Cây hoa Tớ Dầy
Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, vượt qua những cung đường phía Tây của tỉnh Yên Bái lên vùng đất Mù Cang Chảiđể ngắm hoa Tớ Dầy đang nhuộm thắm những cánh rừng, sắc hồng lung linh của loài hoa Tớ Dầy đã tô điểm cho núi rừng Tây Bắc trở nên lộng lẫy và kiêu sa.
Đi trong tiếng khèn ngày xuân, tiếng khèn của những chàng trai Mông lúc trầm, lúc bổng như những lời tỏ tình lãng mạn tạo cho ta cảm giác rạo rực trong lòng, thả hồn vào thiên nhiên hùng vĩ như lạc vào chốn bồng lai với muôn vàn sắc hoa, mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng và quyến rũ, lung linh trước gió.
Mùa xuân đến với người dân ở vùng cao rất nhẹ nhàng, giống như sắc hồng của hoa Tớ Dầy, vẻ đẹp của hoa được ví như những thiếu nữ Mông đang thì con gái. Những đóa hoa bé nhỏ, cánh hoa mong manh, nhưng vào thời khắc bừng nở, hoa tạo thành những đốm lửa hồng làm rực cháy một góc trời, khiến ai lấy được ngắm nhìn đều phải choáng ngợp.
Vào mùa hoa, ở trên đỉnh Trống Páo Sang của xã La Pán Tẩn nhìn xuống, hay dọc theo những con đường mòn quanh bản Tà Chí Lừ, phóng tầm mắt sẽ được chiêm ngưỡng một khoảng không gian rực rỡ của hoa Tớ Dầy.
Mỗi khi hoa Tớ Dầy bừng nở, trên những con đường mòn dẫn về bản vùng cao lại bắt đầu rộn ràng những tiếng khèn, tiếng hát giao duyên của những chàng trai, cô gái đi du xuân.
Vui vì được vui xuân, ném pao cùng với những bạn cùng trang lứa, Giàng Thị Chông, ở La Pán Tẩn hôm nay cũng xúng xính váy hoa đi ngắm hoa đào. Còn Hờ A Già, ở Bản Tà Chí Lừ, vai khoác chiếc khèn, cùng với các bạn của mình vui ném Pao, rồi chọn một bãi đất phẳng biểu diễn múa khèn.
Mỗi độ xuân về, trên các cánh rừng hay trước hiên nhà, màu hồng của hoa Tớ Dầy đua nhau khoe sắc, tạo nên một bức tranh mùa xuân rực rỡ. Sức sống của loài hoa Tớ Dầy trở nên mãnh liệt như chính những người dân nơi đây, chịu đựng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao; có những những lúc nhiệt độ xuống dưới 5 độ, xuất hiện băng giá phủ trắng trên sườn đồi; có thời điểm khô hạn kéo dài.
Nhưng chỉ sau một ngày nắng, sức sống của cây hoa Tớ Dầy trở nên lạ thường, rực rỡ khoe sắc, lung linh đến diệu kỳ giữa không gian rộng lớn, khiến cho cái lạnh của mùa đông tan biến; những khoảnh rừng bỗng chốc được khoác lên mình bộ áo rực rỡ.
Vì thế, loài hoa này trở thành một trong những biểu tượng đặc biệt của vùng đất vốn khắc nghiệt mỗi khi đông qua xuân về.
Trong những ngày đầu xuân năm mới, trên các sườn đồi uốn lượn quanh co, hay trên lưng chừng núi nơi định cư của bản làng người Mông đâu đâu cũng thấy màu đỏ hồng rực rỡ của hoa Tớ Dầy.
Những chùm hoa sắc màu đỏ hồng ở lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, loài hoa này tồn tại như một biểu tượng báo hiệu mùa xuân, báo hiệu cho một vụ mùa mới.
Người dân ở đây có tình cảm đặc biệt với hoa Tớ Dầy dù cuộc sống thường nhật có nhọc nhằn đến mấy, nhưng mỗi khi đến mùa hoa nở, cái mệt nhọc của một năm cũng sẽ qua đi, hoa báo hiệu những điều tốt đẹp lan tỏa đến từng nhà, từng người.
Đây cũng là loài cây gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của đồng bào Mông, với nhiều người cao tuổi như ông Hảng Sông Già, năm nay đã gần 70 tuổi, ở thôn Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn bồi hồi nhớ lại thủa trai trẻ cũng giống như các bạn trẻ bây giờ, cứ thấy hoa đào nở là thấy tết: Từ bé tôi đã thấy hoa “tớ dẩy” nở đỏ rực quanh nhà, mỗi mùa hoa nở bản tôi đẹp lắm. Lúc hoa nở, là lúc những đôi trai gái đi thổi khèn, chơi quay và vui xuân. Con trai ai cũng phải biết thổi khèn, múa khèn, rồi cùng ném Pao, hoa nở đẹp là lúc vui xuân và là mùa yêu nhau. Hoa đẹp, vì thế tôi cũng dặn con cháu phải biết giữ gìn, để cho bản mình lúc nào cũng đẹp như thế. Ngắm hoa nở cũng cảm thấy yêu bản mình hơn, yêu cuộc sống hơn (Dịch).
Là loài hoa thuộc loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.000 đến 1.600 mét so với mực nước biển, thuộc họ “hoa đào”, người Mông ở Mù Cang Chải gọi là “Pằng tớ dầy” dịch theo nghĩa tiếng Việt là “Hoa đào rừng”.
Thân cây khá lớn, có những cây đào cổ thụ cao 20-30 m, tán vươn rộng, mọc rải rác khắp sườn núi, chính vì vậy đây là thứ "đặc sản" riêng có cho mảnh đất vùng cao này.
Loài hoa 5 cánh hồng, nhụy đỏ, kết thành từng chùm, mỏng manh, được người dân nơi đây xem là biểu tượng của một mùa xuân, với bao niềm vui và ước vọng cho cuộc sống no đủ.
Giờ đây, đến với Mù Cang Chải, du khách không chỉ biết đến những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ vào mùa vàng hay mùa nước đổ mà còn biết thêm vẻ đẹp rực rỡ của sắc hoa đào rừng.
Anh Lý A Đại, ở ản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn cho biết, bây giờ nhờ mạng xã hội mà nhiều người biết đến Bản mình hơn, ngoài ruộng bậc thang thì ở đây hoa đào nở đỏ rừng.
Hoa đào bung nở trên những bản làng
Còn ông Hảng Sáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn thì cho biết, xã cũng nhận thấy đây là tiềm năng có thể mở ra những cơ hội làm du lịch cho bà con trong xã, nên đã bắt đầu cho nhân giống và trồng hoa thành vùng, trồng ở những con đường vào bản. Thông hoa đào rừng nở đúng vào dịp cuối năm dương lịch, song có những năm do điều kiện thời tiết bất lợi thì cây sẽ không nở hoa, hoặc nở rất ít, chính vì vậy những ai đã một lần được ngắm hoa Tớ Dầy nở trong một không gian rộng lớn chắc hẳn sẽ có được khoảnh khắc tuyệt diệu khi chứng kiến những chùm hoa Tớ Dầy nở bừng giữa không gian rộng lớn, bao la của núi rừng.
Nó cũng được ví như hình ảnh những thiếu nữ Mông căng tràn nhựa sống. Loài hoa này mang vẻ mạnh mẽ, hồn nhiên của thiếu nữ mới lớn. Mỗi bông Tớ Dầy như những chiếc chuông nhỏ, nở xen kẽ nhau thành chùm chuông xinh xắn rung rinh theo những cơn gió.
Em Hờ Thị Thào, Bản Háng Gàng, xã Lao Chải, trong những ngày hoa đào nở, tranh thủ lúc nông nhàn, cùng với những người bạn của mình đi ngắm hoa, chụp ảnh lưu niệm, Hờ thì Thào tâm sự: Khi hoa Tớ Dầy nở, được người yêu đưa đi chơi, mình thấy hoa đẹp và vui lắm. Hoa Tớ Dẩy nở đỏ thắm, đẹp như con gái Mông đang vào tuổi yêu, nên chị em mình cũng rất yêu loài hoa này (dịch).
Mặc dù, những năm gần đây người Mông ở Yên Bái đã tự nguyện ăn chung một Tết với Tết cổ truyền, theo Giàng A Làng, ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải vui vẻ cho biết: Hàng năm cứ nhìn thấy hoa Tớ Dẩy nở, các gia đình người Mông dù làm việc gì ở đâu cũng trở về nhà để đón tết; xum vầy bên nhau, cùng xẻ chia những thành công và khó khăn trong năm cũ. Đồng thời mong ước cho một năm mới mạnh khỏe, thành công, được mùa.
Giờ đây, bên cạnh những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, cùng với vẻ đẹp của danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang vừa được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, thì hoa đào rừng đang dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Theo bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBDN huyện Mù Cang Chải cho biết: “huyện cũng nhận thấy tiềm năng của loài hoa này trong phát triển du lịch, do đó huyện đã và đang tiến hành quy hoạch những điểm có nhiều hoa đào để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và tổ chức lễ hội hoa hàng năm”.
Giữa gió núi, mây ngàn, hoa Tớ Dầy lung linh sắc hồng như vẫy gọi mùa xuân về khiến những bản làng của Mù Cang Chải lại càng trở nên đẹp hơn trong con mắt của những du khách, làm tăng thêm vẻ đẹp cho một miền danh thắng ruộng bậc thang mỗi khi mùa về.
Hoa nở như thúc giục bản trên bản dưới mở hội xuân, thúc giục trai gái người Mông chuẩn bị du xuân, cùng xốn xang trong tiếng khèn trầm bổng, tiếng sáo rộn ràng để sắc màu thổ cẩm hòa trong sắc hồng tớ dẩy tạo cho bức tranh mùa xuân vùng non cao thêm rạng rỡ.
Tớ Dầy trở thành một trong những biểu tượng đặc biệt của vùng đất vốn khắc nghiệt mỗi khi mùa đông về. Khoảnh khắc hoa nở là lúc núi rừng Mù Cang Chải như khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ khiến cảnh quan thiên nhiên nơi đây càng tươi đẹp, níu chân du khách cùng đến ngắm hoa và trải nghiệm những sắc màu văn hóa Mông đầy hấp dẫn của mảnh đất vùng cao Yên Bái.
Bình Vy
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hoa-dao-rung-dua-tham-tren-reo-cao-mu-cang-chai-a66963.html