Bình Dương: Tài sản Nhà nước có dấu hiệu thất thoát sau vụ đấu giá đất nghìn tỷ?

Chỉ sau 3 ngày ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa 3 bên, dù chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, các bên đã ký biên bản thỏa thuận về việc sửa đổi nội dung HĐ mua bán theo hướng có lợi cho công ty Kim Oanh.

Dư luận đang đặt ra nghi vấn có hay không lợi ích nhóm trong thương vụ nghìn tỷ này?. Trong khi đó, tài sản Nhà nước cứ phơi nắng mưa, có dấu hiệu thất thoát, lãng phí.

Ôm gần 500 tỷ đồng

Ghi nhận thực tế cho thấy, phần diện tích gần 500.000m2 (tọa lạc tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang có có đầy cây cỏ dại mọc um tùm. Gần đây, thời tiết nắng nóng khiến cây cỏ chết héo, tạo nên khung cảnh hoang tàn. Nhiều nơi trống cỏ cây, trở thành bãi thả diều cho người dân xung quanh.

Đây đang là hiện trạng khối tài sản Nhà nước “khủng” đã được đấu giá thành công vào hồi tháng 5/2017. Thế nhưng cho đến nay, đơn vị đấu giá thành công vẫn chưa thể chuyển số tiền còn lại, lên đến gần 500 tỷ đồng (tương đương 35% tổng tài sản đấu giá) cho ngân hàng. Điều này đã gây hệ lụy rất lớn, đặc biệt là đối với đơn vị giao tài sản đấu giá.

Khi đã trúng đấu giá, thay vì thực hiện đúng cam kết ban đầu như đã ký và công khai trước đó, chuyển trả một lần toàn bộ số tiền đã trúng đấu giá là 1.353 tỷ đồng thì cho đến tháng 11/2018, sau nhiều lần trì hoãn, công ty Kim Oanh mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng, chưa bằng giá khởi điểm khi thực hiện bán đấu giá bán tài sản là 963 tỷ đồng.

Đây đang là hiện trạng khối tài sản Nhà nước “khủng” đã được đấu giá thành công vào hồi tháng 5/2017.

Vụ việc tiếp tục kéo dài, khiến đơn vị có tài sản đấu giá hết sức bức xúc, và nghi ngại khi có nhiều dấu hiệu bất thường, buộc họ phải nộp đơn khởi kiện ra tòa.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thiên Phú (đơn vị có tài sản đấu giá) cho hay: “Ngày 17/4/2015, Công ty đã chấp nhận ký biên bản thỏa thuận giao tài sản là Dự án khu dân cư Hòa Lân (tọa lạc tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ lớn) để xử lý thu hồi khoản nợ mà công ty còn tồn đọng tại ngân hàng này.

Sau đó, Agribank Chợ lớn đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá) bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án khu dân cư Hòa lân với giá khởi điểm dự định ban đầu là 1.467,7 tỷ đồng.

Đến phiên đấu giá lần thứ 12, ngày 25/5/2917 thì đã đấu giá thành công. Công ty cổ phần xây dựng A Đông Hải, nay đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) trúng thầu là 1.353 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm tại phiên đấu giá là 390 tỷ đồng.

Những tưởng cuộc đấu giá thành công sẽ mở ra cơ hội tốt đẹp cho các bên liên quan. Đặc biệt, theo quy định đấu giá: “Nếu quá thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành công, người mua được tài sản bán đấu giá không thanh toán đủ tiền mua tài sản theo quy định nêu trên thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản, số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại”, văn bản Agribank Chợ Lớn ghi rõ.

“Đồng thời, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tiền lãi chậm trả đối với việc thanh toán không đúng quy định nói trên... và đồng ý hủy kết quả đấu giá để bán tài sản cho người khác mà không có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại gì. Ngoài ra, người mua tài sản bán đấu giá phải bồi thường thiệt hại cho bên bán đấu giá toàn bộ phí, chi phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật”, văn bản Agribank Chợ Lớn cho biết thêm.

Thế nhưng đến nay, Công ty Kim Oanh vẫn chưa thanh toán số tiền còn lại, lên gần 500 tỷ đồng, chiếm hơn 35% tổng số tiền phải trả.

Diễn tiến vụ việc... hết sức lạ

Trong biên bản đấu giá ngày 25/5/2017 quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá: “.. tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức công chứng mới công chứng được hợp đồng mua bán tài sản đấu giá…” Thế nhưng, ngay sau đó, ngày 1/7/2017, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được ký kết và ra công chứng.

Tại địa chỉ số 150 đường số 9, khu phố 1, P. Tân Phú, Q.7, TP.HCM đã không còn Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn

Điều đáng nói, trong vụ việc này là, chỉ sau 3 ngày ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa 3 bên, tức ngày 4/7/2017, các bên liên quan đã ký biên bản thỏa thuận về việc sửa đổi nội dung hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo hướng có lợi cho công ty Kim Oanh.

Theo đó,  ngoài việc kéo giãn thời gian trả tiền thì còn được ưu ái đến mức: nếu trong 90 ngày làm việc mà Công ty Kim Oanh chưa nhận được chủ trương chấp thuận của UBND tỉnh Bình Dương thì các bên cùng nhau bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết.

Ngay sau những diễn tiến lạ của cuộc đấu giá, Bộ Tư pháp đã vào cuộc thanh tra toàn bộ diễn tiến của cuộc đấu giá và đã chỉ rõ nhiều sai phạm.

Theo đó, Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn đã không kiểm tra chặt chẽ thông tin do ngân hàng cung cấp là không thực hiện đúng Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Quy chế bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản.

Riêng Công ty A Đông Hải (nay là công ty Kim Oanh) liên tục nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài nhưng đơn vị liên quan lại không có biện pháp quyết liệt để xử lý là không phù hợp với quy chế đấu giá, Thông báo đấu giá và quy định ban đầu.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, có hay không lợi ích nhóm trong thương vụ nghìn tỷ này?. Thực tế, số tiền còn lại nêu trên là rất lớn, trong khi đó, Công ty Thiên Phú vẫn phải gánh nợ, vẫn phát sinh lãi phạt và ảnh hưởng đến các quyền lợi về tài sản khác.

Hơn thế nữa, tài sản Nhà nước là gần 500.000m2 đất nằm phơi nắng, mưa, cỏ cây dại mọc khắp nơi. Sự thất thoát, lãng phí tài sản này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?. Thực tế, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng kiến nghị ngân hàng khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi Nhà nước. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán thì có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Hiện nay, không còn cách nào khác, để đòi lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp, Công ty Thiên Phú đang khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nêu trên là vô hiệu, do Công ty Kim Oanh đã vi phạm các thủ tục, quy đình, điều khoản... liên quan. Đồng thời, hủy kết quả đấu giá tài sản là Dự án khu dân cư Hoà Lân.

“Việc không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đã vi phạm nghiêm trọng đến quy chế đấu giá và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chúng tôi”, đại diện Công ty Thiên Phú cho hay.

Công ty đấu giá biến mất?

Chiều ngày 27/2/2019, PV liên hệ đến Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn nhưng không liên lạc được. Tại địa chỉ số 150 đường số 9, khu phố 1, P. Tân Phú, Q.7, TP.HCM đã không còn Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn. Thay vào đó, mặt bằng là căn nhà cấp 4, vốn là trụ sở công ty này đã có chủ mới thuê từ gần 2 năm nay. Họ cũng không hay biết công ty này đã dọn đi đâu?

Trong khi đó, PV liên hệ đến chi nhánh Bình Dương tại địa chỉ lầu 1, số 538 Đại lộ Bình Dương, Phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương thì được một nhân viên ở đây cho biết: “Đây là phòng công chứng, chứ không phải là Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn”. Thông tin từ Tổng Cục Thuế cho biết: “Hiện chi nhánh này đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”.

Trên cổng thông tin của Tổng Cục Thuế cũng cho thấy, công ty này đã thay đổi thông tin, lần gần nhất là vào ngày 8/11/2018 và tại Chi nhánh là ngày 9/11/2018. Liệu đây có phải là cuộc tháo chạy, chuẩn bị cho một kịch bản nào đó?.

Lại thêm, theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp thì: “Qua kiểm tra hợp đồng số 10/2015/H9DDG ngày 17/6/2015 nhận thấy, đại diện Agribank Chợ lớn là ông Trịnh Thế Việt, chức vụ Phó Giám đốc tham gia ký hợp đồng nhưng chưa có giấy ủy quyền của Giám đốc ủy quyền cho ông Việt ký hợp đồng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.

Thương vụ này đang có nhiều nghi vấn, liệu có hay không chuyện vượt rào, các bên đã chuẩn bị cho một kế hoạch từ trước?.Có hay không sự sắp xếp trong phiên đấu giá kỳ lạ; Ai hưởng lợi trong thương vụ nghìn tỷ này; tài sản Nhà nước đang thất thoát ra sao…?

Sau khi Công ty Thiên Phú nộp đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/7/2017 tại phòng công chứng Thành phố mới, tỉnh Bình Dương vô hiệu, do vi phạm các quy định của pháp luật và hủy kết quả đấu giá tài sản là Dự án khu dân cư Hoà Lân, theo thông tin mà PV có được, ngày 25/2 vừa qua, TAND quận 7 đã thụ lý vụ án.

Nhóm PV

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/binh-duong-tai-san-nha-nuoc-co-dau-hieu-that-thoat-sau-vu-dau-gia-dat-nghin-ty-a660.html