Những vấn đề về nhãn hàng hóa doanh nghiệp cần lưu ý

Nhãn hàng hóa cung cấp cho người dùng những thông tin của sản phẩm (tên hàng hóa, tên và địa chỉ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng…) để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hàng hóa

Bên cạnh đó, nhãn hàng hóa còn là công cụ để doanh nghiệp quảng bá cho hàng hóa, thương hiệu của mình, làm căn cứ để cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý hàng hóa. Khi sử dụng nhãn hàng hóa, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau đây:

1. Những hàng hóa không cần phải ghi nhãn

Về nguyên tắc, tất cả những hàng hóa thì cần phải ghi nhãn. Tuy nhiên, đối với những hàng hóa sau thì không cần ghi nhãn:

Hình minh họa

- Bất động sản;

- Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển;

- Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển;

- Hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá;

- Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

- Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

- Hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec;

- Hàng hóa đã qua sử dụng;

- Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;

- Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không.

2. Vị trí của nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa phải được thể hiện ở vị trí dễ quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa có bao bì ngoài không được hoặc không thể mở thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đẩy đủ những nội dung bắt buộc.

3. Kích thước nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số trên nhãn

Doanh nghiệp tự xác định kích thước nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số trên nhãn, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu sau:

- Kích thước nhãn phải ghi được đầy đủ các nội dung bắt buộc của nhãn;

- Kích thước của chữ và số trên nhãn phải đảm bảo dễ đọc bằng mắt thường;

- Trường hợp hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc trên nhãn không được thấp hơn 1,2 mm. Đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn (không tính phần biên giáp mí) nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.

4. Màu sắc nhãn hàng hóa

Màu sắc nhãn phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc, thì chữ và số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn.

5. Ngôn ngữ của nhãn hàng hóa

Những nội dung bắt buộc trên nhãn phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ:

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

6. Nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa

- Tên hàng hóa;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

- Xuất xứ hàng hóa;

- Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

7. Tên hàng hóa

Tên hàng hóa ghi trên nhãn do doanh nghiệp tự đặt nhưng không được làm sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần hàng hóa. Kích thước tên hàng hóa phải có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc trên nhãn.

Trường hợp, tên thành phần được dùng làm một phần hoặc toàn bộ tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.

8. Tên, địa chỉ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hàng hóa

- Tên riêng của doanh nghiệp và địa danh không được viết tắt

- Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên và địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đó.

- Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông thì ghi tên và địa chỉ doanh nghiệp nhập khẩu.

- Hàng hóa của doanh nghiệp làm đại lý cho thương nhân nước ngoài thì ghi tên và địa chỉ làm đại lý.

9. Ngày sản xuất và hạn sử dụng

Ngày sản xuất, hạn sử dụng hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.

Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch.

Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.

“ngày sản xuất”, “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” ghi trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: “NSX”, “HSD” hoặc “HD”.

10. Xuất xứ hàng hóa

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.

Trinh Phạm

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-van-de-ve-nhan-hang-hoa-doanh-nghiep-can-luu-y-a67025.html