Từ những 'ao cá Bác Hồ' năm xưa

Cùng với đợt hoạt động kiểm điểm lại 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, 2019 cũng là năm thứ 40 từ khi phát động phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ. Đối với ngành thủy sản, đây đã từng là một việc làm quyết liệt, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả để thực hiện di chúc của Bác, những lời Bác dạy.

Từ những 'ao cá Bác Hồ' năm xưa - Ảnh 1

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cùng bác Vũ Kỳ (Thư ký của Bác Hồ) thả cá tại Ao cá Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch

Từ điểm khởi đầu

Khởi đầu của phong trào này là việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị ngày 21/10/1978 về phát triển phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ nhằm chuẩn bị vào năm sau (1979) kỷ niệm 10 năm Bác đi xa và 10 năm thực hiện di chúc của Bác. Văn bản đó được triển khai bởi Quyết định số 9201 HS-NN-BT ngày 10/11/1978 của liên bộ Hải sản, Nông nghiệp và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Kế hoạch thực hiện các văn bản này đã được thảo luận và thông qua tại Hội nghị phát triển phong trào thi đua xây dựng Ao cá Bác Hồ tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11/1978. Rồi từ đó phát động thi đua rộng khắp cả nước để thực hiện.

Trước đó, năm 1976, cá từ ao của Bác tại Phủ Chủ tịch đã được cấp đi nuôi tại Yên Duyên (Hà Nội) và Mê Linh (Vĩnh Phú), rồi năm 1977 cấp rộng ra để nuôi ở các đơn vị bộ đội: Quân y viện 91 (Bắc Thái), Quân khu 4 (Nghệ Tĩnh) và Bộ đội Trường Sơn (Quảng Đà). Từ việc cá nuôi ở những cơ sở mới này cho kết quả tốt, với Quyết định liên bộ nêu trên, đến đầu năm 1979, phong trào được mở rộng ra 15 tỉnh, thành phố, tất thảy đều nhận cá giống từ Ao cá Bác Hồ nuôi tại 130 điểm, đều có tên là Ao cá Bác Hồ. Những địa phương có nhiều điểm nhất là Quảng Đà (43 điểm), Vĩnh Phú (23 điểm) và Hà Nội (17 điểm). Cá từ ao Bác cũng được đưa vào phía Nam với mở đầu là Nghĩa Bình và TP Hồ Chí Minh, rồi sau đi các tỉnh, thành phố khác. Đến hết quý I/1979, cả nước đã có 597 điểm Ao cá Bác Hồ với tổng diện tích là 393 ha, trong đó, Hải Hưng có nhiều điểm nuôi nhất 326 ao với 150 ha (Các số liệu trên lấy từ các Bản tin KHKT Hải sản năm 1979, với nguồn của Mai Văn Bích và Hồng Lương. Tên các tỉnh lấy nguyên gốc tại thời điểm thống kê).

Từ những điểm Ao cá Bác Hồ ban đầu này đã mở ra rộng khắp thành phong trào thực sự lôi cuốn. Sự lôi cuốn của công việc trước hết là gắn với tình cảm của nhân dân với Bác; tuy nhiên, một động lực quan trọng là tính hữu ích về dân sinh thời kỳ mở đầu đó, về sự thiết thực và hiệu quả cả về kinh tế và ý nghĩa xã hội, mà mọi người trong cộng đồng đều có trách nhiệm, với cơ cấu vật nuôi phù hợp lúc đó (chủ yếu là đàn cá truyền thống). Và chính việc đó đã mở đầu cho một quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản cho cả những năm sau này. Sự thực, từ những năm đầu 1990, phong trào Ao cá Bác Hồ đã “hóa thân” vào những đề án, chương trình phát triển khác để có được ngành nuôi trồng phát triển như ngày nay, góp sức cho thành công của những chương trình xóa đói giảm nghèo, của các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi như đang làm…

Mấy điều nhìn lại

Có lẽ, rất cần một sự tổng kết có trách nhiệm và chu đáo về phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ của 40 năm trước cho tương xứng tình cảm với Bác luôn sâu đậm trong cán bộ và nhân dân ta. Ngay từ đầu, phong trào Ao cá Bác Hồ đã có một vai trò kinh tế xã hội, một ý nghĩa nhân văn lớn lao. Chúng ta cũng phải nhìn thấy kết quả những điều đã làm và thấy rõ những việc sẽ phải làm tiếp để phát triển nét đẹp nhân văn và và giá trị kinh tế xã hội ấy của phong trào.

Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch được nâng cấp, cải tạo nay trở thành nơi thu hút khách thập phương khi về viếng Bác, thăm nơi Bác sống và làm việc, thăm Hà Nội. Nhớ Bác lắm khi nhẩm 4 câu thơ bảy chữ của nhà thơ Tạ Hữu Yên về Ao cá Bác Hồ:

Cá quẫy trưa hè sóng sánh ao

Mấy con nhện nước nhảy lao xao

Lại nhớ chiều chiều Người gọi cá

Ríu rít quanh bờ lượn sóng chao.

Tuy nhiên, ý nghĩa ban đầu của phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ còn gắn với mục đích dân sinh, của sự hòa nhập với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, dù thời bao cấp xưa kia hay bây giờ, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, khi diện tích mặt nước ở làng quê bị lấy dần đi để làm đất ở, khi một số vùng quê được đô thị hóa… Thời buổi khác đi phải có cách làm khác, nhưng phải làm sao để ý nghĩa dân sinh của phong trào vẫn vậy trong các cộng đồng dân cư. Cái ngọn lửa tinh thần của những năm khởi đầu Ao cá Bác Hồ 40 năm trước cần nhen nhóm lại trong bối cảnh phát triển và tình hình mới.

Cái thành công, cuốn hút và hòa nhập của phong trào Ao cá Bác Hồ từ buổi đầu còn là kết quả của công tác lãnh đạo. Không những chỉ là lo toan cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, lãnh đạo Bộ Hải sản những năm đó coi đó là việc tập trung chỉ đạo; mà người được giao chỉ đạo trực tiếp phong trào này là Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát đã có lần tâm sự (Nguyễn Bá Phát, vị tướng tài trí, NXB Quân đội nhân dân 2007, trang 371): “Qua kết quả của phong trào đã rút ra được bài học quý báu là: Phát triển kinh tế cũng như làm cách mạng, phải biết vận động quần chúng và huy động mọi lực lương tham gia. Khi nhân dân hưởng ứng thì nhất định sẽ thành công”. Mấy điều nêu trên cần được suy ngẫm và rút bài học thực sâu sắc, cho phong trào này và cho những việc khác.

“Trên truyền thông, gần đây đưa khá nhiều tin tức về việc khôi phục hoặc xây dựng mới các Ao cá Bác Hồ ở một số địa phương và các hoạt động quanh những công trình đó. Tôi tin, một khi là những việc thiết thực, không hình thức thì đều được hoan nghênh vì đó là việc tốt, biểu tượng của tình cảm và lòng biết ơn với Bác Hồ kính yêu, là những việc làm mang lợi ích về môi trường sinh thái, nâng cao ý thức cộng đồng để giữ gình nét đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa, xây dựng nông thôn mới”, nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc tâm sự.

Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản/thuysanvietnam.com.vn

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tu-nhung-ao-ca-bac-ho-nam-xua-a364.html