Phán quyết “ba sai”, thu ngay “phí trọng tài” 114.207,16 USD (!)
Hơn 10 năm vào Việt Nam, China Policy Limites (CPL) đến từ “thiên đường thuế” số 1 thế giới vẫn là doanh nghiệp đầu tư theo kiểu “3 không” (không xin phép mở Văn phòng đại diện; không lập thủ tục đăng ký đầu tư dự án; không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước khi chuyển 15,6 triệu USD vào Việt Nam)...
Một doanh nghiệp ngoại có dấu hiệu “đầu tư chui, chuyển tiền lậu”, nhưng khi phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát), CPL khởi kiện lại được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) xử cho thắng kiện, bằng Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013, buộc hai bên phải thực hiện “Thỏa thuận khung” ngày 1/6/2007, đàm pháp ký kết hợp đồng thành lập Công ty liên doanh và phải đóng hơn 114.000 USD gọi là “phí trọng tài”. Trong đó, Công ty Hồng Phát “gánh” 80% (hơn 91.300 USD, tương đương 2 tỷ đồng), CPL chỉ chịu 20%.
Phán quyết Trọng tài của VIAC bộc lộ hàng loạt dấu hiệu vi phạm và trái pháp luật, không thể thi hành trên thực tế. Trong đó, có ba điểm sai nghiêm trọng, cụ thể: CPL đến từ “thiên đường thuế”, muốn làm ăn “chui” nên không lập thủ tục đăng ký đầu tư dự án. Do CPL không có tư cách pháp nhân đối với dự án nên không đủ điều kiện đứng tên trong công ty liên doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Đây là vi phạm nghiêm trọng thứ nhất.
Số tiền 15,6 triệu USD có dấu CPL chuyển “lậu” vào Việt Nam, thể hiện dấu hiêu vi phạm vi pháp luật hình sự. VIAC chẳng những không làm rõ mà còn “hợp thức hóa” bằng việc công nhận số ngoại tệ này rồi lấy làm căn cứ tính “phí trọng tài”. Chưa hết, VIAC buộc các bên đương sự nộp “phí trọng tài” bằng đô-la Mỹ cũng là thể hiện trái với Pháp lệnh ngoại hối năm 2005. Đây là vi phạm nghiêm trọng thứ hai.
Giữa Công ty Hồng Phát với CPL xảy ra mâu thuẫn gay gắt, đỉnh điểm là việc CPL tố cáo đến Bộ Công an, vu cáo nhằm đẩy Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát có thể vào cảnh tù tội nhưng bất thành. CPL đã tự biến mình thành đối nghịch với Công ty Hồng Phát, vậy mà VIAC lại thúc ép hai bên cùng “vai kề vai” liên doanh. Việc này vừa không hợp với lẽ thường, vừa trái với quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay. Đây là vi phạm nghiêm trọng thứ ba, cũng là cốt lõi dẫn đến Phán quyết Trọng tài không thể thi hành trên thực tế.
Lấy Phán quyết làm “kim bài”, thoải mái... “khiển”
Chủ đầu tư đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh CPL “3 không” thì không đủ điều kiện đứng tên thành lập liên doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư cùng các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, cốt lõi chính là khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD (sẽ trở thành vốn điều lệ khi Công ty liên doanh hình thành) được CPL chuyển trái phép vào Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, CPL còn dùng thủ đoạn thâm hiểm để hãm hại, đẩy chủ đầu tư có thể vào vòng lao lý, nhằm chiếm đoạt Dự án. Từ đối tác, CPL tự biến mình thành đối đầu, hai bên không thể nào hàn gắn! Điều đó cũng dễ hiểu bởi trên thương trường không có chủ đầu tư dự án nào “từ bi, hỷ xả” đến mức “rước giặc vào nhà” để chuốc lấy hậu quả (!)
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định rõ việc liên doanh mang tính tự nguyện giữa các bên, không ai có quyền ra lệnh, ép buộc hay làm thay kể cả Cơ quan THADS. Thực tế, ngay sau khi ký “Thỏa thuận khung” thì phát sinh tranh chấp do Công ty Hồng Phát phát hiện CPL có quá nhiều vấn đề bất thường nên không thể tiếp tục hợp tác. Với sự thiện chí của chủ đầu tư, Công ty Hồng Phát muốn giải quyết êm xuôi vụ việc, thu xếp hoàn trả cho CPL 15,6 triệu USD đã góp vào Dự án. Thế nhưng, CPL không chấp thuận, đâm đơn khởi kiện đến VIAC.
Một CPL “3 không”, xem thường pháp luật Việt Nam như vậy, lại dễ dàng có trong tay Phán quyết Trọng tài “3 sai”, có dấu hiệu trái luật. CPL biến Phán quyết Trọng tài thành “kim bài”, mặc tình “hô mưa, gọi gió”, thoải mái “khiển” Cơ quan THADS nhiều năm qua.
Về phía Công ty Hồng Phát, dù rất khó “nối lại tình xưa” nhưng Phán quyết Trọng tài đã ban nên phải tuân thủ. Từ năm 2015, Công ty Hồng Phát lập dự thảo, nhiều lần gửi cho CPL để thỏa thuận lập Công ty liên doanh nhưng CPL phớt lờ. Việc này đã được chủ đầu tư trình bày rõ tại cuộc họp “giải quyết thi hành án” tổ chức ngày 23/12/2019 dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng.
Từ năm 2016, Cục THADS, UBND tỉnh Long An đã mời làm việc nhiều lần, tạo điều kiện cho hai công ty thực hiện Phán quyết Trọng tài nhưng CPL thiếu thiện chí, chỉ cử luật sư tham dự, còn người có quyền quyết định thì luôn vắng mặt. CPL cũng không chứng minh được năng lực tài chính, chuyên môn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Về phía Công ty Hồng Phát, vẫn đang xúc tiến lập thủ tục để có được giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Liên doanh. Tuy nhiên, để Công ty Liên doanh được thành lập tuân thủ theo pháp luật Việt Nam thì hai điểm mấu chốt cần phải được làm sáng tỏ, đó là “tư cách pháp nhân” và nguồn gốc “khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD” của CPL.
Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam, cùng với Văn bản số 2463/BKHDT-PC ngày 17/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mới nhất là Văn bản số 3359/SKHĐT-KTĐN ngày 27/8/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, thì CPL phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đồng thời ký mở tài khoản góp vốn và gửi hồ sơ đăng ký tài khoản góp vốn cho Ngân hàng Nhà nước. Công ty Liên doanh không thể thành lập nếu CPL không thực hiện hai vấn đề mấu chốt nêu trên.
Tại nhiều cuộc họp bàn về thi hành Phán quyết Trọng tài (cụ thể như cuộc họp ngày 9/5/2018, ngày 7/1/2019, ngày 1/4/2019, ngày 10/6/2019…), Công ty Hồng Phát liên tục đề nghị CPL phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam về đầu tư nhưng CPL bất chấp. Ngược lại, CPL lấy “kim bài” Phán quyết Trọng tài để “khiển” Cơ quan THADS “xoay lòng vòng” đến “loạn đầu, nhức óc” rồi ô sa lầy. Các cơ quan chức năng bị kéo vào cuộc để “tháo gỡ vướng mắc” nhưng càng gỡ, càng rối, rơi vào bế tắc ...
Thi hành án sau 5 năm bị “khiển” mới thấy sai (!)
Lẽ ra, từ đầu Cơ quan THADS “sáng suốt’, nhận ra những điểm “lạ” của Phán quyết Trọng tài, có ngay văn bản đề nghị VIAC cũng như TAND TP Hồ Chí Minh (nơi ra Quyết định công nhận Phán quyết Trọng tài) có ý kiến về việc Phán quyết Trọng tài không thể thi hành. Đằng này, Cục THADS TP.Hồ Chí Minh (tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài năm đầu) và Cục THADS tỉnh Long An bị CPL “khiển”, liên tục “cấm vận” chủ đầu tư bằng cách ra lệnh ngăn chặn toàn bộ 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), với 232,66 ha đứng tên Công ty Hồng Phát. Việc ngăn chặn là trái pháp luật vì Phán quyết Trọng tài hoàn toàn không có nội dung nào là “ngăn chặn” 13 sổ đỏ. Chiêu “hiểm” này nhằm tấn công quyết liệt, thể hiện việc triệt hạ chủ đầu tư, làm Dự án bị “đóng băng”, tê liệt, dẫn đến phá sản.
Không tính lần ngăn chặn đầu tiên ngày 9/12/2013, do Cục THADS TP Hồ Chí Minh thực hiện, Cục THADS tỉnh Long An tiếp “diễn” lệnh ngăn chặn lần hai bắt đầu từ ngày 10/12/2014, đến năm 2016 thì gỡ bỏ. Sang năm 2017, CPL lại “khiển”, yêu cầu tiếp tục ngăn chặn.
Ngày 25/8/2017, Cục THADS tỉnh Long An có Công văn gửi Tổng cục THADS Bộ Tư pháp xin chỉ đạo. Ngày 18/9/2017, Tổng cục THADS có Văn bản số 3407/TCTHADS-NV1 “hướng dẫn nghiệp vụ”, yêu cầu Chấp hành viên ban hành Quyết định ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát. Cùng ngày 18/9, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Võ Văn Xuân ra lệnh ngăn chặn toàn bộ 13 sổ đỏ bằng Công văn số 525/CTHA.
Bị ngăn chặn trái pháp luật, chủ đầu tư khiếu nại gay gắt. Từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Long An cùng các cơ quan chức năng như Viện KSND Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã vào cuộc, kiểm tra, xem xét toàn diện những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật về THADS, đầu tư, thương mai… Sau khi làm rõ, Bộ Tư pháp đã có Văn bản kết luận số 123/BC-BTP do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ký ngày 4/6/2018, đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý, thể hiện tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Văn bản của Công ty Hồng Phát gửi CPL lần thứ 3 về việc xúc tiến Hợp đồng liên doanh
Văn bản mới nhất của Sở KH&ĐT tỉnh Long An xác đinh CPL.phải thực hiện theo Luật Đầu tư Việt Nam
Trong Văn bản số 123/BC-BTP, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định ba 3 điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, theo quy định của Luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay.
Thứ hai, không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo quy định của Luật THADS, thì sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như: Thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản... Trường hợp, cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài.
Thứ ba, giữa CPL và Công ty Hồng Phát đáp ứng định nghĩa về “khoản đầu tư” nhưng CPL không đáp ứng định nghĩa “nhà đầu tư”. Và CPL không có thẩm quyền khởi kiện.
Tại cuộc họp ngày 17/10/2018, có mặt của Tổng giám đốc CPL Alan Tong Kwok Lun, Cục trưởng Bùi Phú Hưng khẳng định: Không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Công văn số 525/CTHA vì không thể ra Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, ngày 14/11/2018, Tổng cục THADS đã làm việc với đại diện của CPL, xác định: Không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Công văn số 525/CTHA. Tiếp đến, ngày 26/11/2018, Tổng cục THADS có Văn bản số 4347/TCTHADS-NV1 không chấp nhận yêu cầu của CPL tiếp tục duy trì Công văn số 525/CTHA vì không có cơ sở.
Trước đây Tổng cục THADS có Văn bản “hướng dẫn nghiệp vụ” số 3407/TCTHADS-NV. Ngày 26/11/2018, Tổng cục THADS có Văn bản “hướng dẫn nghiệp vụ” số 4341/TCTHADS-NV1 “yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thực hiện nội dung Công văn số 525/CTHA”. Chấp hành chỉ đạo trên, ngày 29/11/2018, Chấp hành viên Võ Văn Xuân ký Văn bản số 682/CTHADS-NV chấm dứt hiệu lực đối với Công văn số 525/CTHA. Cùng ngày, Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký văn bản báo cáo Tổng cục THADS.
Rồi lại loay hoay “tháo gỡ vướng mắc”...
Những yêu cầu của CPL đã được giải quyết đầy đủ. Vụ việc tưởng đã dừng lại và chủ đầu tư dự án thoát nạn sau nhiều năm bị “cấm vận” trái pháp luật. Thật bất ngờ, trong khi một loạt Văn bản của Văn phòng Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Long An… tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, vẫn còn nguyên giá trị, chưa bị thu hồi thì Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên vẫn “vô tư” ký Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, tái lập ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát theo yêu cầu của CPL, cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài.
Ngày 6/3/2019, Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký Quyết định số 06/QĐ-CTHADS “giữ y” Quyết định số 07/QĐ-CTHADS. Ngày 19/4/2019, ông Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo, thừa lệnh Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi, ký Văn bản số 103/TB-TCTHADS thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát đối với Quyết định số 06/QĐ-CTHADS của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An.
Không chỉ khiếu nại, Công ty Hồng Phát còn có đơn tố cáo Chấp hành viên Yên và Cục trưởng Bùi Phú Hưng. Do không nhận được trả lời từ Tổng cục THADS, Công ty Hồng Phát kêu cứu đến ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Ngày 18/11/2019, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kí Văn bản số 4571/BTP-TCTHADS, xác định:“Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh, xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp sẽ thông tin tới ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng biết”.
Ngày 18/12/2019, Vụ trưởng Lợi thừa lệnh Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi, hạ bút kí Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC không giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát, vì Tổng cục THADS không có thẩm quyền (?!). Thậm chí, Vụ trưởng Lợi còn “vẽ” ra chứng cứ chứng minh Tổng cục THADS đã thu hồi Thông báo số 103/TB-TCTHADS từ ngày 17/5/2019 nhằm “hợp thức hóa” việc “ngâm” khiếu nại quá lâu.
Bức màn “bí mật” đã được vén lên khi Báo Người cao tuổi đã thu thập được chứng cứ, xác định: Chính Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS theo yêu cầu lãnh đạo Bộ Tư pháp thể hiện tại Văn bản số 634/BC-BTP do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kí ngày 18/11/2019 (!). Trong Văn bản 634, Thứ trưởng Oanh còn nêu hai vấn đề: CPL không bị hạn chế quyền khởi kiện quốc tế Chính phủ Việt Nam; để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ Chỉ đạo UBND tỉnh Long An sớm có kết luận về đề nghị của CPL (đòi “cưa” Dự án, chia 130 ha đất, tách ra từ khu đất 232,66 ha của Hồng Phát).
Xâu chuỗi lại vụ việc, cho thấy: Chỉ vì sợ CPL “dọa kiện” sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và tốn kém chi phí mà Bộ Tư pháp cụ thể là Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đảo ngược toàn bộ kết quả giải quyết của Bộ Tư pháp trước đây thể hiện tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2019; thậm chí còn “nghiêng” về phía CPL, đổ lỗi cho Công ty Hồng Phát (?!)
Thực tế đang diễn ra và theo nhiều chuyên gia pháp lý thì vụ tranh chấp này CPL đã khởi kiện, được VIAC giải quyết bằng Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013, đang được Cục THADS tỉnh Long An tổ chức thi hành. Việc CPL “dọa kiện” tranh chấp chấp quốc tế liên quan đến 15,6 triệu USD là không đủ điều kiện và không có căn cứ.
Hành vi thể hiện dấu hiệu “đầu tư chui, chuyển tiền lậu” của CPL đã bị dư luận bóc trần. Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều đã nhận ra CPL đã vi phạm pháp luật Việt Nam về đầu tư, thương mại. Nghiêm trọng nhất chính là khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD của CPL lộ rõ dấu hiệu trái phép và có dấu hiệu “rửa tiền”, vi phạm pháp luật hình sự…Lẽ ra, Bộ Tư pháp nên đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc làm rõ thì lại “im lặng”!?
Dù CPL không tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhưng khi phát sinh tranh chấp, các cơ quan hữu quan đã xem xét, giải quyết đầy đủ, trong đó có dấu hiệu “nhún nhường”, thậm chí “ưu ái” cho CPL(!). Cho đến nay, 15,6 triệu USD mà CPL bỏ ra vẫn nằm gọn trong Dự án. Với tư cách chủ đầu tư, Công ty Hồng Phát không chỉ giữ nguyên vẹn toàn bộ diện tích đất 232,66ha mà còn phát triển Dự án theo quy định; để khi hai bên đạt được thỏa thuận thì CPL chắc chắn sẽ đứng tên trong Công ty liên doanh. Như vậy, CPL đã chịu thiệt hại hay bị tước đoạt quyền lợi gì để “dọa kiện” quốc tế mà phải sợ?
Gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là Công ty Hồng Phát khi đã đổ hơn 1.000 tỷ đồng vào Dự án nhưng bị CPL “khiển” thi hành án ngăn cản, “cấm vận” suốt hơn 6 năm qua, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và ngày càng chồng chất. Dễ nhận thấy, nếu Công ty Hồng Phát không đủ bản lĩnh để vượt qua nhiều cơn “bão dữ” thì Dự án đã bị thu hồi từ lâu. Không chỉ chủ đầu tư thiệt hại mà việc này còn làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.
Lạ thay, quan điểm của lãnh đạo Bộ Tư pháp: “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, nhưng thực tế sau một năm từ khi chỉ đạo ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHAD, cho thấy càng gỡ, càng rối rắm, phức tạp, có dấu hiệu can thiệp trái pháp luật vào việc thi hành án Phán quyết Trọng tài. Bộ Tư pháp chỉ sợ CPL “dọa kiện”, còn chủ đầu tư thì sao? Nên nhớ, Công ty Hồng Phát có đầy đủ quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…
Trong cảnh bị “cấm vận”, Công ty Hồng Phát vẫn thường xuyên tổ chức tặng quà, nhà tình thương cho người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh hiếu học…
Đại diện Công ty Hồng Phát tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo
Cán bộ, công nhân viên Công ty Hồng Phát tổ chức vui Xuân tại Dự án