Khởi tố hàng loạt lãnh đạo Đại học Đông Đô
Ngày 20/8, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972, quê Nghệ An), Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Đại học Đông Đô với tội danh "Giả mạo trong công tác".
Theo cơ cấu tổ chức của trường, ông Hùng là tiến sĩ, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Trước khi bỏ trốn, Hùng bị khởi tố về tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.
Cùng tội danh này, Cơ quan CSĐT khởi tố 4 bị can do liên quan những tiêu cực trong việc cấp văn bằng 2 cho nhiều học viên.
Truy nã Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Đại học Đông Đô. (Ảnh: Bộ Công an)
Bốn bị can bị khởi tố là Dương Văn Hòa, (SN 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), là Hiệu trưởng Đại học Đông Đô. Trần Ngọc Quang, (SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Đại học Đông Đô.
Phạm Vân Thùy, (SN1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), là cán bộ Đại học Đông Đô. Lê Thị Lương, (SN1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), là cán bộ Đại học Đông Đô.
Vì sao Hàng loạt lãnh đạo Đại học Đông Đô vướng lao lý?
vụ án được điều tra sau khi công an nắm thông tin về việc một số cán bộ chủ chốt của Đại học Đông Đô móc ngoặc với các tổ chức bên ngoài cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh cho học viên không theo học. Giấy tờ này được học viên sử dụng để nâng lương, thăng chức, thi tuyển vào biên chế.
Các bị can Dương Văn Hòa (trái), Trần Ngọc Quang (giữa) và Phạm Vân Thùy. (Ảnh: Bộ Công an)
Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định Đại học Đông Đô tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh từ năm 2016. Thấy nhiều người có nhu cầu cần văn bằng ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ, năm 2018, trường liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn để ăn chia.
Cơ sở này cho phép học viên không phải đến lớp, không thi đầu vào, đầu ra. Các khóa cấp văn bằng cấp tốc không thông báo tuyển sinh, không thành lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Có trường hợp được chèn hồ sơ vào danh sách lớp đã học trước đó.
Theo lời khai của các bị can, Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong 1-2 ngày. Các học viên dự thi được phát giấy thi và cả đáp án để chép ngay tại chỗ. Chi phí thông qua “cò” dao động 50-150 triệu đồng/người.
Trong đó, hiệu trưởng Dương Văn Hòa chỉ đạo Phó phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang ký bảng điểm cho học viên để họ tốt nghiệp sau 3-6 tháng tính từ lúc nộp hồ sơ.
Sau khi dàn lãnh đạo Đại học Đông Đô bị bắt, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết các bị can đã chiêu sinh, cấp phát văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh trái quy định.
Riêng năm 2018, ông Dương Văn Hòa công nhận tốt nghiệp và cấp phát bằng cho hàng trăm sinh viên học ngành này.
Về nguồn gốc phôi bằng, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định cơ quan này chỉ cung ứng phôi văn bằng cho trường. Còn việc in thông tin trên văn bằng rồi cấp phát là trách nhiệm của nhà trường.
Đến nay, cơ quan chức năng nhận định người sử dụng văn bằng 2 được cấp trái quy định của Bộ GD&ĐT chủ yếu là cán bộ giữ vị trí chủ chốt đang học thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Vụ án liên quan những sai phạm tại Đại học Đông Đô đang được Bộ Công an điều tra mở rộng.
Nam Anh (t/h)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/truy-na-chu-tich-hdqt-dai-hoc-dong-do-a30.html