Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Ninh Bình, khoảng đầu năm 2018, Nguyễn Văn Duẩn (Phường Thanh Bình, TP. Hải Dương) đến Ninh Bình. Do quen biết trước với anh Đàm Văn Hanh (Phường Nam Bình, TP. Ninh Bình), nên cả hai đã hẹn gặp tại quán cà phê Time (Phường Vân Giang, TP. Ninh Bình). Qua cuộc nói chuyện, Duẩn có nhu cầu mua giấy phép “nạo vét bùn đất, cát sỏi lòng sông và khơi thông dòng chảy”. Sau đó, Duẩn đã chủ động gọi điện nhờ Hanh mua cho Duẩn giấy phép theo yêu cầu của Duẩn. Do quen biết từ lâu, lại thường xuyên qua nhà Hanh ăn cơm, nên Hanh đã mua cho Duẩn một giấy phép với giá 500.000.000đ từ một người thanh niên không quen biết. Về phía Duẩn, chuẩn bị đầy đủ thủ tục thành lập Công ty Cổ phần Môi trường An Hiệp Phát do Duẩn làm Giám đốc, trụ sở tại nhà Hanh.
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 13/01/2020 tại Tòa án tỉnh Ninh Bình.
Đến tháng 4/2019, Duẩn đã ra thông báo gửi các Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để xin khai thác khoáng sản theo nội dung Giấy phép trên, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, Sở này đã mời Duẩn lên làm việc và thông báo Sở không làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Môi trường An Hiệp Phát. Ngay sau đó, Duẩn đã đề nghị Hanh trả lại số tiền 530 triệu đồng vì “giấy phép không khả thi” (lời của Duẩn) và trả thêm tiền lãi mức 1.000 đồng/1 triệu/1 ngày, cùng chi phí đi lại. Ngày 17/4/2019, Duẩn đến nhà Hanh và nhận số tiền 805.700.000 đồng (thừa 275.700.000 đ). Giữa hai người đã có thỏa thuận không khiếu nại, tố cáo, đồng thời Duẩn phải trả lại giấy phép cho Hanh vào ngày 25/4/2019.
Chỉ sau một ngày Duẩn nhận đủ tiền, ngày 18/4/2019, UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn số 103/UBND-VP3 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị xác minh, làm rõ Giấy phép số: 356/GP-UBND ngày 05/8/2018 có chữ ký mang tên ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Cơ quan điều tra đã thu giữ giấy phép này và trưng cầu giám định Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình. Tại Kết luận giám định số 16/KLGD-PC09-TL ngày 03/5/2019 nêu rõ: so sánh chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trên các tài liệu mẫu so sánh không phải cùng một người ký ra, hình dấu trơn mang tên “Ủy ban nhân tỉnh Ninh Bình” trên giấy phép không phải là hình dấu đóng trực tiếp, được làm giả bằng phương pháp in phun mầu.
Ngày 13/01/2020, tại Tòa án tỉnh Ninh Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đàm Văn Hanh với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại tòa, bị cáo Đàm Văn Hanh đã khai nguồn gốc giấy phép trên là mua của một người thanh niên không rõ tên tuổi và địa chỉ với giá 500.000.000 đồng. Bị cáo thừa nhận bản thân đã không nhận thức đầy đủ về các thủ tục, giấy tờ pháp lý của Nhà nước nên dẫn đến sự việc này và liên tục khẳng định không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo đã đặt ra các câu hỏi với Nguyễn Văn Duẩn: “Theo anh, ai là người bị hại trong vụ việc này, khi mà anh nhờ mua giấy phép đã có giấy phép và đã nhận dư số tiền mà anh đã nhờ anh Hanh trước đó?”. Anh Duẩn đã không trả lời. Chưa hết, khi luật sư hỏi về vốn điều lệ, nhân sự của Công ty Môi trường An Hiệp Phát do Duẩn đứng tên, nhưng Duẩn cũng không nắm rõ.
Luật sư cũng đã đưa ra quan điểm nhìn nhận về cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát: Nếu ông Hanh là người lừa đảo thì sau khi cầm số tiền 530 triệu thì Hanh đã không trả lại số tiền này cho Duẩn. Bên cạnh đó, khi Duẩn đặt vấn đề treo biển Công ty CP Môi trường An Hiệp Phát tại nhà riêng của Hanh thì Hanh đã đồng ý. Trong vụ việc này không có người bị hại, bởi chủ thể là ông Duẩn đã không có đơn tố giác hành vi lừa đảo lên cơ quan cảnh sát điều tra. Rõ ràng ở đây, ông Duẩn không mất đi số số tiền đã bỏ ra 530.000.000 đ mà còn lấy lãi 275.700.000 đ.
Trong quá trình điều tra vụ án Cơ quan tiến hành tố tụng đã không tuân thủ các quy định về văn bản tố tụng theo quy định tại khoản 2 điểm D Điều 132 BLTTHS 2015 văn bản chức vụ ghi rõ: họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành tố tụng và đóng dấu, nhưng hầu hết các biên bản ghi lời khai trong hồ sơ không có đóng dấu của cơ quan điều tra. Cụ thể trong vụ Đàm Văn Hanh, điều tra viên lại lấy lời khai của một người, nhưng người khác ký tên, thế mà Kiểm sát viên thực hành quyền Công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự vẫn “nhắm mắt bỏ qua”.
Tại các biên bản lời khai của Đặng Đức Toàn, nhưng phần mục ký tên là của Nguyễn Văn Duẩn. Vì vậy tài liệu hồ sơ vụ án không có giá trị pháp lý, nhưng tại phiên toà, Chủ tọa phiên toà tuyên do Điều tra viên “nhầm lẫn”. Trong khi đó văn bản tố tụng chỉ viết sai một từ gạch đi cũng phải chú thích và có chữ ký của người khai ký xác nhận?
Theo ông Lại Huy Phát - Luật sư bào chữa cho bị cáo: Cáo trạng luận tội của VKSND tỉnh Ninh Bình và bản án của HĐXX toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình tuyên án 08 năm tù giam đối với thân chủ của tôi là đúng người nhưng không đúng tội. Vì cáo trạng bản án không cấu thành tội “Lừa đảo chiến đọat tài sản”.
Tại phiên tòa, Bị cáo Đàm Văn Hanh không nhất trí với bản luận tội của Viện kiểm sát và bản án 08 năm tù giam của HĐXX sơ thẩm Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình vì cho rằng tội danh của Bị cáo không phải là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Được biết sau khi toà tuyên án , ngày 15/01/2020 Bị cáo Đàm Văn Hanh đã làm đơn kháng cáo lên toà án cấp cao tại Hà Nội theo quy trình phúc thẩm.
PV
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/toa-an-nhan-dan-tinh-ninh-binh-xu-co-dung-nguoi-dung-toi-a66781.html