Theo thông tin phản ánh đến tòa soạn thì: Trạm trộn bê tông công suất lớn tên Long Trọng, tại xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đang hoạt động đã xâm hại đến hành lang thoát lũ, bảo vệ đê điều và bãi tập kết vật liệu không phép gây bụi, do các xe tải chở vật liệu thường xuyên ra vào không được che chắn cẩn thận khiến cát sỏi vương vãi ra đường.
Trạm trộn bê tông Long Trọng, nơi người dân phản ánh. |
Nhận được thông tin phản ánh, báo đã cử PV xuống tận hiện trường “mục sở thị”. Theo quan sát, trạm trộn bê tông Long Trọng có vị trí ở đầu xã Tam Đa nằm trọn phía bên ngoài đê Hữu Thái Bình sát phía bờ sông Thái Bình, khu vực từ km10 + 500 đến đầu cầu Đăng. Đây cũng là đoạn đường duy nhất để các xe bồn chở bê tông và các xe tải chở cát, vật liệu xây dựng luuw thông. Chính vì thế, đoạn đường đê xuống cấp trầm trọng với nền đất yếu, mặt đê đã lồi lõm bởi những xe có trọng tải lớn thường xuyên ra vào, cày xới mặt đường.
Có mặt tại hiện trường, PV thấy, phản ánh của người dân là có thật. Theo phản ánh thì tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay, nằm sát phía bờ sông đơn vị này dựng lên một “công trường” gồm tổ hợp đầy đủ hình thức kinh doanh từ trạm trộn bê tông công suất lớn đến nhà điều hành, bãi tập kết cát, cần cẩu khung thép.
Một “công trường” được dựng lên bên cạnh sông Thái Bình. |
Đường đê, đường quốc lộ thì xe tải xe bồn chở bê tông ra vào tấp nập, bất chấp những tấm biển cấm rẽ, biển giới hạn tải trọng, cấm xe tải. PV chứng kiến, những chiếc xe từ khu “công trường” của trạm trộn bê tông Long Trọng, xe gắn mác bê tông Long Trọng tự rẽ trái (mà có biển cấm rẽ), đoạn từ đầu đường đê để di chuyển lên cầu Đăng. Đã thế, đoạn đường này có khúc cua này rất nguy hiểm, tầm nhìn bị hạn chế, rất dễ xảy ra va chạm cho những xe đi đúng hướng qua cầu Đăng sang địa bàn xã Tam Đa, vẫn ầm ầm xuyên qua. Thực tế đó khiến không ít người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống khu vực ngay đó giật mình thon thót, chỉ biết đầu ngao ngán.
Xe bồn chở bê tông Long Trọng vẫn vượt biển cấm lao lên cầu Đăng. |
Thực tế, con đường đê cũng là con đường dân sinh đi lại của những hộ dân sinh sống gần đó “nắng thì bụi mù, ai đi qua cũng phải nheo mắt lựa tránh những “ổ trâu, ổ voi” rồi cả xe chở bê tông, vật liệu xây dựng khác; mưa thì trơn trượt, tay lái yếu chẳng đi nổi” một người dân thường xuyên đi lại qua khu vực này chia sẻ thông tin với PV.
Bà N.T.T, nhà sát mặt đường phản ánh: “Cả hai đầu cầu đều có biển giới hạn trọng tải, xe trên 8 tấn không được lưu thông trên trục đường chính này chứ nói gì đường đê. Cả hai đầu cầu Đăng đều có biển rất rõ ràng, trạm trộn cũng hoạt động lâu rồi được mấy năm. Năm ngoái xe chạy còn nhiều hơn… nghe nói có họ hàng “làm to” ở thành phố nên chúng tôi phản ánh suốt mà không thấy bất kì một cơ quan chức năng nào kiểm tra, tiến hành ngăn chặn, xe vượt quá trọng tải đi vào đường cấm cũng không có lực lượng công an hay Cảnh sát giao thông dừng xe xử lý”.
Theo một người chạy xe bồn lâu năm thông tin thì: Một xe chở bê tông từ 10 – 12m3 trọng lượng có thể lên đến 20 tấn. Như vậy, hiển nhiên trọng lượng của xe trạm trộng bê tông Long Trong mỗi lần di chuyển qua vượt quá sức chịu đựng của đường đê, nặng gần gấp 3 lần giới hạn cho phép của trục đường chính cũng như cầu Đăng bắc qua sông Thái Bình.
Sau khi trực tiếp “mục sở thị”, điều khiến PV băn khoăn nữa là dù đã quan sát rất kỹ nhưng cũng không thấy khu vực xử lý nước thải bê tông. Vậy, các chất phụ gia và nước thải ở đây được xả đi đâu? Có xả thẳng ra sông không?
Trước những thực trạng trên, PV thắc mắc, tại sao có quá nhiều những vi phạm liên quan đến hoạt động của trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng của đơn vị này là “có vấn đề”, sao không được chính quyền quan tâm giải quyết. Có chăng, đúng như những gì người dân đồn đoán, phải có thế lực nào đó đang đứng “chống lưng” thì doanh nghiệp mới tự nhiên “hoạt động lạ” như vậy?
Ngày 25/10/2019, PV liên lạc với ông Phạm Quốc Ka, Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng. Ông Ka bận họp, giới thiệu gặp Chủ tịch nhưng PV liên lạc với Chủ tịch không được. Chiều 25/10/2019, PV đến tận trụ sở UBND huyện Vĩnh Bảo, gặp Phó Chủ tịch thì được thông tin: “Bận họp”.
Chúng tôi tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin liên quan tiếp theo.
Điều 7, Luật Đê điều 2006 về Các hành vi bị nghiêm cấm, ghi rõ: “1.Phá hoại đê điều…5.Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. 6.Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa. 7.Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão…10.Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. Điều 23. Phạm vi bảo vệ đê điều, ghi rõ: “1.Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê. 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a)Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển….” |
Giang Nam