Hàng giả đội lốt hàng hiệu 'đánh chiếm' thị trường

Chanel và Louis Vuitton luôn là "nạn nhân" của vấn nạn hàng nhái được sản xuất bởi các nhà máy chuyên làm đồ fake tại Trung Quốc.

Câu chuyện hàng nhái trong thời trang một lần nữa tạo luồng tranh cãi trái chiều khi Sĩ Thanh đăng tải clip đập hộp. Những người chơi hàng hiệu "bóc phốt" nữ ca sĩ không thành thật khi sử dụng hàng fake, gây ảnh hưởng đến người xem.

Ở Trung Quốc, bạn có thể tìm kiếm những thiết kế mới nhất của tất cả thương hiệu trên thế giới với mức giá chỉ bằng 1/10, thậm chí thấp hơn nữa, so với chính hãng. Rất nhiều người cảm thấy hài lòng khi chỉ cần bỏ ra 100 USD để mua phiên bản hàng nhái của một chiếc túi xịn hơn 2.000 USD.

Theo ước tính, vấn nạn hàng nhái gây tổn thất cho các nhà mốt thế giới 600 tỷ đô la mỗi năm và con số này vẫn tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến việc tiếp cận, mua bán hàng fake trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn bao giờ hết. Kỹ thuật tạo ra những sản phẩm này cũng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ, kích thước giống đến... 90% hàng thật.

Từ câu chuyện này, công chúng dễ dàng nhận thấy các thương hiệu như Chanel hay Louis Vuitton rất dễ bị các nhà máy làm nhái, vì mong muốn sở hữu sản phẩm hàng hiệu để chứng tỏ đẳng cấp, nhưng chỉ cần bỏ ra số tiền không đáng kể.

Hermès bị nhái nhiều nhất trên thế giới

Có thể nói, lượng người mua hàng Hermès trên thế giới đạt con số rất lớn. Nhiều tạp chí còn đánh giá dòng túi Birkin là mẫu phụ kiện các cô gái cần có trong tủ quần áo.

Chính vì sự ưa chuộng từ người tiêu dùng, thương hiệu Pháp thường phải đối mặt với câu chuyện hàng nhái, khi các mẫu túi giá vài trăm triệu đồng bị làm giả tràn lan. Tháng 7/2014, kiện hàng thắt lưng Hermès fake trị giá 3,2 triệu USD bị phát hiện và tịch thu tại cảng Los Angeles, Mỹ.

Những chiếc túi Birkin của Hermès bị làm nhái rất nhiều tại Trung Quốc. 

Thời buổi công nghệ thông tin, mọi thứ chẳng khó khăn khi bạn có thể tìm ngay một chiếc túi Himalayan Crocodile Birkin trị giá gần một triệu USD ngay tại những khu chợ đen ở các nước Trung Đông, thậm chí khu mua sắm điện ngầm ở Nhật Bản, Hàn Quốc với giá chưa đến 1/10 sản phẩm thật.

Louis Vuitton fake bán công khai trên đường phố

Louis Vuitton là thương hiệu thời trang nổi tiếng hiện nay, sau khi bổ nhiệm Virgil Abloh trở thành giám đốc sáng tạo của dòng thời trang nam. Chẳng có gì lạ khi nhà mốt Pháp có những sản phẩm thời trang bị nhái rất nhiều.

Túi xách của Louis Vuitton "nhái" thường được bày bán công khai

Theo ước tính, có đến 90% sản phẩm Louis Vuitton trên thị trường là fake. Mặc dù hãng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này, thực tế, bạn có thể mua các thiết kế của hãng ở bất kể đâu, kể cả việc bày bán công khai trên đường phố Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia giải thích về việc này đến từ mẫu in monogram đặc trưng được sử dụng vào mỗi mùa, chỉ thay bằng phom dáng khác nhau trên túi xách. Ngoài ra, sự ưa chuộng của khách hàng, nhu cầu mua sắm cũng chính là điều khiến loạt thiết kế của hãng bị làm nhái không ít.

Túi xách của Louis Vuitton thường được bày bán công khai trên đường phố.

Hầu như ai cũng biết hình ảnh những chiếc giày đế đỏ luôn gắn liền với Christian Louboutin, nhưng điều này lại trở thành cách để nhiều người kiếm tiền bằng việc kinh doanh hàng nhái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu.

Điều đáng buồn hơn đến từ một bộ phận tín đồ thời trang vẫn "quanh quẩn" trong thế giới của những đôi giày đế đỏ fake, tạo điều kiện để các nhà máy sản xuất hàng nhái có cơ hội tăng trưởng doanh thu mỗi năm.

Giám đốc Sáng tạo của Christian Louboutin từng "đau đầu" về vấn nạn hàng nhái, kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của hãng.

Chanel hứng chịu vấn nạn hàng nhái hơn 2 thập kỷ

Chanel luôn là một trong những cái tên mà bất cứ tín đồ thời trang nào cũng mong muốn một lần sở hữu dòng sản phẩm chứng tỏ đẳng cấp, cũng như nằm trong danh sách các thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất trong hơn hai thập kỷ.

Túi xách nhái của Chanel bày bán rất nhiều trên thị trường.

Nếu chỉ dừng ở túi xách hay quần áo thì không có gì quá nghiêm trọng. Giờ đây, biểu tượng của sự thanh lịch, quý phái cho phụ nữ như dòng nước hoa Chanel No.5 cũng gặp tình trạng tương tự với mức giá từ 100.000 đồng cho đến một triệu đồng gắn mác hàng cao cấp Singapore. 

Túi xách nhái của Chanel bày bán rất nhiều trên thị trường.

Nike, adidas và câu chuyện không hồi kết

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những đôi giày hay quần áo gắn mác Nike và adidas trong các khu chợ hay bày bán tràn lan trên vỉa hè. Người đứng đầu của những nhãn hàng này đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ thương hiệu, nhưng tất cả đều không mang lại kết quả như mong muốn.

Khi thị trường sneakers tăng trưởng mạnh mẽ vài năm gần đây, trình độ sản xuất hàng nhái cũng ngày càng trở nên tinh vi, giống bản gốc đến 90%.

Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng nhái kém chất lượng là công việc không riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà phải đến từ sự đồng lòng của một tập thể, để giảm nhu cầu mua sắm hàng hiệu giá rẻ.

Làm được như vậy được xem như từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng fake tràn lan như hiện nay.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hang-gia-doi-lot-hang-hieu-danh-chiem-thi-truong-a65309.html