Vừa là thầy thuốc, vừa là chuyên gia tâm lý với người bệnh
Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Sơn Lôi, những cái tên đại danh này đã trở thành từ khoá trong "cuộc chiến mở màn" chống "giặc" COVID-19 ở nước ta. Bởi Vĩnh Phúc hiện đang là địa phương có nhiều ca dương tính với COVID-19 nhất, trong đó huyện Bình Xuyên được coi là tâm dịch của cả nước và xã Sơn Lôi được coi là tâm của tâm dịch.
Trước tình hình đó, Phòng khám Đa khoa (PKĐK) khu vực Quang Hà thuộc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Bình Xuyên được tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định là trung tâm điều trị và là nơi thực hiện cách ly các trường hợp bị nghi nhiễm COVID-19.
Chưa kịp nghỉ ngơi cùng gia đình sau những ca trực Tết Nguyên đán Canh Tý, BS. Trần Quang Vịnh, 46 tuổi, Trưởng Khoa Bệnh Truyền nhiễm BVĐK khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc được điều động tăng cường đến PKĐK khu vực Quang Hà từ ngày 7/2, khi phòng khám phát hiện 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19 và trở thành nơi điều trị cách ly người nhiễm. Đến hôm nay tròn 20 ngày đêm, BS Vịnh chưa rời phòng khám phút nào.
Đây có lẽ là những bông hoa đẹp nhất mà BS. Trần Quang Vịnh nhận được trước ngày 27/2 năm nay, bởi đó là hoa được người nhà của bệnh nhân cuối cùng dương tính với COVID-19 tặng anh như một lời cảm ơn chân thành vì anh đã trực tiếp thăm khám, điều trị cho cả 3 người bệnh cùng một gia đình ở bức ảnh trên
"Là bác sĩ, tôi hiểu tình hình thực tế của dịch bệnh COVID-19 nên không cảm thấy lo lắng hay ngại ngần khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính. Nếu chúng tôi không ổn định tâm lý thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân, người bệnh sẽ lấy gì để dựa vào trong những lúc ốm mệt, trong lúc lo lắng vì mắc bệnh mới"- BS Vịnh cho biết
Là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với bệnh nhân, BS Vịnh hiểu được sự hoang mang, lo sợ của họ khi phải điều trị cách ly. Vì thế, cùng với điều trị, anh còn tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, coi người bệnh như người nhà, thăm hỏi, động viên hằng ngày. BS kể, bệnh nhân Th. (là người mặc áo vàng trong bức ảnh trên- PV) những ngày đầu mới vào điều trị, theo dõi hay có tâm lý lo sợ. chính vì thế những lần thăm khám cho chị, anh đều kiêm luôn chuyên gia tâm lý, trấn an "chị yên tâm, chị không có bệnh mạn tính và có sức đề kháng tốt, rồi sẽ khỏi, được về nhà"...
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế cùng trao đổi, chia sẻ về chuyên môn với các thầy thuốc tuyến dưới tại PKĐK khu vực Quang Hà
Tại PKĐK khu vực Quang Hà, nhóm bác sĩ và điều dưỡng gồm 24 người cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của Tổ công tác đặc biệt do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch điều động đã điều trị, theo dõi, chăm sóc trực tiếp cho 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19 và 39 người đang được cách ly. Họ chia nhau hàng ngày khám và đảm bảo sinh hoạt cho các bệnh nhân khi bị cách ly tuyệt đối. Nhiều người ngoài làm việc chuyên môn còn kiêm luôn cả nghề phụ như dọn dẹp vệ sinh... Chính vì thế họ thường xuyên phải làm việc 24/24h.
Bên cạnh việc điều trị cho các bệnh nhân, một yêu cầu khó khác là các y bác sĩ, nhân viên y tế phải chú ý kiểm soát nhiễm khuẩn. Đến nay 4 bệnh nhân đã khỏi bệnh, một người còn lại ổn định sức khỏe, và sắp ra viện là niềm vui của cả nhóm y bác sĩ chăm sóc họ thời gian qua. Điều mừng nữa là không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm. PKĐK khu vực Quang Hà đã trở thành tuyến huyện đầu tiên trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 chữa thành công các ca bệnh dương tính.
Điều dưỡng Xuân cười tươi bên 3 bệnh nhân dương tính với COVID-19 mà chị gắn bó trong suốt những ngày qua hiện đã khỏi bệnh
Cũng như tất cả bác sỹ, ý tá được phân công, điều động làm việc tại PKĐK khu vực Quang Hà, 3 tuần nay, điều dưỡng Lưu Thị Xuân chưa được về nhà.
Mỗi lần nhận điện thoại của gia đình, đặc biệt là của các con, chị Xuân biết các con nhớ mẹ, thế nhưng chị bảo vì nhiệm vụ của một nhân viên y tế, vì sức khoẻ của người bệnh và vì sự an toàn của người thân, của cộng đồng nên trong những ngay, chị và các đồng nghiệp không thể về nhà mình được, tự mình phải cách ly để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Thế nhưng chị Xuân bảo, chị và các đồng nghiệp làm việc tại PKĐK khu vực Quang Hà cũng chạnh lòng bởi gia đình chị và người thân của các y, bác sỹ làm việc tại đây bị hàng xóm kỳ thị, thậm chí người bán hàng cũng không muốn tiếp xúc...
Những bác sĩ tuyến tuyến Trung Ương về Sơn Lôi, Vĩnh Phúc "nằm vùng" để cùng bà con "chống giặc" COVID -19
"Chỉ khi nào chiến thắng dịch bệnh hoàn toàn, chúng tôi mới dám vui niềm vui trọn vẹn"
“50 năm, 60 năm hay lâu hơn nữa có thể quên, nhưng kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay thì không được phép quên, bởi lẽ chúng ta đang cùng nhau nỗ lực đánh một trận đánh lớn và trận chiến này chúng ta đã có những thành công bước đầu, mong rằng chúng ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh COVID-19”. Đó là tâm sự của BS Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc TTYT huyện Bình Xuyên.
BS Nguyễn Tuấn Minh cho biết, TTYT huyện Bình Xuyên là trung tâm y tế hạng 3, ngay từ khi xảy ra dịch bệnh chúng tôi đứng trước nhiều thách thức nhưng với sự hỗ trợ của Tổ công tác Bộ Y tế, cán bộ toàn ngành y tế huyện Bình Xuyên cùng các ban, ngành đoàn thể vẫn nỗ lực ngày đêm chống dịch.
BS Nguyễn Tuấn Minh: nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi lúc này
"Dẫu biết ngày kỷ niệm của ngành đã đến nhưng tất cả chúng tôi lúc này đây ai cũng chỉ vì công việc, nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi lúc này, chỉ khi nào chiến thắng dịch bệnh hoàn toàn, chúng tôi mới dám vui niềm vui trọn vẹn, mong là ngày đó sẽ đến sớm và lúc đó chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ được giao phó"- BS Minh nói.
Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi trong những ngày này đó là mỗi bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đến nay, bệnh nhân cuối cùng đã điều trị ở đây chính thức khỏi bệnh, niềm vui đó không có gì thay thế, đây chính là phần thưởng lớn cho chúng tôi nhân dịp 27/2.
BS Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, một trong những người được điều động về phụ trách PKĐK khu vực Quang Hà, tâm sự: “Từ khi được điều động đến đây dù công việc có nhiều áp lực, căng thẳng nhưng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng chống dịch, chúng tôi làm việc quên mình vì người bệnh, sẻ chia và cảm thông cùng người bệnh trong cuộc chiến cam go chống lại dịch bệnh.
"Công việc gia đình cũng gác lại một bên/ Gác lại ưu tư, chuyện tình yêu đôi lứa/ Trong lòng họ có một trái tim thắp lửa/Sức khoẻ đồng bào hơn vạn những cái riêng..."
Nữ bác sĩ trẻ Hoàng Nhã Phương- Bệnh viện 109 Vĩnh Phúc được điều động về Sơn Lôi từ những ngày đầu chống dịch COVID-19 cho biết, Phương rất thích nhưng câu thơ trên bới Phương bảo "đó tưởng chừng như là tác giả viết tặng riêng cho em" vì đã 2 tuần qua, nữ bác sĩ trẻ này "gác lại mọi niềm riêng"cùng các đồng nghiệp về gắn bó với xã Sơn Lôi để khám bệnh, theo dõi sức khoẻ, điều trị các bệnh lý thông thường cho người dân trong xã, đồng thời cách ly những trường hợp nghi ngờ.
Ban đầu em đã rất lo lắng vì mình là bác sĩ trẻ lần đầu tiên xuống hỗ trợ cho y tế tuyến dưới, và cũng là lần đầu tiên được biết đến những nguy cơ mà dịch bệnh mới này có thể xảy ra. Vì thế em và các đồng nghiệp luôn bảo nhau cùng nỗ lực đem những kiến thức và kinh nghiệm mình đã học, đã tích luỹ để làm tốt nhất nhiệm vụ được giao...
BS Nhã Phương cùng các đồng nghiệp trong giờ nghỉ tại Sơn Lôi
BS Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Khoa điều trị Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương- một trong những thành viên của Tổ công tác của Bộ Y tế, người đã được cử về “cắm chốt” tại địa phương từ ngày 14/2 đến nay chia sẻ: Những ngày này rất nhớ nhà, nhớ đồng nghiệp.
Mỗi lần gọi điện về nhà con gái đều hỏi: Bố ơi, bao giờ bố về?, nhưng vì nhiệm vụ và cũng là vinh dự của người thầy thuốc khi cần là sẵn sàng ra trận không ngại khó, không ngại gian lao, dù ngày trở về chưa biết là bao giờ nhưng tôi tin với sự quyết tâm nỗ lực của các bác sĩ, của mỗi cán bộ ở đây, ngày đó sẽ đến sớm và chúng tôi sẽ sớm được trở về với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Không cả kịp uống nước, mặt hằn vết khẩu trang trong ca làm việc.....
Tết Canh Tý 2020 là một cái Tết đáng nhớ đối với nhiều bác sĩ công tác tại BV Nhiệt đới TW, trong đó có BSCK 2 Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu. Anh và các đồng nghiệp của Khoa Cấp cứu trở thành những người tuyến đầu của tuyến đầu chống dịch...
BS Trung Cấp kể, trước Tết khoảng 2 tuần, khi Trung Quốc thông báo về một căn nguyên viêm phổi mới ở Vũ Hán, anh và các đồng nghiệp trong bệnh viện đã bắt đầu thành lập những nhóm theo dõi sát các thông tin về diễn biến dịch bệnh và báo cáo tại các cuộc họp giao ban hàng ngày.
"Sau khi đã khẳng định được dịch có nguy cơ lan rộng và lây lan sang Việt Nam, chúng tôi tập trung vào tìm hiểu các nghiên cứu về dịch bệnh mới này của các đồng nghiệp Trung Quốc và thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Những bữa trưa muộn, ăn vội trong mùa dịch, không chỉ diễn ra với BS Cấp mà với nhiều đồng nghiệp khác tại BV Bệnh Nhiệt đới TW
Cùng với đó, chúng tôi xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tạm thời rồi trình lên Bộ Y tế. Bộ cũng nhanh chóng xem xét, thành lập hội đồng chuyên môn và ban hành kịp thời. Ngay sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi tập huấn nhắc lại cho cán bộ, công nhân viên về việc đảm bảo an toàn, sử dụng trang thiết bị phòng hộ, xử lý rác thải đồng thời xây dựng kế hoạch đáp ứng” – BS Cấp chia sẻ.
Thế nhưng theo BS Cấp, trong những lúc hối hả như vậy, nhưng anh và các đồng nghiệp vẫn liên tục bị làm phiền. "Mấy ngày đầu chúng tôi quá tải vì một số người gọi lên đường dây nóng để trêu chọc. Chỉ từng ấy thời gian nhưng quá đủ thời gian để các bác sĩ của chúng tôi kiệt sức.
Bệnh nhân được cách ly tại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Chưa hết, có một số đối tượng còn có hành vi phá hoại, vào bệnh viện quấy rối, trêu chọc, hạch sách các bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch.
Trong lúc chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch thì lại còn phải đi xử lý quá nhiều fake news (tin giả). Lúc đó, chúng tôi quá mệt mỏi, chúng tôi quá kiệt sức”- BS Cấp kể
Cũng theo BS Cấp, để đảm bảo công tác chống dịch, mệnh lệnh của Ban lãnh đạo Bệnh viện đưa ra đối với toàn thể các y bác sĩ cảu Bệnh viện là không được rời Bệnh viện quá 50 km và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập. Việc này đã được quán triệt trước Tết 1 tuần để đảm bảo sự chủ động trước nguy cơ dịch tràn vào Việt Nam.
Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải vào mỗi đợt giao mùa, đỉnh dịch, bùng phát dịch… là điều đã quá quen thuộc, với lượng bệnh nhân lớn hơn rất nhiều so với con số hơn chục ca dương tính do COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại.
Không chỉ riêng BS Cấp, mà nhiều y bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới kể, trong guồng quay của dịch bệnh và chống dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ trong BV phải chịu một áp lực lớn đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng.
“Nhiều năm công tác ở BV Nhiệt đới, tôi đã quen với điều này. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa chính vì sự hoảng loạn quá mức. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn”- BSCK 2 Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Còn BS.Trần Thị Hải Ninh- Trưởng Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Mình đã được dạy về lòng biết ơn "cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy", cũng đã được dạy về sự hy sinh không đòi hỏi "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta". Từ khi làm trong ngành y, càng thấm thía hơn những điều đó. Thế nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc”.
Hai bệnh nhân cuối cùng trong số 5 bệnh nhân dương tính COVID- 19 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW đã khỏi bệnh từ ngày 18/2
Đã được tiếp xúc với nhiều y bác sĩ, nghe họ kể về công việc của mình và đọc thêm những chia sẻ của BS Hải Ninh trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, chúng tôi như càng được biết đến nhiều hơn những vất vả của các chiến sĩ áo trắng...
Nữ bác sĩ duy nhất vào tâm dịch Vũ Hán đón bà mẹ mang thai
Nữ BS N.T.H.P. (sinh năm 1989) của BV Phụ sản TW là một trong 3 nhân viên y tế Việt Nam có mặt trên chuyến bay ngày 10/2 đón 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, với nhiệm vụ đón một thai phụ đang mang thai 8 tháng.
BS H. P. kể, lúc đầu khi được biết sẽ tham gia đoàn công tác, chị rất bất ngờ và lo lắng. Lo vì vào tâm dịch, lo vì không biết trên đường về bà mẹ mang thai có vấn đề gì không, rồi 14 ngày cách ly sau đó... Chị đã giấu không nói với bố mình về việc tham gia chuyến đi này “vì sợ bố quá lo lắng, không cho đi”.
"Lúc đầu tôi được thông báo là có một thai phụ 8 tháng trong số 30 công dân Việt Nam về nước, tôi đã chuẩn bị một số phương án nếu sản phụ chuyển dạ trên máy bay, bị sản giật, tiền sản giật, nhau tiền đạo ra máu, đẻ non... Gia đình tôi lúc đầu cũng lo lắng, nhưng đây là nhiệm vụ và tôi đã lên đường chỉ 4 ngày sau khi có quyết định lập tổ công tác"- BS P. nói.
"Trước khi đi, mình liên lạc với bố của sản phụ, rồi có số điện thoại của bạn ấy. Bạn ấy kể 1 tháng nay có dịch nên không đi khám được, nhưng tiền sử bạn ấy khỏe mạnh, thai 36 tuần, mình đã gửi các khoa dược, vật tư, khoa đẻ để mang đồ theo nếu sản phụ sinh con trên máy bay. Cả nhà mình thì chuẩn bị đồ cho mình mang theo vào khu cách ly, em gái mình là bác sĩ nhi thì gửi thông tin về bệnh vì sợ mình quên...
Tối 9/2 mình lên đường đi Vũ Hán, cùng 2 cán bộ của BV Bệnh Nhiệt đới TW, trên máy bay là hàng hóa Việt Nam tặng Trung Quốc và về là đón các công dân Việt Nam"- BS P. kể lại
BS H.P cho biết: Sau khi bốc dỡ hàng hóa, cả đoàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bằng việc kiểm tra thân nhiệt, rồi lên máy bay lại kiểm tra thân nhiệt cho những người được đón về, riêng chị nghe tim thai, đo huyết áp... cho thai phụ, tất cả đều mặc đồ bảo hộ.
Hơn 5h sáng 10/2, máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Hơn 7h, nữ bác sĩ cùng đoàn lên xe về khu cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới TW.
Tối 11/2, để ghi nhận, động viên kịp thời các bác sĩ trong đoàn công tác, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc BV Bệnh nhiệt đới TW và BV Phụ sản TW đã tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam về nước.
Sự hy sinh thầm lặng - cuộc thi viết về những tấm gương thầy thuốc do báo Sức khỏe & Đời sống phát động lần đầu tiên vào năm 2010 và tới nay đã tổ chức tới cuộc thứ V, là một cơ hội không thể tốt hơn, khiến cho cộng đồng hiểu đúng hơn, sâu hơn về người của ngành Y.
Chứng kiến các buổi lễ công bố bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, tôi đều được nghe họ nói lời cảm ơn chân thành đến các thầy thuốc- những người đã đem lại sự khoẻ mạnh cho họ, và tôi cũng thấy nhiều người bệnh đã tặng bác sĩ những bó hoa khi họ nhận được ngay trong lúc ra viện.
Bệnh nhi 3 tháng dương tính với COVID -19 khoẻ mạnh trước giờ ra viện
Ánh mắt bệnh nhân vui, họ bước chân vội vã, khoẻ mạnh về nhà sau những ngày ở tạm tại bệnh viện, đó chính là những quả ngọt mà thầy thuốc đã thu được trong công việc của mình...
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-thay-thuoc-cua-tuyen-dau-chong-dich-a67525.html