An Giang: Liên kết nguyên liệu Nông - Thủy sản để tăng lợi thế cạnh tranh

Sáng 6/1, tại TP. Long Xuyên (An Giang), Tập đoàn Sao Mai tổ chức tổng kết công tác phát triển vùng nguyên liệu Nông - Thủy sản niên vụ 2019.

Năm 2019, giá cá tra liên tục sụt giảm mạnh, nhưng sản lượng của vùng nuôi liên kết rộng khoảng 350 ha vẫn đạt trên 10.000 tấn cá/tháng, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Cty IDI hoạt động ổn định. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, khiến hộ nuôi ĐBSCL điêu đứng tìm doanh nghiệp tiêu thụ, riêng các thành viên liên kết với Sao Mai vẫn ổn định khi được Tập đoàn mua theo hợp đồng với giá 25.000 đồng/kg.

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác phát triển vùng nguyên liệu Nông - Thủy sản niên vụ 2019.

Theo ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Sao Mai Group chia sẻ: “Tập đoàn đã chi 600 - 700 tỷ đồng để bù lỗ vào sự chênh lệch khi giá cá đang rơi tự do xuống thấp. Sao Mai chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi cam kết bao tiêu cá thương phẩm cho hộ nuôi”. Việc làm thiết thực ấy đã góp phần ổn định nghề nuôi cá tra ở khu vực, đồng thời minh chứng cho câu nói “Ai nuôi cá cho IDI mà lỗ thì chính tôi lấy tiền túi ra bù”.

Ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Sao Mai Group chia sẻ công tác phát triển trong chuỗi liên kết vùng nguyên liệu Nông - Thủy sản niên vụ 2019.

Năm 2018, Sao Mai đã chi trên 500 triệu đồng để tài trợ vốn, giống, chuyển giao phương thức canh tác cho 17 hộ dân người Khmer tham gia mô hình trồng mì (KM140) khảo nghiệm ở huyện Tịnh Biên. Vụ đầu, năng suất bình quân 35 tấn/ha. Niên vụ 2019 mở rộng lên 100 ha với 80 hộ, dự kiến tháng 2/2020 sẽ thu hoạch, dự báo năng suất sẽ đạt từ 40 tấn/ha trở lên, Sao Mai bao tiêu sản phẩm. Ông Thuấn cho biết thêm, thời gian tới Tập đoàn Sao Mai Group sẽ phát triển mạnh trên 5.000 ha trồng KM140 ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Qua đó, sản lượng sẽ đảm bảo cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Sao Mai Super Feed đang được nâng công suất từ 375.000 tấn/năm (hiện nay) lên 500.000 tấn/năm (2020 - 2022).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đánh giá cao những đầu tư vừa qua của Sao Mai Group với địa phương nhất là lĩnh vực Nông nghiệp, trồng trọt và thủy sản. Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các ngành tỉnh hoàn thành thủ tục đề nghị cấp trên sớm công nhận rừng Tràm Trà sư - rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang phát biểu tại hội nghị.

Trước đó, tháng 6/2019 vừa qua, Tập đoàn Sao Mai đã phát điện thương mại thành công Nhà máy điện năng lượng mặt trời (Mai Solar PV1) ở huyện Tịnh Biên có công suất 104 MW, trên diện tích 130 ha, vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc ở địa phương tại nhà máy với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Đến năm 2022, giai đoạn II của dự án có vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, công suất 106 MW, trên diện tích 145 ha sẽ được khởi công xây dựng. Cánh đồng pin năng lượng mặt trời trở thành mô hình du lịch đặc biệt kết hợp với phát triển nông nghiệp sạch, qua đó đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho quốc gia và góp phần quan trọng ổn định chính trị, phát triển kinh tế biên giới Tây Nam.

Dịp này, Tập đoàn Sao Mai cũng phát động cuộc thi văn học nghệ thuật, báo chí viết về rừng Tràm trà sư đẹp nhất Việt Nam với giải thưởng cao nhất 10 triệu đồng.

Đăng Khôi

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/an-giang-lien-ket-nguyen-lieu-nong-thuy-san-de-tang-loi-the-canh-tranh-a66499.html