'Đại công trường' ngang nhiên san ủi đất rừng trái phép ở Lạng Sơn

“Đại công trường” này ở thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Nhiều diện tích đất rừng sản xuất đã bị san ủi, hàng nghìn khối đất được vận chuyển đi nơi khác để phục vụ việc san lấp mặt bằng

Mặc dù sự việc diễn ra công khai, ngang nhiên nhưng chính quyền xã Hồng Phong và ngành chức năng của huyện Cao Lộc vẫn làm ngơ để đất rừng bị “xẻ thịt”?. 

A1

Máy xúc miệt mài “xẻ thịt” đất rừng.

A2

Theo tìm hiểu, chủ của khu đất đang được san ủi trái phép là ông Vi Văn Tấn, thôn Pá Phiêng, có diện tích gần 7.000m2. Đây là đất rừng sản xuất chưa được cơ quan chức năng cấp phép khai thác. Hoạt động san ủi được thực hiện ngang nhiên, công khai hơn 2 tháng nay.

Ghi nhận của PV Báo TN&MT chiều ngày 15/5/2019 cho thấy, quả đồi với diện tích hàng nghìn m2 bị đào bới nham nhở. Thời điểm PV có mặt, 2 chiếc máy xúc đang miệt mài “xẻ thịt” ngọn đồi rồi múc đất lên các xe tải ben đang chờ sẵn. Khi đã “ăn” đầy đất thì những chiếc xe này di chuyển ra khỏi khu vực khai thác đến một địa điểm cũng thuộc địa phận thôn Pá Phiêng chừng nửa cây số để đổ, sau đó san gạt tạo mặt bằng. Quá trình vận chuyển, cả chục chiếc xe tải ben cỡ lớn tung bụi mù trên tuyến đường tránh thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc).

A3

Xe tải ben đến “ăn” đất.

“Nhiều khi họ chở đất đi còn không che chắn, bánh xe dính đầy đất rơi vãi khắp đường. Bụi lắm chú ơi, mưa thì trơn trượt. Công an, Thanh tra Giao thông ngày nào chả đi qua đây vài lượt nhưng có thấy xử lý đâu” – ông V.V.L, thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong cho biết.

A4

Chuyển đất ra khỏi khu vực san ủi.

Tại buổi làm việc với PV Báo TN&MT ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Hoàng Văn Huấn và cán bộ địa chính Cam Ngọc Tuấn thừa nhận, có biết việc san ủi này và cho biết trước đó, ngày 10/4 vừa qua, xã đã phối hợp với Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc lập biên bản xử phạt ông Vi Văn Tấn về hành vi “khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và yêu cầu ông Tấn dừng việc khai thác, tuy nhiên ông này không chấp hành.

Và cũng từ đó đến nay hoạt động san ủi, vận chuyển đất ra khỏi khu vực khai thác vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên như thách thức chính quyền nhưng UBND xã Hồng Phong và ngành chức năng của huyện Cao Lộc không hề có một động thái nào để ngăn chặn. Khi được hỏi biết việc san ủi tại sao xã không ngăn chặn, xử lý thì vị Chủ tịch xã lý giải “sau khi xử phạt xong cứ nghĩ là sẽ dừng không san ủi nữa, với lại cũng do bận tập trung chống dịch tả lợn Châu Phi nên là nó như thế!”.

A5

Tung bụi, đất rỡi vãi trên đường.

A6

Đất được đổ để san gạt tạo mặt bằng cách vị trí khai thác khoảng nửa cây số.

Nhìn từ sự việc này và các vụ việc sai phạm về đất đai trên địa bàn huyện Cao Lộc trong thời gian qua mà Báo TN&MT đã phản ánh (san ủi đất rừng, phân lô bán nền ở xã Hợp Thành, khai thác đất đồi trái phép ở xã Yên Trạch) có thể thấy, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý của các cấp chính quyền huyện Cao Lộc không quyết liệt, kém hiệu quả. Tất cả chỉ dừng ở mức xử phạt cho có, phạt để tồn tại, không đủ sức răn đe để rồi các tổ chức, cá nhân mặc sức “xẻ thịt” nhiều héc ta đất rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước bị thất thu.

Từ các vụ việc này cũng cho thấy, huyện Cao Lộc đã và đang buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. UBND tỉnh Lạng Sơn và ngành chức năng liên quan của tỉnh này có biết về những gì đang diễn ra ở huyện Cao Lộc?

Theo Tài nguyên & Môi trường

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dai-cong-truong-ngang-nhien-san-ui-dat-rung-trai-phep-o-lang-son-a393.html