Cấp Giấy phép lái xe theo mẫu mới
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12/2019.
Theo quy định của Thông tư này, từ 1/1/2020, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm: Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Cũng từ thời điểm này, trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở Giao thông Vận tải;
Từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1).
Từ 1/6/2020, giấy phép lái xe sẽ được cấp theo mẫu mới (Phụ lục 6) có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.
Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe.
Chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức có hiệu lực
Từ ngày 1/12, Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, quy định về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:
- Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Đối tượng nêu trên sẽ được hưởng phụ cấp hằng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm.
Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm.
Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
- Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Người nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp, như sau:
Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách).
Ngoài ra, đối tượng nêu trên còn được trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
- Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu
Người đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu, thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trả lương trước khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu chi trả.
- Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Đối tượng được hưởng trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
Trường hợp được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập;
Trường hợp công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng dân tộc ít người bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề
Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng nêu trên, gồm:
Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y.
Tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng
Tại Quyết định 1656/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chốt mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng như trước.
Quyết định này được áp dụng từ ngày 1/12/2019.
Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…
Tăng 10 lần mức phạt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Ngày đầu tiên của tháng 12 năm 2019 cũng là thời điểm Nghị định 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực.
Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định này là tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần.
Cụ thể, nếu như trước đây, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì kể từ ngày 1/12/2019, mức phạt được tăng lên 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.
Trong đó, mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như sau:
- Tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng
- Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng…
- Phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
Nếu hành vi vi phạm trên được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì sẽ bị phạt từ 1,6 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; Tịch thu khoản lợi nhuận có được do vi phạm...
Được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp Căn cước công dân từ 1/12/2019
Nội dung này được quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Theo đó, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai Căn cước công dân theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến).
Nếu đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì in Tờ khai Căn cước công dân để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.
Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
Theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất, chỉ còn 4 đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm:
- Người có công với cách mạng
- Hộ nghèo
- Hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số
- Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Trước đây, hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính cũng sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.
Đổi 100 USD trái phép sẽ không bị phạt 90 triệu đồng
Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.
Nghị định này giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép, nhằm tránh bất cập như sự việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” xôn xao dư luận trước đây.
Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 - 100 triệu đồng, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó:
- Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 mà tái phạm, vi phạm nhiều lần;
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD;
- Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên.
Bình Vy (t/h)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-quy-dinh-phap-luat-moi-se-co-hieu-luc-tu-thang-12-2019-a65495.html