Sau thịt heo, giá gà biến động mạnh mùa giáp Tết

Những ngày gần đây, giá gà tăng liên tục, thậm chí có loại tăng giá gần gấp đôi so với trước đó. Giá gà sống xuất bán tăng cao đẩy giá các loại thịt gà bán lẻ trên thị trường tăng theo khiến người tiêu dùng lo lắng.

Giá gà tăng từ trang trại tới chợ

Hiện nay giá gà lông trắng công nghiệp (còn gọi là gà lông trắng) bán tại trang trại tăng rất mạnh, từ mức 24.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg. Gà lông màu (gà thả vườn) cũng tăng từ mức 38.000 đồng/kg lên trên 60.000 đồng/kg. Tương tự, gà tam hoàng hiện 38.000-40.000 đồng/kg, gà ta lai 39.000-43.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, người nuôi gà đã có lãi cao.

Anh Minh Phương, chủ trại gà Đồng Nai, cho biết cách đây hai tuần anh vẫn còn phải bù lỗ do giá gà thấp thì từ giữa tháng 11 đến nay giá gà nhiều khởi sắc. Ví dụ, hai tháng trước giá gà lông trắng ở mức 14.000-15.000 đồng/kg thì nay tăng lên hơn 42.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, lý giải giá thịt gà tăng đột biến do giá thịt heo tăng cao nên nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua thịt gà, đẩy giá mặt hàng này tăng theo. Ngoài ra, do nguồn cung thịt gà giảm mạnh.

“Sau thời gian thua lỗ kéo dài, các trại giảm đàn nuôi, treo chuồng hoặc đua nhau bán để cắt lỗ nên lượng giảm, giá gà mới có cơ hội tăng cao” - ông Ngọc phân tích.

Do giá bán tại vườn leo thang nên giá gà bán lẻ tại chợ, siêu thị cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TP.HCM như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Bàn Cờ (quận 3)… giá gà tăng trung bình 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại so với tháng trước.

Đại diện chợ Phạm Văn Hai dẫn chứng nếu trước đó giá gà công nghiệp làm sẵn bỏ đầu, bỏ lòng chỉ 45.000 đồng/kg thì hiện nay đã lên 55.000 đồng/kg. Giá gà mái ta làm sẵn, nuôi công nghiệp, gà tam hoàng, gà ta… cũng tăng ở mức tương tự.

“Giá thịt heo tăng cao và thiếu hụt, do đó nhiều người tiêu dùng chuyển sang mặt hàng thịt gà khiến giá sản phẩm này tăng theo. Mặc dù nhu cầu thịt gà tăng song nguồn cung vẫn luôn được đảm bảo. Bởi ngoài nguồn cung từ các hộ nhỏ lẻ thì hiện có nhiều công ty lớn cung cấp” - vị đại diện chợ Phạm Văn Hai nói.

Trong khi đó, đại diện một số siêu thị cho hay những ngày qua giá gà tăng nhưng do nguồn cung gà chủ yếu từ các công ty lớn, nuôi liên kết theo chuỗi nguồn cung khá ổn định. Mức tăng giá gà tại siêu thị cũng tăng nhưng không bằng so với ngoài chợ.

Giá thịt gia cầm ở chợ đang ở mức cao do nhu cầu tăng /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nguồn cung gà đang thấp do người dân ngại tái đàn đẩy giá tăng

Người tiêu dùng, doanh nghiệp méo mặt

Hết giá thịt heo tăng cao, giờ đến thịt gà tăng cao hơn, nhiều người tiêu dùng lo ngại chi phí tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn, buộc phải tằn tiện chi tiêu hơn.

Chị Ly, nội trợ ở quận 12, TP.HCM, cho hay hiện nay giá thịt heo thấp nhất cũng 100.000-110.000 đồng/kg. Do giá thị heo cao nên gần đây chị phải điều chỉnh khẩu phần ăn sang thịt gà, cá nhiều hơn. Nhưng giờ lại đến lượt giá thịt gà leo thang.

Chị Ly than thở: “Giờ giá cánh gà công nghiệp cũng lên mức 80.000-85.000 đồng/kg, đùi gà 75.000-80.000 đồng/kg, ức gà 60.000-65.000 đồng/kg. Thậm chí đến chân gà cũng nhảy lên trên 50.000 đồng/kg, xương gà 40.000 đồng/kg. Tiền ăn cho gia đình cũng bắt đầu tăng lên, chi nhiều hơn”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chín tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt gà nhập khẩu về Việt Nam bình quân 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh... 

Điều chị Ly cũng như nhiều người tiêu dùng lo lắng nhiều nhất là sau khi giá thịt heo tăng, giá thịt gà tăng nữa thì các thực phẩm khác cũng “té nước theo mưa”. Đặc biệt, việc tăng giá dồn dập lại đúng vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng cuối năm dẫn đến nguy cơ “bão giá” sẽ ập tới, người dân thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Đáng chú ý, nhiều công ty, cơ sở chế biến thực phẩm cũng như đang ngồi trên đống lửa. Ông Ngọc Tiến, chủ một doanh nghiệp thực phẩm chế biến ở TP.HCM, nhìn nhận thị trường thịt nguyên liệu phục vụ cho chế biến thực phẩm đang biến động thất thường theo chiều hướng giá tăng mạnh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp mùa cuối năm.

“Lượng thịt heo trong nước thời gian qua không đủ, phải bổ sung thịt nhập khẩu nhưng giá thịt nhập khẩu cũng đang tăng lên. Đến nay thịt gà dù nguồn cung trong nước đủ nhưng giá tăng quá nhanh vào tháng cuối năm nên chúng tôi đang lo không biết xoay xở nguồn nguyên liệu chế biến sao đây” - ông Tiến chia sẻ.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng nguồn cung và giá thịt gà thời gian tới sẽ ổn định trở lại. “Lý do là vòng đời nuôi con gà nhanh hơn nhiều so với con heo. Cụ thể là nuôi gà chỉ mất 40 ngày là xuất bán nên nguồn cung khả năng sẽ sớm tăng trở lại, giá gà lại quay về đúng giá hợp lý” - ông Ngọc dự báo.

Chủ quán cơm, phở… lo sốt vó

Theo khảo sát của chúng tôi, giá gà trắng đã cao hơn 2,5 lần so với hồi giữa tháng 9. Giá gà thịt lông màu cũng tăng khoảng 30%-40%. Giá gà tăng cao khiến không chỉ người tiêu dùng mà các chủ quán cơm, phở, mì quảng… cũng lo mất khách.

Một chủ quán cơm trưa văn phòng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết giá thịt heo cộng giá gà thả vườn cùng tăng khiến nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng theo, từ cá đến các loại rau, gia vị. Chi phí nguyên liệu tăng, quán phải điều chỉnh giá tăng lên khoảng 5.000 đồng/suất ăn. 

Trang Nhung (t/h)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/sau-thit-heo-gia-ga-bien-dong-manh-mua-giap-tet-a65585.html