cạnh tranh của hàng Việt

Có thể nhận thấy, hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất mà rộng hơn là đối với uy tín của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung.

Đối với các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc nhưng lại ngang nhiên gắn mác “made in Viet Nam” thì khó lòng chấp được. Không có đơn vị nào đứng ra kiểm soát về chất lượng, ai dám đảm bảo chất lượng của các loại hàng hóa đó khi đến tay người tiêu dùng? Chưa kể nếu sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người thì chắc chắn, uy tín của hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng thời, hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đây là điều kiện để hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường thế giới đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn về thuế suất, điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng hàng hóa Việt Nam ngày càng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa từ quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam. Việc các loại hàng giả, hàng nhái kém chất lượng liên tiếp đội lốt hàng “made in Viet Nam” thì sẽ chỉ càng khiến cho uy tín và sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa bị sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhận thức được các mối nguy cơ tiềm ẩn này, đòi hỏi người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cần phải có cái nhìn tổng quát và đưa ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, trả lại cho thị trường Việt Nam các sản phẩm uy tín và chất lượng cao đồng thời giữ vững được niềm tin của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Ảnh minh họa

Hành lang pháp lý có đủ sức kiểm soát và xử lý? 

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Điều này đã và đang vô tình tạo nên kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm đạt được mục đích riêng.

Theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 trước kia), pháp luật Việt Nam đang lấy đó làm căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Trên cơ sở cam kết quốc tế và Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu chứ không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.

Hay tại chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan.

Theo luật sư Phạm Kỳ Dương (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): “Quy định tại các văn bản nêu trên đã chỉ ra rằng một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.”

Cũng theo luật sư Dương, hành vi gian lận thương mại thông qua việc tùy ý gắn nhãn mác “made in Viet Nam” cho các hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam chính hãng để bán ra thị trường thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, các loại hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa hoặc hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đều có thể xếp vào diện “hàng giả” và hành vi buôn bán các loại hàng hóa này đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng tới 60 triệu đồng theo Điều 13 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy vào giá trị hàng hóa.

Còn đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 90 triệu đồng theo Điều 14 của Nghị định trên, tùy vào giá trị hàng hóa.

T/h

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hang-viet-nam-truoc-con-bao-nhai-made-in-viet-nam-a225.html