Những "thiên thần áo trắng" đầu bạc
28 năm qua, 'phòng khám' miễn phí do bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) và những người bạn của bà thành lập tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội) đã mang lại cơ hội khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân.
Câu chuyện về những bác sĩ có mái đầu bạc tận tuỵ khám bệnh, tư vấn cho người dân nơi đây được nhiều người biết đến. Đây không chỉ khám bệnh mà còn là nơi đem lại niềm vui, tiếng cười, sức khoẻ cho mọi người.
Vào 8h30 sáng thứ 2, tôi có mặt tại phòng khám này, bệnh nhân bắt đầu kéo đến, mỗi lúc một đông. Căn phòng được chia thành những góc khác nhau, gọn gàng, ngăn nắp như mọi phòng khám khác. Chỉ có điều khác là các bác sĩ ở đây đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, đo huyết áp miễn phí cho người bệnh.
Có mặt ở phòng khám từ rất sớm, kiểm tra, sắp xếp đồ đạc xong, bà Tố lại nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của người bệnh. Bà bảo, nói là 'phòng khám' chứ thực tế đây chỉ là phòng tư vấn sức khoẻ cho nhân dân.
Chia sẻ về ý tưởng mở 'phòng khám' miễn phí, bà Tố trải lòng, xuất phát từ những lần bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng ngoại thành để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần như vậy, bà có dịp đến gần các bệnh nhân hơn, cảm nhận được sự khốn khổ của những người khi mắc phải bệnh tật...cũng kể từ đó bà ao ước mở phòng khám từ thiện.
Lật trang sổ dày cộp ghi tên thuốc bà Tố nhớ lại, năm 1966 bà là Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Nam Ðịnh, cũng từng là bác sĩ chuyên Khoa Sản - Bệnh viện tỉnh Nam Định. Sau đó là chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Angola, năm 1992, bà về hưu theo chế độ và chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình. Nhiều cơ sở y tế tư nhân bấy giờ mời bà cộng tác với mức lương cao, nhưng người phụ nữ có chồng là liệt sĩ đã chọn con đường thiện nguyện để gắn bó nốt phần đời còn lại.
Khi ý tưởng đã có, bà may mắn gặp được y tá Lê Thị Sóc (91 tuổi), cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn, hai người đã cùng nhau xây dựng phòng khám, đồng thời bà cũng thuyết phục được những đồng nghiệp đã về hưu cùng tham gia.
“Tôi chỉ nghĩ người dân họ ốm đau nên mới tìm đến bác sĩ, khi ra khám ở bệnh viện lại rất đông. Chúng tôi là những người có chuyên môn, ở nhà lại nhàn rỗi không làm gì, sao không làm việc có ích để giảm tải cho bênh viện. Tôi làm việc này từ tâm chứ không vì mục đích kiếm tiền", bà Tố nói.
Thời gian đầu, khi chưa nhiều người biết đến, để có thuốc điều trị miễn phí cho người bệnh, bà Tố phải tự bỏ tiền lương hưu ra mua. Cảm phục tấm lòng của hai bà, các bác sĩ về hưu khác cũng đến chung tay xây dựng, 'phòng khám' nhờ thế được nhiều người biết đến hơn.
Sau 7 lần đổi dời, giờ đây các bác sĩ, y tá mới có một 'phòng khám' khang trang làm nơi tiếp đón bệnh nhân. Những lớp thế hệ bác sĩ, y tá cùng nhau làm nên 'ngôi nhà chung' ngày ấy, bây giờ người còn, người mất, chỉ còn lại bác sĩ Tố và y tá Sóc.
Có thời điểm, phòng khám thiếu người trầm trọng, bà Tố chợt nhớ ra bác sĩ Nguyễn Văn Ðức, đồng nghiệp cũ của bà từng công tác tại Nam Ðịnh. Sau nhiều ngày hỏi han, tìm kiếm, biết ông Ðức đã lên Hà Nội sinh sống ở phường Giáp Bát, bà liền mời ông Ðức cùng tham gia.
Tính đến nay phòng khám đã hoạt động 28 năm. Hiện giờ, phòng khám còn 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 dược sĩ duy trì công việc. Thế nhưng do tuổi cao, các ‘thiên thần áo trắng’ ở độ tuổi U80, U90 chỉ có thể khám vào sáng thứ 2 hàng tuần.
Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà Tố luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp những khó khăn về thời tiết, mưa to, gió lớn, tuổi cao, chân đau vì thấp khớp. Cứ mỗi sáng thứ 2, bà lại thuê xe ôm từ nhà sang phòng khám cùng những 'đồng nghiệp tóc trắng' thăm khám cho người bệnh. Bệnh nhân ở đây đa số là người già mắc các bệnh huyết áp, tiểu đường, xương khớp…
Nỗi niềm day dứt khi sức tàn
Bà Tố tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng phải đến đấy, vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu? Ra đây tôi thấy vui, khoẻ và có ích lắm, lúc nào không ra là thấy nhớ”.
Trước đây bà và bà Sóc là người trực tiếp thăm khám, tuy nhiên tuổi đã cao, tai nghe không được rõ cho nên các bà lùi về sau để những người nhanh nhẹn hỗ trợ người bệnh.
Ngồi kế bên bà Tố, bà Lê Thị Sóc kể: ‘Trước đây bà Tố ở phường Tương Mai, tôi ở phường Giáp Bát, cùng tham gia trong Hội Chữ thập đỏ. Nghe bà Tố tâm sự về ý tưởng mở phòng khám từ thiện, tôi ủng hộ ngay. Ở đây tôi là người cao tuổi nhất, khi người dân đến khám, với kiến thức đã có chúng tôi sẵn sàng tư vấn hết mình".
Dù ở tuổi 91 nhưng bà Sóc cũng như bà Tố và các bác sĩ ở đây vẫn tinh nhanh, minh mẫn và khoẻ mạnh. Từ bác sĩ đến những bệnh nhân khi bước vào phòng khám luôn đầy ắp tiếng cười. Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, kê đơn, trò chuyện với người bệnh để lại ấn tượng sâu cho bất kỳ ai đã đến với phòng khám.
Là một bác sĩ, vợ một liệt sĩ, bà Tố luôn tâm huyết với các hoạt động xã hội. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của phòng khám miễn phí tại phường Giáp Bát, bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Hằng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình, bà Tố đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2018.
"Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người kế cận, sợ sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Chúng tôi chỉ mong muốn những bác sĩ về hưu rồi hãy ra đây thay thế chúng tôi để duy trì phòng khám...", bà Tố thở dài nói.
Bà bảo, bà chỉ mong sức khỏe để tiếp tục được làm việc có ích cho xã hội, để được trò chuyện vui tuổi già cùng các bệnh nhân khi tới đây. Dù chỉ là đo huyết áp, hay tư vấn hỏi han về thuốc uống bà cũng cảm thấy vui và mãn nguyện.
Nhìn những hành động, cử chỉ, nụ cười thân thiện của các bác sĩ tuổi gần 90 dành cho mỗi bệnh nhân, tôi mới thực sự cảm nhận hết tấm lòng y đức cao cả tại nơi này. Họ là những người đang gạn chắt chút sức lực còn lại trở thành điểm tựa tinh thần cho từng bệnh nhân, gia đình mỗi khi tìm đến đây.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát, cho hay, phòng tư vấn cho nhân dân của bà Tố và những đồng nghiệp của bà được chuyển về phường này từ năm 2004, hoạt động duy trì đều đặn.
Từ ngày có phòng tư vấn trên địa bàn đã giúp được cho rất nhiều người. Những người dân đến đây đều được tư vấn, đặc biệt phù hợp với những người cao tuổi.
"Chính quyền và người dân rất trân trọng các bác làm công việc này vì hoàn toàn tự nguyện. Khi nói ra phòng tư vấn ở phường, các cụ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng, nhiều người về thực hiện theo, ai cũng rất yên tâm", bà Hoa nói.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-bac-si-dau-bac-va-phong-kham-0-dong-giua-long-thu-do-a67460.html