Những ngày qua, miền Bắc nước ta liên tục hứng chịu những đợt không khí lạnh tăng cường khiến cho nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt khu vực vùng núi cao xuất hiện hiện tượng băng giá, sương muối phủ trắng.
VTC News có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia về tình hình thời tiết mùa đông 2019-2020 và những nhận định về băng giá, mưa tuyết có thể xảy ra trong thời gian tới.
- Phải bước sang tháng 12, các tỉnh miền Bắc mới xuất hiện đợt không khí lạnh có cường độ thực sự mạnh, gây ra hiện tượng băng giá, sương muối ở vùng núi cao và rét buốt ở vùng đồng bằng, có phải mùa đông năm nay đến muộn, thưa ông?
Thực ra đến hết tháng 11 có tới 5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, gần đây nhất là đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ảnh hưởng đến nước ta vào ngày 29/11.
Dưới tác động của khối không khí lạnh này, ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh tới cấp 7, giật mạnh lên tới cấp 9. Nền nhiệt về đêm và sáng ở các tỉnh miền Bắc giảm xuống dưới 15 độ C, tại Mẫu Sơn nhiệt độ giảm xuống dưới 5 độ C, ngay cả các tỉnh Trung Bộ khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhiệt độ cũng giảm xuống dưới 19 độ C, thậm chí ở Hồi Xuân (Thanh Hóa) nhiệt độ thấp nhất giảm xuống còn 11,9 độ C là mức nhiệt khá thấp.
Vì vậy, dựa trên nhiệt độ giảm, dựa trên tác động gây gió mạnh trên biển thì có thể khẳng định đã có những đợt không khí lạnh mạnh xuống nước ta và điều này đang diễn ra đúng quy luật, chưa có gì khác thường.
- Ngoại trừ đợt không khí lạnh đang diễn ra, những trận rét trước thường chỉ kéo dài trong 1-2 ngày, sau đó trời lại nắng ấm?
Giai đoạn chính đông là khoảng thời gian từ tháng 12 đến khoảng tháng 2 hàng năm. Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, trong giai đoạn này nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 0,5-1,5 độ C; riêng tháng 12/2019, khu vực Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Như vậy có thể thấy trong 3 tháng chính đông thì chỉ có tháng 12 là nền nhiệt xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng còn lại nhiệt độ đều cao hơn so với trung bình.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm nay khả năng sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm hơn so với trung bình hàng năm.
- Từ giờ đến Tết Nguyên đán, miền Bắc nước có thể đón thêm bao nhiêu đợt không khí lạnh nữa, cường độ ra sao, thưa ông?
Tháng 12 và tháng 1 dương lịch hàng năm là thời kỳ cao điểm của mùa đông (hay còn gọi là những tháng chính đông) nên các đợt không khí lạnh thường gia tăng cả về cường độ và tần suất so với tháng 11.
Nhận định, sau đợt không khí lạnh ngày 4 và 5/12, những ngày tiếp theo, áp cao lạnh lục địa sẽ có cường độ ổn định và suy yếu chậm, toàn Bắc Bộ sẽ được bao trùm trong khối không khí lạnh và khô; trời rét và khô hanh với độ ẩm không khí rất thấp, nhiệt độ giảm sâu về đêm và sáng, vùng núi cao có thể xảy ra băng giá, sương muối.
Khoảng 12-13/12 sẽ lại có không khí lạnh bổ sung và đến nửa cuối tháng 12 sẽ có thêm những đợt không khí lạnh khác di chuyển xuống nước ta gây ra trời rét ở vùng đồng bằng trong nửa cuối tháng 12.
Sang tháng 1/2020 (trước Tết Nguyên Đán), không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh trở lại, ở Bắc Bộ khả năng sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại, vùng núi cao nguy cơ xảy ra băng giá gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và vật nuôi, cây trồng của bà con vùng cao.
- Vừa rồi băng giá, sương muối xuất hiện ở Fansipan, trong thời gian tới có khả năng xảy ra hiện tương tuyết rơi ở một số khu vực như Mẫu Sơn, Sapa... không, thưa ông?
Các hiện tượng thời tiết đặc biệt như băng giá và mưa tuyết chỉ dự báo được trong thời hạn từ 3 - 5 ngày, thậm chí chỉ phát hiện dấu hiệu trước 1 - 2 ngày, do vậy nhận định xa không thể dự báo chính xác được các hiện tượng thời tiết đặc biệt và trong khu vực nhỏ.
Tuy nhiên về mặt thống kê thì hiện tượng băng giá, sương muối hầu như năm nào cũng xuất hiện vào mùa đông ở các khu vực vùng núi cao phía bắc, còn mưa tuyết thì không phải năm nào cũng có.
Theo đó, trung bình cứ khoảng 2 - 4 năm hoặc có thể lâu hơn mới xảy ra mưa tuyết ở các khu vực vùng núi phía Bắc, thời điểm xảy ra thường vào tháng 1 và hai tháng chính của mùa đông.
- Vậy mùa đông này có khả năng xảy ra một đợt rét kỷ lục nào kéo dài về thời gian hoặc mạnh về cường độ, thưa ông?
Trạng thái ENSO tiếp tục được dự báo ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng trong tháng cuối năm 2019 và nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái này cho đến nửa đầu năm 2020.
Hệ quả tác động của pha nóng của hiện tượng ENSO làm cho nền nhiệt độ trung bình các tháng trong mùa đông năm nay được dự báo có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,5 độ C.
Nhận định đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào khoảng đầu tháng 1/2020. Rét đậm tập trung nhiều trong tháng 1 và 2/2020. Đề phòng các đợt rét kéo dài 5 - 10 ngày trong thời gian này và có khả năng gây băng giá, sương muối đặc biệt khu vực vùng núi phía Bắc.
- Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/khi-nao-se-co-tuyet-roi-o-sapa-mau-son-a65688.html