Ông Tác kể lại hành trình làm thiện nguyện của mình
Ông Tác sinh ra và lớn lên tại ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ông Tác cho biết, 17 năm trước, ở quê ông, mỗi lần có ai đau ốm muốn đi bệnh viện rất khó khăn vì đường sá chưa thuận tiện, người bệnh đa phần là người nghèo khó. Mỗi lần gặp trường hợp đau ốm như thế là ông tình nguyện đến giúp ngay. Cũng từ đó, ông bắt đầu công việc chở người bệnh thiện nguyện của mình.
Những chuyến xe chở “sự tử tế”
“Ban đầu tôi chuyển bệnh nhân bằng xe máy. Sau đó hai năm, đường sá đi lại dễ dàng hơn và tôi cũng để dành được một ít tiền nên mua lại một chiếc xe ô tô cũ với giá 30 triệu đồng. Từ đó, tôi chuyển bệnh nhân bằng xe ô tô và hoàn toàn miễn phí”, ông Tác cho biết.
Một số thành viên trong đội xe thiện nguyện cùng ông Tác.
Thấy được tấm lòng nhân ái và việc làm của ông Tác có ích nên nhân dân trong xã ai cũng ủng hộ. Sau khi được nhiều người ủng hộ, ông thành lập đội lái xe từ thiện. Khi bắt đầu hoạt động, đội lái xe chỉ có hai tài xế. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 người thay nhau chuyển bệnh.
Năm 2012, với sự hỗ trợ của bà con nhân dân, các tổ từ thiện và các mạnh thường quân nên ông quyết định thành lập đội lái xe từ thiện. Người đứng đầu đội xe là ông. Cũng trong năm đó, đội xe đã mua được chiếc xe chuyển bệnh mới trị giá khoảng 600 triệu đồng. Tới năm 2014, đội của ông đã mua được chiếc xe thứ hai.
Ông Đặng Văn Giỏi, thư ký đội xe đã đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học
Ông Đặng Văn Giỏi, thư ký đội xe cứu thương cho biết: Mỗi tháng, tổ lái xe chuyển được trung bình khoảng 75 ca bệnh, có tháng chuyển được hơn 100 ca. Mỗi năm, tổ lái xe chuyển hơn 1.000 ca bệnh. Thường chuyển bệnh sẽ theo yêu cầu của bệnh nhân, khi lên thành phố Hồ Chí Minh, khi thì đi An Giang, khi thì xuống bệnh viện ở trung tâm thành phố Cần Thơ.
Khi được hỏi về kỷ niệm khiến ông Tác nhớ nhất trong thời gian lái xe từ thiện, ông cho biết đó là lần chở một phụ nữ sắp sinh đi bệnh viện. Khi đi được nửa đường thì chị kia sinh em bé ngay trên xe luôn. “Lúc đó tôi rất hốt hoảng không biết xử lý như thế nào. May mắn là sau đó mẹ tròn con vuông”, ông Tác kể
Ông cũng cho biết, có những hoàn cảnh thương tâm bị tai nạn chết, gia đình không có tiền đưa xác về quê, đội xe đã giúp đỡ chở xác về tận nhà. Có khi chở xác miễn phí từ Cần Thơ ra tận Hà Nội, có khi đến Quảng Bình…
Công việc chính của ông Tác là làm ruộng nhưng khi có người đau ốm cần đi bệnh viện thì ông luôn sẵn sàng. “Mỗi lần giúp được người khác tôi rất hạnh phúc, mọi mệt nhọc dường như không còn. Động lực để tôi duy trì và phát triển công việc này đến nay là sự ủng hộ, đồng lòng của vợ con, sự giúp đỡ của mọi người trong xã”, ông cho biết.
"Kỷ lục gia hiến máu"
Ông Tác còn được mọi người gọi với một cái tên đặc biệt, "kỷ lục gia hiến máu". Đến nay, ông đã 76 lần hiến máu và hàng trăm lần hiến tiểu cầu.
Bằng khen, giấy khen của trung ương, địa phương dành cho ông Tác
“Khoảng 3 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần tôi đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ hiến tiểu cầu. Có những lúc đêm đang ngủ ngon thì nhận được điện thoại là tức tốc đi ngay. Tôi biết có những người bị bệnh rất nặng phải truyền tiểu cầu gấp; nếu chậm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Từ nhà tôi đến bệnh viện hơn 40 km, có hôm tôi đi từ lúc nửa đêm, khi hiến xong tiểu cầu về đến nhà thì trời đã sáng”, ông Tác tâm sự.
Không những lái xe từ thiện, hiến máu tình nguyện mà qua nhiều lần chuyển người bệnh lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, ông Tác biết đến việc hiến tạng cứu người. Nhằm góp phần mang lại sự sống cho những người bệnh tật, kém may mắn nên ông Tác đã đăng ký được hiến tạng, hiến xác cho y học.
Thẻ đăng ký hiến tạng của ông Tác
Thấy được nghĩa cử cao đẹp của ông Tác, nhiều người trong đội xe của ông đã noi theo, trong đó có em rể ông là ông Bùi Thanh Huỳnh (45 tuổi) và cháu ruột là Bùi Thanh Vũ (22 tuổi). Ông Huỳnh chia sẻ: “Mình sống nay chết mai, nhưng sống có ý nghĩa, có ích cho đời. Khi chết đi, mình cũng muốn góp cái gì đó cho xã hội nên tôi nghĩ ngay đến việc hiến tạng”.
Cũng với suy nghĩ trên mà ông Đặng Văn Giỏi, thư ký đội xe cho biết: “Tôi nghĩ mình chết rồi còn nội tạng nếu thích hợp cho nhiều người tại sao mình không cho đi. Trước khi làm hồ sơ, tôi có về hỏi vợ, vợ tôi không những đồng ý mà bà ấy cũng tình nguyện hiến tạng và hiến xác cho y học. Hiện hai vợ chúng tôi đã làm hồ sơ hiến tạng và hiến xác và đang đợi cấp thẻ", ông Giỏi cho biết.
Ông Tác bên chiếc xe cứu thương thân thuộc
Hiện nay, đã có khoảng 20 người trong đội xe từ thiện đồng ý đăng ký hiến tạng.
Ông Đỗ Thanh Hưng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Hưng cho biết, đội xe từ thiện ban đầu thuộc ban từ thiện của xã; nổi bật và tâm huyết nhất là ông Tác. “Tôi đánh giá rất cao việc làm của đội xe. Gần đây, đội xe đã đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học và đang vận động mọi người cùng thực hiện việc làm nhân văn này. Xã sẽ luôn tạo điều kiện để tổ xe hoạt động và cũng sẽ quan tâm, kêu gọi sự ủng hộ để đội xe được hoạt động tốt hơn”, ông Hưng cho biết.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/76-lan-hien-mau-hang-tram-lan-hien-tieu-cau-hang-nghin-chuyen-xe-nhan-ai-a67256.html