Chỉ trong 4 ngày (25-28/11), Cao Bằng liên tiếp xảy 5 trận động đất với độ lớn khác nhau. Đặc biệt, 2 trận động đất sáng 25 và 28/11 gây ra rung chấn mạnh, tác động đến một số khu vực ở Hà Nội khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
VTC News có cuộc phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) để tìm hiểu rõ hơn về những trận động đất này.
- Chỉ trong vòng 4 ngày, Cao Bằng liên tiếp xảy 5 trận động đất với cường độ khác nhau khiến nhiều người lo lắng. Hiện tượng này có gì bất thường, thưa ông?
Động đất không bao giờ xảy ra đơn lẻ mà thường xảy ra một kích động chính, sau đó xảy ra các chuỗi dư chấn tiếp theo với cường độ nhỏ hơn và sẽ tắt dần.
Vừa có thêm trận động đất nữa có độ lớn trên 5 độ richter thì có thể coi đó là kích động chính và có thể chuỗi động đất như vậy sẽ tiếp tục nổ ra thêm nữa dẫn đến các dư chấn.
Hiện tượng này trong chuyên môn, các nhà địa chấn gọi là các chuỗi động đất (earthquake swarm) và cũng được biết đến trong lịch sử, phù hợp với quy luật thiên nhiên và không có gì bất thường.
- Như vậy, trong những ngày tới vẫn có khả năng xuất hiện thêm các dư chấn, thưa ông?
Các nhà địa chấn dự báo có thể xảy ra những rung chấn nữa trong vài ngày tới. Tuy nhiên, đó mới là nhận định, còn thực tế phải chờ xem vì hệ thống mạng lưới đài trạm sẽ ghi lại động đất dù với cường độ rất nhỏ.
- Tại sao Cao Bằng lại là nơi xảy ra nhiều trận động đất liên tiếp, thưa ông?
Cao Bằng nằm trên một đứt gãy hoạt động có tên gọi là Cao Bằng - Tiên Yên, đứt gãy này được vẽ trên bản đồ của các nhà địa chấn và được coi là một trong những nguồn phát sinh động đất.
Trận động đất ở Cao Bằng vừa rồi phát sinh ở nhánh rất gần với nguồn đứt gãy đó và hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây của các nhà nghiên cứu địa chấn ở Việt Nam.
- Động đất xảy ra ở Cao Bằng nhưng người dân Hà Nội lại cảm nhận rất rõ ràng rung chấn?
Động đất ở Cao Bằng sẽ phát sinh ra chấn động và chấn động này lan truyền theo khoảng cách trong bán kính khá rộng. Hà Nội cũng là một trong những thành phố gần Cao Bằng nên người dân Hà Nội có thể cảm nhận được rung chấn, nhất là những người dân ở những vị trí nhạy cảm như ở trên nhà cao tầng, hoặc ở những vị trí dễ chao đảo như nằm trên võng.
Và ngay cả cảm nhận thì mỗi người cũng khác nhau, có người cảm nhận được, thậm chí cảm thấy nôn nao nhưng cũng có người không cảm nhận được gì.
Tất cả là do những rung chấn, nhưng những rung chấn này không đủ sức tàn phá để gây thiệt hại về người và nhà cửa.
- Người dân ở Cao Bằng và khu vực lận cận có nguy hiểm gì không, thưa ông?
Ngay tại Cao Bằng, tính đến giờ phút này chưa có những báo cáo về thiệt hại. Nếu có thiệt hại thì địa phương chắc chắn sẽ thông báo và chúng ta sẽ biết. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả những rung chấn trong động đất từ ngày 25/11 chỉ gây ra rung lắc hoặc những hiện tượng như ghế xoay hoặc cốc đĩa di chuyển trên bàn…, những hiện tượng đó đều không gây nguy hiểm hay thiệt hại.
Độ lớn như vậy chỉ ở mức độ trung bình xét theo tiêu chuẩn của thế giới, chưa phải là động đất mạnh hay động đất huỷ diệt.
Ở Tây Bắc Việt Nam từng xảy ra những trận động đất có độ lớn 6.7 đến 6.8 độ richter như trận động đất ở Tuần Giáo (Điện Biên) năm 1983 có độ lớn 6.8 độ richter hay ở Điện Biên cũng từng xảy ra trận động đất có độ lớn 6.7 độ richter năm 1935, đó là những trận động đất được coi là động đất mạnh.
Tuy nhiên, những trận động đất này xảy ra ở những vùng rất trống vắng trong rừng hoặc ở cánh đồng nên không gây thiệt hại.
- Dù vậy, rất nhiều người, đặc biệt là người dân Hà Nội vẫn tỏ ra lo lắng với hiện tượng này, thưa ông?
Người dân khi bất ngờ cảm thấy rung chấn thì tất nhiên cảm giác đầu tiên là sẽ hoảng sợ. Tuy nhiên có 3 điều cơ bản các chuyên gia địa chấn khuyên cáo người dân khi cảm nhận rung chấn đó là:
Thứ nhất, cần phải bình tĩnh, không được hoảng sợ.
Thứ hai, không được dùng thang máy, nếu trong bối cảnh động đất đang diễn ra thì tuyệt nhiên không được dùng thang máy để thoát thân ra khỏi các toà nhà mà nên sử dụng thang bộ. Động đất mạnh ở sát ngay vị trí của mình đang đứng thì tốt nhất là không nên chạy ra khỏi nhà mà nên chui xuống gầm giường, gầm bàn hoặc những chỗ không bị đồ vật trên trần nhà rơi trúng.
Thứ ba, luôn luôn phải theo dõi sát sao những thông báo vì theo luật phòng chống thiên tai của Việt Nam, nếu có động đất mạnh xảy ra thì các phương tiện truyền thông sẽ liên tục phát các thông tin và những thông tin đó là những thông tin được kiểm chứng và chính xác.
Người dân nên theo dõi thông tin chính thống và tuân thủ khuyến cáo của nhà chức trách. Nếu có khuyến cáo không nguy hiểm thì người dân có thể tin tưởng là không nguy hiểm, còn nếu có khuyển cáo nguy hiểm, phải sơ tán thì ngay lập tức là phải ứng phó ngay.
Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/lien-tiep-dong-dat-o-cao-bang-khien-ha-noi-rung-lac-chuyen-gia-nhan-dinh-the-nao-a65450.html