Bỗng dưng mất đất?
Bà Lâm Huỳnh T. (SN 1967, quốc tịch Canada) vừa gửi đơn đến Báo Đời sống & Pháp luật cầu cứu về việc bị vợ chồng ông Lâm Võ Dũng (SN 1964) và Lê Thị Diệu Hiền (SN 1981) chiếm giữ trái phép tại địa chỉ số 39 Hồ Xuân Hương (Phường 6, Quận 3, TP. HCM) suốt 7 năm nay… mặc dù bà đã nhiêu lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng đòi nhà nhưng không được.
Tìm hiểu được biết, vào tháng 10 năm 2016, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã xử phúc thẩm buộc vợ chồng ông Dũng phải trả lại nhà cho gia đình ông Lâm Võ Huỳnh (80 tuổi, quốc tịch Canada, là cha ruột bà T, đã mất). Sau khi đã có quyết định của tòa án, Tổng cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã nhiều lần mời ông Lâm Võ Dũng lên làm việc tuy nhiên ông Dũng cứ lần lữa, nại đủ lý do không trả nhà.
Ông Lâm Võ Hoàng khẳng định ông Lâm Võ Dũng không phải là con ruột của mình |
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ cho thấy, căn nhà số 39 Hồ Xuân Hương nguyên là của vợ chồng ông Lâm Võ Dụ (đã mất năm 1967) và bà Huỳnh Thị Sự (đã mất năm 1969) để lại cho người con trai út là Lâm Võ Huỳnh (Ba của bà Lâm Huỳnh T.) cùng gia đình sinh sống.
Ông Lâm Võ Dụ và bà Huỳnh Thị Sự có 7 người con và khi con cái lớn lên và lập gia đình, mỗi người đều được ông bà phân chia nhà cửa, tài sản công bằng, ai phần người đó. Suốt 50 năm nay, sau khi phân chia tài sản cho các con rồi ông bà Dụ, Sự khuất núi, chuyện tranh giành đất đai giữa các con chưa xẩy ra cho tới khi bất ngờ có một người con “từ trên trời rơi xuống” xuất hiện…
Sự việc được tóm lược như sau: Gia đình ông Lâm Võ Huỳnh gồm có ông Huỳnh, vợ và 4 người con ở trong căn nhà 39 Hồ Xuân Hương mãi đến năm 1993 thì cả gia đình ông xuất ngoại qua Canada.
Dù rằng đã ra nước ngoài định cư, nhưng ông Huỳnh vẫn còn ý định, có thể sau này, ông bà hoặc con cái còn quay trở về nước nên ông Huỳnh quyết định không bán căn nhà trên mà giao cho ông Lâm Võ Hoàng (là người anh ruột thứ 8, ông Huỳnh thứ 10) ở để trông coi.
Ông Hoàng trước đây cũng đã được cụ thân sinh chia cho một căn nhà gần sân bay, sau đó bán lại, dời về căn nhà 39 Hồ Xuân Hương ở. Khi ấy ông Hoàng đã ngoài 50, không vợ, không con, sống một mình với công việc của chuyên viên kinh tế về ngành ngân hàng.
Vào khoảng đầu năm 2012, bất ngờ có một người đàn ông trung niên tên Nguyễn Dũng tìm đến nhà 39 Hồ Xuân Hương để gặp ông Lâm Võ Hoàng. Nguyễn Dũng sinh năm 1964, nhận mình là con của bà Nguyễn Thị Điểm (đã mất). Do mẹ ruột của ông Dũng có thời gian trước đây giúp việc cho gia đình họ Lâm nên ông Dũng vào TP. HCM tìm gặp ông Hoàng xin giúp đỡ.
Do tuổi già neo đơn không con không cháu, khi có người tới lui chăm sóc, ông Hoàng rất cảm động. Chính vì thế cũng trong năm 2012, ông Hoàng cho ông Dũng nhập hộ khẩu vào căn nhà số 39 Hồ Xuân Hương và không chỉ nhập hộ khẩu cho riêng mình ông Dũng mà còn nhập khẩu cho cả vợ ông Dũng là bà Lê Thị Diệu Hiền (sinh năm 1981) và 2 đứa con.
Theo lời ông Hoàng thuật lại: “Dũng xin được nhập hộ khẩu để cho 2 con được học các trường ở quận 3 và để dễ chăm sóc cho ông”. Còn lý do để dễ dàng nhập khẩu kể ra cũng khá ly kỳ: Ông Nguyễn Dũng nhận mình là con ruột của ông Hoàng, rồi tự ý đi đổi tên từ Nguyễn Dũng thành Lâm Võ Dũng.
Sau khi mọi chuyện đã an bài, ông Dũng quay sang gây sự, kiếm đủ chuyện, buộc ông Hoàng phải chuyển đến Nhà dòng Đan viện Thiện Phước Thủ Đức nghỉ dưỡng. Đến lúc này thì ông Dũng hiện rõ mưu đồ cướp nhà, ngang nhiên đến phá khóa vào ở trong nhà 39 Hồ Xuân Hương, nghiễm nhiên coi đó như căn nhà của mình.
Bà Lâm Huỳnh T. bức xúc kể lại: Nhận rõ âm mưu chiếm nhà của ông Dũng, ba tôi (ông Lâm Võ Huỳnh) tức tốc từ Canada bay về nước, làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng để trục xuất ông Dũng cùng gia đình ra khỏi căn nhà 39 Hồ Xuân Hương nhưng không được. Ba tôi làm đơn kiện ông Dũng ra tòa để đòi lại nhà.
Theo đó, qua hai lần xét xử, Bản án dân sự phúc thẩm số 254/2016/DS-PT ngày 13/10/2016 của TAND cấp cao tại TP. HCM, ngày 20/01/2017, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã ban hành Quyết định thi hành án số 798/QĐ- CTHADS với nội dung: Buộc ông Lâm Võ Dũng và những người đang cư trú tại căn nhà số 39 Hồ Xuân Hương; gồm các ông (bà), trẻ: Bà Lê Thị Diệu Hiền, trẻ Lâm Chí Hải, trẻ Lâm Chí Thiện phải giao trả lại căn nhà 39 Hồ Xuân Hương, Phường 6, Quận 3, TP. HCM cho ông Lâm Võ Huỳnh ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
“Vậy nhưng cho đến nay, nhà thì chúng tôi vẫn chưa lấy lại được, họ vẫn ngang nhiên chiếm cứ và nại đủ mọi lý do, lôi gia đình vào các vụ kiện tụng triền miên hòng chiếm đoạt căn nhà”, bà Lâm Huỳnh T. cho biết thêm.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của Ông Lâm Võ Huỳnh |
Những uẩn khúc cần làm rõ
Theo bà Lâm Huỳnh T. và những người liên quan thì việc ông Dũng biến nhà của người khác thành nhà của mình được bắt đầu từ “kịch bản” hết sức hoàn hảo. Cũng theo bà Lâm Huỳnh T., ông Dũng đã nắm rõ việc toàn bộ gia đình tôi đều ở nước ngoài, ông Hoàng thì già yếu, không còn minh mẫn, 6 người anh trước của ông Hoàng và ông Huỳnh đều đã mất, con cháu của họ đều ở xa, không quan tâm nên họ đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch trên.
“Lợi dụng ông Hoàng già yếu, nắm được thủ tục nhận cha con với các thủ tục như trình chứng minh nhân dân của cả hai, trưng bảng xét nghiệm AND cho ra kết quả giống nhau, viết đơn xin nhận cha con là được. Và bằng một cách nào, ông Dũng đã xin được kết quả giám định ADN chứng nhận là con ruột của ông Hoàng rồi tự động đổi họ từ Nguyễn Dũng thành Lâm Võ Dũng…”, bà Lâm Huỳnh T. cho biết.
Cũng theo bà Lâm Huỳnh T., gia đình bà hiện đang rất thắc mắc vì kết quả xét nghiệm này. Bởi khi đối chiếu kết quả xét nghiệm của 2 người là ông Lâm Võ Hoàng và của Nguyễn Dũng thì cho ra kết quả 16 cặp nhiễm sắc thể giống nhau tới 100%. Rất khó có thể giống nhau tới mức 100% như vậy.
Sau khi biết rõ âm mưu chiếm nhà của ông Dũng, trong các năm 2014 và năm 2018, ông Lâm Võ Hoàng đã làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân quận 3 TP. HCM yêu cầu tòa không công nhận quan hệ cha con giữa ông và ông Dũng. Tuy nhiên ông Dũng đã trốn tránh, không chịu gặp để giải quyết cũng như không chịu đi làm lại xét nghiệm AND nên cả hai lần Tòa án nhân dân quận 3 đành phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án ở lần đầu, còn lần 2 thì vẫn dang dở bởi ông Hoàng đã mất vào tháng 3 năm 2019 (Vụ việc này sẽ nói rõ hơn trong một bài khác - PV).
Trong lá đơn tố cáo gửi Tòa án nhân dân Quận 3 TP. HCM về chuyện ông Nguyễn Dũng giả mạo AND, tự nhận là con ruột của mình, ông Lâm Võ Hoàng trình bày rất rõ ràng: “Tôi không quen biết mà không có quan hệ tình ái gì với bà Trương Thị Điểm (là mẹ đẻ của ông Dũng).
Dũng không có cha nên tôi có nhận Dũng làm con riêng, sinh tại UBND Phường 6, Quận 3, TP. HCM theo Quyết định số 101/QĐ- UBND ngày 19/6/2012 với mục đích để cho Dũng có được danh phận bằng cách Dũng tự lấy nước bọt của tôi đi giám định AND. Đồng thời Dũng cũng nói với tôi là kết quả giám định AND là do Dũng quan hệ tiêu cực mà có được…”
Từ những căn cứ này, như vậy ban đầu đã tạm xác định, để nhằm đạt được mục đích là chiếm một phần tài sản của ông Lâm Võ Huỳnh, Nguyễn Dũng đã lập ra hẳn một kế hoạch trong một thời gian dài… Lời tố cáo của ông Hoàng là hoàn toàn có cơ sở vì qua tìm hiểu, được biết ông Hoàng sống một cuộc đời không vợ không con, không hề chung đụng với bất kỳ một người đàn bà nào.
Cũng theo bà Lâm Huỳnh T. thì: "Biết mình sẽ thua kiện trong vụ ông Huỳnh đòi nhà nên Dũng lập ra một kế hoạch dự phòng là tìm cách tiếp cận cô ruột của tôi là bà Lâm Thị Hoa (bà Hoa thứ 9, giữa ông Hoàng và ông Huỳnh) nhận bảo hộ để bà viết di chúc trao lại một phần trong căn nhà số 39 Hồ Xuân Hương cho ông Dũng.
Ngay sau khi bà viết di chúc (ngày 13-10-2014) ông Dũng đưa bà đi đâu không rõ. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu ông Dũng giao trả lại để nuôi dưỡng nhưng bất lực. Đến khi ông Dũng đưa đơn ra tòa án yêu cầu chia thừa kế căn nhà số 39 thì gia đình tôi mới tá hỏa khi biết bà Hoa chết từ ngày 18-10-2016. Nghi ngờ cái chết của cô tôi mờ ám, gia đình đã gửi đơn đến cơ quan Công an quận 1 (nơi bà Hoa cư ngụ) để tố cáo)”.
“Chuyện bà Hoa mất không bình thường chút nào bởi gia đình không ai biết bà mất ở đâu và vì sao mất? Bà Hoa mất thì di chúc của bà mới có giá trị!”, bà Lâm Huỳnh T. cho biết thêm.
Cũng theo bà Lâm Huỳnh T., ngày 24-10-2016, ông Hoàng và ông Huỳnh đến UBND phường Cầu Kho để khiếu nại về chuyện ông Dũng đưa bà Hoa đi khỏi nơi cư trú (tại số 457/40 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh).
Trước mặt ông Huỳnh, ông Hoàng và đại diện UBND phường, ông Dũng vẫn khẳng định là bà Hoa vẫn còn sống. Tại sao ông Dũng lại có thể gian dối về sự sống một con người như vậy?
“Trước đó, ông Dũng đã có mưu đồ chiếm đoạt nhà của bà Hoa do bà Hoa lẫn vì tuổi tác nhưng không thành. Khi nhận thấy mưu đồ của ông Dũng, gia đình đã kịp sang tên và chuyển nhượng căn nhà của bà Hoa dù ông Dũng đã cố gắng gửi đơn đến Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1 để ngăn chặn hành vi này”, bà Lâm Huỳnh T. nói.
Hiện trạng căn nhà 39 Hồ Xuân Hương, Phường 6, Quận 3, TP. HCM |
Cũng theo bà Lâm Huỳnh T., di chúc của bà Lâm Thị Hoa cho ông Lâm Võ Dũng hưởng quyền thừa kế căn nhà 39 Hồ Xuân Hương cũng có nhiều điều đáng nghi ngờ.
Theo đó, bà Hoa không trưng ra được bằng chứng rằng mình có quyền sở hữu căn nhà 39 Hồ Xuân Hương, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với căn nhà 39 Hồ Xuân Hương mà chỉ đưa ra Giấy trích lục bằng khoán, Trích sao sổ điền thổ và Trích sao sổ Tờ khai di sản mang tên ông Lâm Văn Dụ và bà Võ Thị Sự. Tuy nhiên không hiểu sao Phòng Công chứng Gia Định vẫn cho lập tờ Di chúc???
“Trong tờ Di chúc có ghi: Sau khi tôi qua đời (tức bà Lâm Thị Hoa) toàn bộ phần thừa kế căn nhà tại địa chỉ: Sài Gòn- Độc Lập, số 39, 41, 43 đường Colombier sẽ thuộc quyền sở hữu ông Lâm Võ Dũng. Điều đó có nghĩa là bà cho ông Dũng căn nhà 39 Hồ Xuân Hương mà bà còn “thản nhiên” biếu luôn ông Dũng 2 nhà hàng xóm với nhà 39 dù không phải của mình.
Cần phải nhắc lại là ngày 25/8/1996, với sự chứng thực của UBND phường Cầu Kho, bà Lâm Thị Hoa đã viết giấy đoạn mãi, không có liên quan gì tới căn nhà 39 Hồ Xuân Hương. Phần nữa, những năm cuối đời, bà Hoa hoàn toàn không còn tỉnh táo, khi tòa phúc thẩm yêu cầu bà ra làm chứng thì bà từ chối với lý do là “nữ nhân ngoại tộc” không có liên quan gì tới căn nhà 39 Hồ Xuân Hương.
Bà T. và cháu bà Hoa là Lê Ngọc Hân cho biết, trí óc bà Hoa không còn tỉnh táo nên ai dụ gì bà cũng làm điều đó. Ông Dũng không phải là con bà mà đứng ra đòi làm giám hộ cho bà là có mưu đồ rõ ràng nhưng lúc ấy gia đình không biết, chỉ nghĩ là Dũng âm mưu chiếm căn nhà số 457/40 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP. HCM… Đến khi Dũng tuyên bố bà Hoa đã mất và đưa ra tờ di chúc thì gia đình mới hiểu ý đồ sâu xa của Dũng.
Phân tích thắc mắc về việc khi ông Hoàng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế: Ông Lâm Võ Dụ và bà Huỳnh Thị Sự chỉ có hai người là ông Lâm Võ Hoàng và Lâm Võ Huỳnh, bà T. cho biết: “Khi ấy tất cả những người con trai trước đã chết, gia đình con cháu của những người này ở xa, không ai có ý kiến gì về căn nhà mà ai cũng biết là ông Lâm Võ Huỳnh được thừa hưởng từ ông nội.
Còn 2 người con gái khi ấy còn sống là bà Hoa và một người dì útt thì ai cũng đã lớn tuổi. Một đã có nhà riêng, một đang định cư ở Mỹ thì không muốn can thiệp vào, chỉ chứng nhận bằng một tờ đoạn mãi của bà Lâm Thị Hoa và tờ ủy quyền cho ông Huỳnh toàn quyền sử dụng căn nhà của bà Lâm Thị Hảo…
Căn cứ theo qui định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Ông Lâm Võ Dụ và bà Huỳnh Thị Sự đã chết hơn 50 năm, thời hiệu chia thừa kế không còn. Hay nói cách khác, bà Lâm Thị Hoa cũng như những người khác không còn thời hiệu để yêu cầu chia di sản nên ông Lâm Võ Dũng cũng không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, tất cả còn đợi sự phán xét công minh từ phía Tòa án nhân dân TP. HCM.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin cùng bạn đọc.
PV
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mat-nha-vi-cho-o-nho-a67086.html