Hà Giang: Triển khai nhiều giải pháp 'giải cứu' cam

Do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi và thị trường chịu tác động dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một lượng cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang bị rụng. Để giúp người dân giảm bớt thiệt hại, UBND tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều giải pháp “giải cứu” cam.

Hà Giang: Triển khai nhiều giải pháp “giải cứu” cam 

Nhiều điểm “giải cứu” cam sành được mở trên địa bàn TP Hà Giang. Ảnh: Trần Quý

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, hiện trên toàn tỉnh có 8.865ha cam, trong đó có 6.388,5ha cho thu hoạch. Sản lượng cam niên vụ 2019 - 2020 ước đạt 71.744,47 tấn.

Trong đó, diện tích cam sành cho thu hoạch 5.261ha, năng suất bình quân ước đạt 115,5 tạ/ha, sản lượng cam sành ước đạt trên 60.765,47 tấn. Các loại cam Vinh, V2, cam Đường canh 1.798ha, diện tích cho thu hoạch 1.127,5ha. Năng suất bình quân ước đạt 97,7 tạ/ha. Sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn.

Tính từ trung tuần tháng 9/2019 đến ngày 16/2/2020, sản lượng cam đã tiêu thụ ước đạt 42.125,2 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cam toàn tỉnh.

Giá bán bình quân cam vàng (V2) giao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; cam sành (giá tại vườn) giao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg; giá giao dịch cho các siêu thị giao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên lượng tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và cam nói riêng bị giảm mạnh nên thu hoạch cam chậm, cùng với thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nên một số diện tích cam bị rụng, gây thất thu cho người dân.

Tính đến ngày 18/2, sản lượng cam bị rụng khoảng 14.315 tấn. Ảnh: Trần Quý

“Hiện tượng cam bị rụng bắt đầu từ ngày 9/2, thời điểm nhiều nhất là từ ngày 12/2 - 15/2. Tính đến ngày 18/2, tổng diện tích cam sành bị rụng quả khoảng 2.081ha, sản lượng cam bị rụng khoảng 14.315 tấn” - ông Tiến cho biết.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ trồng cam trong việc tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng điểm bán cam sành tại TP Hà Giang, bắt đầu thực hiện từ ngày 18/2.

Tiếp tục triển khai cung ứng sản phẩm cam sành theo đơn đặt hàng của siêu thị Vinmart và các đơn vị đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; triển khai, liên hệ tìm kiếm đối tác mới, xúc tiến mở rộng thị trường tại một số tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Hồng để tiêu thụ cam sành…

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dược Bảo Châu cho biết, ngoài sản lượng Tập đoàn Dược Bảo Châu đã ký kết thu mua với các HTX và người dân, Tập đoàn đã và đang thu mua “giải cứu” thêm 150 tấn cam với giá 10.000 đồng/kg.

Theo quan sát của PV, hiện nhiều điểm bán cam trên địa bàn TP Hà Giang đã được triển khai và người dân cũng rất ủng hộ. Đại diện Chi hội Spa - Thẩm mỹ Hà Giang cho biết, hưởng ứng chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ cam sành Hà Giang, Chi hội đã mở một số điểm tiêu thụ nhằm giúp các hộ trồng cam giảm bớt thiệt hại.

Tập đoàn Dược Bảo Châu mua “giải cứu” 150 tấn cam sành. Ảnh: Trần Quý

Theo ông Tiến, bên cạnh việc triển khai các giải pháp “giải cứu” cam trước mắt, UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các HTX, nhà vườn vệ sinh đồng ruộng tiến hành rắc vôi bột toàn bộ mặt vườn; kết hợp tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối để dưỡng cây cho niên vụ 2020 - 2021. Khẩn trương thu dọn toàn bộ số lượng cam rụng ra khỏi khu vực vườn, đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm sau đó vùi lấp kín để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống rụng quả đối với diện tích cam sành còn quả trên cây.

Nếu các vườn vẫn tiến hành để quả, khuyến cáo và hướng dẫn chủ vườn thu hoạch theo hình thức tỉa quả để tránh gây áp lực về dinh dưỡng khi cây vào chu kỳ ra hoa, đậu quả dẫn đến hiện tượng rụng quả.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Minh Tiến, UBND tỉnh Hà Giang đề xuất với ngân hàng có chính sách giãn nợ cho các hộ gia đình đã được đầu tư vay vốn đầu tư thâm canh, trồng mới cam theo Nghị quyết số 29 và tạo điều kiện cho các hộ đó vay vốn khôi phục sản xuất.

Cho lập Đề án để chuyển đổi cơ cấu giống cam, cải tạo chuyển đổi đối với diện tích cam sành sang giống cam khác (cam vàng, cam V2, cam Đường canh không bị thiệt hại) bằng biện pháp ghép mắt để xác định cơ cấu cây cam sành giữ ổn định 5.000ha ở những vùng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, còn lại chuyển đổi sang cây ăn quả khác, với mục tiêu giãn vụ, không tạo áp lực cung vào một thời vụ.

Trần Quý

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-giang-trien-khai-nhieu-giai-phap-giai-cuu-cam-a67509.html