Sau khi đăng tải bài viết “Chi nhánh Cty CP đấu giá hợp danh Fansipan Việt Nam liên tiếp vi phạm luật” phản ánh về việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 44 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội có dấu hiệu trái luật, báo PL&XH tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về những nghi vấn có dấu hiệu lợi ích nhóm xung quanh thương vụ bán đấu giá tài sản này.
Chấp hành viên bị “tố” lạm quyền
Ngày 24-9, anh Nguyễn Tùng Lâm, trú tại TP Hải Phòng đã gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Chính phủ; Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; Bộ Trưởng Bộ Tư pháp; Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS để khiếu nại Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội có dấu hiệu buông lỏng quản lý để nhân viên cấp dưới lạm quyền.
Thửa đất số 44 Liễu Giai được đánh giá nằm tại vị trí "đất vàng", có giá trị trên 150 tỷ đồng |
Theo phản ánh, ngày 16-9, anh Lâm đến văn phòng Cty CP đấu giá hợp danh Fansipan Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội (Cty đấu giá Fansipan) mua hồ sơ đấu giá tài sản ở 44 Liễu Giai. Trong khi đang chuẩn bị nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá thì ngày 20-9, anh Lâm nhận được điện thoại của nhân viên Cty đấu giá Fansipan thông báo về việc dừng tổ chức phiên đấu giá theo yêu cầu của Chấp hành viên Cục THADS TP Hà Nội và Thanh tra Bộ Tư pháp.
Anh Lâm cho rằng, việc Chấp hành viên Cục THADS TP Hà Nội Phan Việt Bình ký văn bản số 3674/CTHADS yêu cầu Cty đấu giá Fansipan tạm dừng bán đấu giá tài sản trên đã được dự kiến tổ chức vào ngày 23-9 là có dấu hiệu lạm quyền, thực hiện không đúng với các quy định của pháp luật? Anh Lâm lý giải:
Thứ nhất, Điều 48, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định, thủ trưởng cơ quan THADS mới có thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án. Trong trược hợp này, Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội phải ban hành quyết định hoãn thi hành án, sau đó Chấp hành viên mới có quyền ra văn bản yêu cầu dừng bán đấu giá tài sản. Song, trong văn bản số 3674/CTHADS không thể hiện việc Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Xuân Hồng đã ban hành quyết định thi hành án hay chưa.
Công dân khiếu nại Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội tới các cơ quan chức năng |
Sau nhiều lần liên hệ nhưng Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội vẫn chưa sắp xếp được lịch làm việc với PV.
Thứ hai, Chấp hành viên yêu cầu dừng bán đấu giá tài sản 44 Liễu Giai là do trong quá trình tổ chức bán đấu giá, Cục THADS TP Hà Nội nhận được văn bản số 821/TTR-TCD&GQKNTC ngày 17-9 của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc kiến nghị tạm dừng việc bán đấu giá tài sản kê biên nêu trên do có đơn khiếu nại của công dân. Anh Lâm cho rằng, căn cứ Chấp hành viên đưa ra là chưa thuyết phục, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn công dân gửi đơn |
Bởi lẽ: Anh Lâm và nhiều người có nhu cầu khác đã mua được hồ sơ bán đấu giá tài sản 44 Liễu Giai mà không gặp phải vướng mắc, cản trở gì; Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ đề nghị Cục THADS TP Hà Nội xem xét, rà soát lại việc công dân không mua được hồ sơ đấu giá, nếu thấy cần thiết thì tạm dừng việc bán đấu giá tài sản; ngày 17-9, Thanh tra Bộ Tư pháp đưa ra đề nghị trong khi đến ngày 19-9 mới hết hạn bán hồ sơ thì Cục THADS TP Hà Nội vẫn có thể hướng dẫn cho người khiếu nại đến mua hồ sơ chứ không nhất thiết phải ra văn bản dừng phiên đấu giá.
Nhưng Cục THADS TP Hà Nội không thụ lý vì không thuộc thẩm quyền |
Sau khi nhận được đơn khiếu nại Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội, ngày 28-10, Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 3393/BTCDTW-XLD hướng dẫn anh Lâm gửi đơn khiếu nại đến Bộ Tư pháp và Cục THADS TP Hà Nội để được giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 9-11, ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội đã ký văn bản số 358/CTHADS-KNTC cho rằng, nội dung khiếu nại của anh Lâm đối với Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội không thuộc thẩm quyền, xem xét giải quyết. Ông Tiến không hướng dẫn cụ thể cho công dân biết đơn vị nào sẽ đủ thẩm quyền giải quyết nội dung khiếu nại trên mà chỉ nêu chung chung: “Tại đơn khiếu nại cũng thể hiện ông Lâm đã gửi nhiều cơ quan trong đó có cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do vậy, Cục THADS TP Hà Nội không xem xét giải quyết vấn đề khiếu nại của ông Lâm”.
Xuất hiện thông tin bất ngờ
Liên quan đến việc, sau khi đăng thông báo tiếp tục bán hồ sơ và tổ chức bán đấu giá tài sản số 44 Liễu Giai nhưng Cty đấu giá Fansipan không bán hồ sơ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mọi lỗ lực liên hệ làm việc của PV với Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội và lãnh đạo Cty đấu giá Fansipan đều bất thành. Hai đơn vị này đều im lặng trước những nghi vấn về “quân xanh, quân đỏ” trong thương vụ bán đấu giá đối với tài sản 44 Liễu Giai.
Thông báo bán đấu giá tài sản 44 Liễu Giai được dán trước cửa trụ sở Cty đấu giá hợp danh Sài Gòn - Hà Nội nhưng nhiều nhà đầu tư không thể mua được hồ sơ |
Một số nhà đầu tư về bất động sản đưa ra đánh giá, thửa đất số 44 Liễu Giai là mảnh đất “vàng”, nằm ở vị trí đắc địa với 2 mặt tiền có giá thị trường lên tới hơn 150 tỷ nhưng lại được định giá với giá khởi điểm có hơn 90 tỷ nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm, săn đón. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc trước việc Cục THADS TP Hà Nội dừng tổ chức phiên đấu giá ngày 23-9 và việc Cty Fansipan gây khó khăn, không bán hồ sơ. Gần đây, họ còn bức xúc hơn khi biết thông tin về việc một Cty khác cũng đăng thông báo bán hồ sơ và tổ chức đấu giá tài sản 44 Liễu Giai và họ cũng không thể mua được hồ sơ.
Cụ thể, tại cửa trụ sở Cty đấu giá hợp danh Sài Gòn – Hà Nội ở toà nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội có dán thông báo về việc Cty này bán hồ sơ và tổ chức đấu giá đối với tài sản với những thông tin trùng khớp với thửa đất ở 44 Liễu Giai; thời gian đăng thông báo vào chiều ngày 6-11 và 9-11; thời gian bán hồ sơ từ ngày 9-11 đến 23-11 và thời gian dự kiến tổ chức đấu giá vào 14g ngày 26-11.
Tờ thông báo “tiết kiệm” thông tin này không được đóng dấu của Cty và không đúng theo quy định trong Luật Đấu giá tài sản thể hiện, địa chỉ liên hệ tại biệt thự A12 BT04, KĐT Việt Hưng chứ không phải tại trụ sở của Cty đấu giá hợp danh Sài Gòn – Hà Nội. Đáng chú ý, nơi liên hệ mua hồ sơ trên lại trùng khớp với địa chỉ bán hồ sơ của Cty Fansipan.
Khi nắm bắt được thông tin, ngày 23-11, một số nhà đâu tư đã đến trụ sở Cty đấu giá hợp danh Sài Gòn – Hà Nội ở toà nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ và biệt thự A12 BT04, KĐT Việt Hưng nhưng cũng không mua được hồ sơ đấu giá vì đều khoá chặt cửa, không có người bán hồ sơ. Từ sự trùng khớp đến bất thường trên, một số nhà đầu tư đưa ra nghi ngờ về việc các đơn vị liên quan đang “làm xiếc” với thương vụ đấu giá tài sản có giá trị lớn này!? Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ban-dau-gia-tai-san-44-lieu-giai-cuc-truong-cuc-thads-tp-ha-noi-bi-khieu-nai-a65314.html