Sức sống mới ở một vùng lòng hồ
Vùng lòng hồ thủy điện sông Chừng rộng trên 225 ha, trải dài 15 km trên địa phận xã Tân Bắc, Tân Nam (Quang Bình). Khi nhà máy ngăn đập, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, mực nước ổn định, có giá trị rất lớn và phù hợp phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng rừng, du lịch sinh thái.
Đây là thủy điện có đập tràn tự do, nên vào mùa mưa lũ, công trình cũng như vùng hạ du nhà máy rất an toàn, đã hoàn toàn cắt lũ và điều tiết được lượng nước khi có các đợt lũ lớn ở vùng thượng lưu hồ chứa. Mỗi năm nhà máy cung cấp khoảng 80 triệu KWh cho hệ thống điện Quốc gia, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 75 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 9 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động.Thủy điện sông Chừng đang được coi là thủy điện an sinh, an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Ngoài ra, còn hàng trăm hộ dân các xã vùng lòng hồ cũng đã được tạo việc làm, có thu nhập ổn định thông qua hoạt động dịch vụ, mở rộng diện tích sản xuất.
Trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành Nhà máy, Công ty TNHH Sơn Lâm luôn thực hiện tốt các hoạt động xã hội, chia sẻ cộng đồng, gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với người dân. Hàng năm, Công ty đều tham gia, đóng góp tích cực cho các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp điện miễn phí cho hàng chục hộ dân...
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ thủy điện, Công ty đã phối hợp với huyện Quang Bình, hỗ trợ thành lập HTX trồng rừng và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, xã viên là những hộ dân có đất canh tác nằm trong vùng lòng hồ.
Việc thành lập HTX nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đã mở ra cơ hội mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, ở một vài địa phương trong cả nước, các nhà máy thủy điện luôn bị coi là mối đe dọa đối với sản xuất và cuộc sống người dân. Nhưng, tại vùng dự án Nhà máy Thủy điện sông Chừng, người dân đã có cuộc sống ổn định, tốt hơn trước.
Với trách nhiệm và đạo đức của nhà đầu tư chân chính, chuyên nghiệp trong đầu tư, xây dựng thủy điện, Công ty TNHH Sơn Lâm đã, đang và sẽ tạo nguồn năng lượng bền vững cho cuộc sống, tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng cho biết: “Từ tháng 2.2019, HTX triển khai nuôi 52 lồng cá; riêng giống cá Lăng mới được đưa vào thử nghiệm 40 lồng. Qua theo dõi thì thấy loài cá này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước ở đây nên chắc thịt, thơm ngon; với giá bán trung bình khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Dựa trên những yếu tố thuận lợi, HTX dự kiến mở rộng quy mô nuôi cá Lăng để cung cấp khoảng 120 tấn cá thương phẩm mỗi năm; đồng thời cam kết đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà hàng trong tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu nuôi thêm giống cá Bỗng, Chiên bản địa; chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ HTX có đầu ra ổn định cho sản phẩm cá lồng”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định: “Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nuôi cá và đánh bắt trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đạt 450 tấn/năm; nâng giá trị ngành Thủy sản của huyện tăng từ 16 tỷ đồng năm 2019 lên 39,5 tỷ đồng năm 2025; giá trị từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Chăn nuôi cá lăng trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đang hứa hẹn tiềm năng lớn
Song song với nghề nuôi cá lồng, để phát triển du lịch bền vững; huyện đã đặt ra các giải pháp bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng. Để khách du lịch đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc”.
An tâm cho nhà đầu tư
Với những gì Công ty TNHH Sơn Lâm đang góp sức để tạo nên sức bật cho miền đất khó Quang Bình đã thể hiện thiện chí của Công ty cũng như người đứng đầu. Tuy nhiên trong thời gian qua, Công ty TNHH Sơn Lâm đang gặp nhiều trắc trở và có những dư luận làm ảnh hưởng đến Công ty trong đó phải kể đến là các văn bản mà một số ngành, cấp chính quyền ban hành đã gây hiểu nhầm như: Thủy điện chưa đầy đủ thủ tục, phát điện từ tháng 3.2011 nhưng đến nay việc thực hiện quan trắc công trình đập, hồ chứa nước, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Căn, Phó Giám đốc Cty cho biết: Tất cả các thông tin trên là hoàn toàn sai lệch. Thủy điện sông Chừng hiện đang được tỉnh Hà Giang coi là thủy điện kiểu mẫu về an sinh và an toàn, luôn trở thành mô hình để các nhà đầu tư thủy điện tìm đến học hỏi.
Cũng theo ông Căn, hiện Công ty TNHH Sơn Lâm đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, tuy nhiên quyền lợi vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, nhất là việc điều chỉnh lại giấy phép đầu tư. Hiện, theo giấy phép đầu tư cũ (mang số 10121000013, do UBND tỉnh Hà Giang cấp), Công ty mới được cấp một phần diện tích thuộc phép quản lý của mình như: Diện tích đất xây dựng đập, nhà máy và diện tích xây dựng đường dây tải điện.
Các thủ tục như quan trắc công trình đập, hồ chứa nước, an toàn đập… của Thủy điện sông Chừng được thực hiện đầy đủ, đúng quy định
Tuy nhiên phần cốt lõi và quyền lợi chính phải được hưởng của Công ty là có thêm phần diện tích mặt nước. Về diện tích này, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và đã thực hiện bồi hoàn dứt điểm cho dân, không gây khiếu nại, khiếu kiện từ năm 2009 do lỗi khách quan đã không được cấp.
Cũng theo ông Căn, để đảm bảo quyền lợi, an tâm và có căn cứ pháp lý; đã gần 2 năm nay Cty tự mình phải hoàn thành rất nhiều thủ tục theo yêu cầu. Tuy nhiên đến nay không hiểu do một “lý do” gì đó mà việc điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư, thuê và giao đất vẫn chưa được thực hiện.
Phát triển thủy điện an toàn, bền vững là một trong những hạng mục kinh tế mũi nhọn được Hà Giang xác định trong những năm gần đây và trong các năm tiếp theo. Vậy việc đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong đó có Công ty TNHH Sơn Lâm là một nguyện vọng xứng đáng. Có như vậy thì mới tạo ra sự an tâm và thu hút thêm nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Đặng Nguyễn
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thuy-dien-song-chung-ha-giang-can-dam-bao-quyen-loi-cho-nha-dau-tu-a67454.html