Ngộ độc thực phẩm ngày Tết: Làm thế nào để phòng tránh?

Ngộ độc thực phẩm ngày Tết không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn làm hỏng không khí vui xuân của cả nhà.

Những ngày Tết đang đến rất gần. Khoảng thời gian này mang theo nhiều điều tuyệt vời, ý nghĩa vì bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình hoặc trải nghiệm những chuyến đi thú vị.

Hãy chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng tận hưởng khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, bao gồm cả cách phòng tránh và đối phó với chứng ngộ độc thực phẩm ngày Tết.

Ngộ độc thực phẩm ngày Tết là gì?

Rửa thực phẩm sạch sẽ tránh dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm Tết có rất nhiều loại. Chúng được chế biến từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau và có hình thức trưng bày hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bạn không chọn lựa kỹ càng, tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày Tết rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là vì có rất nhiều loại thực phẩm Tết làm từ nguyên phụ liệu trôi nổi, phẩm màu độc hại…

Ngộ độc thực phẩm ngày Tết là bệnh do thực phẩm bẩn gây ra trong ngày Tết. Bệnh xảy ra khi bạn ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc độc tố.

Bệnh cạnh ngộ độc thực phẩm, nguồn thức ăn ô nhiễm còn có thể gây ra nhiều trình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm:

– Nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn salmonella, sampylobacter

– Nhiễm trùng hệ tiêu hóa

– Tiêu chảy

– Kiết lỵ

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm không giống nhau ở từng người. Nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của quá trình nhiễm độc. Thông thường, người bị ngộ độc thực phẩm sẽ gặp ít nhất hai hoặc ba biểu hiện trong số những triệu chứng sau đây:

– Đau bụng

– Buồn nôn

– Nôn

– Tiêu chảy

– Đau đầu

– Sốt cao

– Chán ăn

Thời gian khởi phát triệu chứng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các triệu chứng cũng khác nhau ở mỗi người. Trong suốt khoảng thời gian này, điều quan trọng nhất bạn cần làm là giữ nước cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại chất lỏng an toàn.

Nếu các triệu chứng bạn gặp phải kéo dài từ 3 ngày trở lên mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đến bệnh viện. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bị ngộ độc là trẻ em, người cao tuổi hoặc người đang mắc những bệnh lý nghiêm trọng khác. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, ngộ độc thực phẩm ngày Tết có thể mang đến các biến chứng như hội chứng ruột kích thích hoặc viêm khớp phản ứng. Điều này sẽ phá hủy toàn bộ thời gian nghỉ Tết của bạn và gia đình.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm Tết 

thịt bẩn gây ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Theo Healthline, ngộ độc thực phẩm Tết thường xảy ra do hành vi ăn uống qua loa, tạm bợ. Một nguyên nhân chủ yếu khác là do hành vi chế biến và xử lý thực phẩm không đảm bảo yếu tố vệ sinh.

Những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khác bao gồm dụng cụ đựng thức ăn bị dính bẩn, thức ăn nguội lạnh, vi khuẩn lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín…

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày Tết? 

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong những Tết là việc không mấy khó khăn. Bạn chỉ cần tuân thủ những nguyên tắc ăn uống lành mạnh dưới đây:

– Chỉ dùng nước uống đóng chai hoặc nước ấm. Nếu bạn đi du lịch Tết đến những địa phương hoặc quốc gia khác, hãy ưu tiên sử dụng nước uống đóng chai.

– Không ăn thức ăn từ những người bán hàng rong dù nó có vẻ rất bắt mắt và mùi vị hấp dẫn.

– Nếu được, hãy tự chế biến thức ăn để phục vụ bản thân trong những ngày Tết. Khi đi du lịch Tết, nếu được tự phục vụ, bạn hãy chọn những món đã được nấu chín hoặc còn ấm nóng.

– Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu hoặc có mùi lạ.

– Duy trì thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc cầm nắm thức ăn. Người lớn cần đặc biệt nhắc nhở trẻ em chú ý đến việc này để phòng tránh ngộ độc và có kỳ nghỉ Tết khỏe mạnh.

Bạn nên làm gì nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết?

đến bệnh viện khi bị ngộ độc thưc phẩm

Khi bạn cảm thấy mình đang có những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ngày Tết, hãy nhanh chóng báo cho những người thân trong gia đình hoặc những người có liên quan nếu bạn đang đi du lịch Tết (quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên hoặc người điều hành tour du lịch…).

Lưu ý khoảng thời gian bạn khởi phát triệu chứng hoặc món ăn, nơi bạn đã ăn trước khi gặp dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Sau đó, hãy thông báo với những thành viên khác trong gia đình để tạm thời tránh sử dụng món ăn đó.

Nếu những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm làm bạn đuối sức, hãy đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để được bác sĩ kiểm tra và có phương án đối phó phù hợp. Nếu cần thiết, hãy mang theo mẫu thực phẩm bạn nghi ngờ gây ngộ độc đến để các chuyên gia y tế xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Thảo Trang

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ngo-doc-thuc-pham-ngay-tet-lam-the-nao-de-phong-tranh-a66796.html