Theo tìm hiểu của PV, sự việc xuất phát từ đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Ngọ, Giám đốc HTX Lại Yên ký ngày 30-1 gửi UBND xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Theo đó, HTX Lại Yên được UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Lại Yên giao nhiệm vụ quét dọn vệ sinh, tưới đường D8 từ cầu Khum đến hết cầu vượt An Khánh từ tháng 2-2018.
Chủ tịch UBND xã Lại Yên "bút phê" tạm giao đất công nghiệp cho HTX Lại Yên quản lý và sử dụng
Đơn đề nghị này nêu, hiện tại trên Cụm Công nghiệp Lại Yên giáp kênh T24 còn một bãi đất vẫn bỏ hoang, nhiều đơn vị đổ thải bừa bãi. HTX Lại Yên đã phải dọn bỏ một số lần và đã làm cổng để ngăn chặn việc đổ thải đó. Chính vì vậy, HTX Lại Yên đề nghị UBND xã Lại Yên giao tạm thời cho HTX trông nom, quản lý; để vận dụng lao động như xe tưới, xe công nông, xe chở rác, thùng rác… và tăng gia sản xuất trên khu đất đó.
Sau khi nhận được đơn đề nghị của HTX Lại Yên, ngày 6-2, ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên đã ký kết luận Hội nghị giao ban UBND xã thường kỳ tháng 2-2020, nhất trí với đơn đề nghị của HTX Lại Yên. Ngày 7-2, ông Đỗ Xuân Hùng tiếp tục “bút phê”, ký và đóng dấu vào đơn đề nghị của HTX Lại Yên với nội dung:
“Thực hiện kết luận Hội nghị UBND xã họp ngày 6-2-2020. Nhất trí tạm giao cho HTX quản lý và sử dụng diện tích đất khu vực đầu cầu Đìa Sáo (đã quy hoạch khu xử lý nước thải của Cụm Công nghiệp) để làm nơi chứa công cụ, dụng cụ VSMT của HTX phục vụ dọn VSMT tuyến đường D8. HTX không được xây dựng công trình trong diện tích đất tạm giao sử dụng. Khi nào Nhà nước sử dụng diện tích đất này thì HTX phải bàn giao trả tập thể”.
Giám đốc HTX Lại Yên có "làm thay" chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước?
Thực tế, có nhiều tài liệu thể hiện, khoảng gần 4.000m2 trong khu đất này đã được Cty TNHH VNT đền bù cho các hộ dân từ năm 2002 và cũng đã được doanh nghiệp này quản lý, sử dụng từ đó đến nay. Trong khoảng 18 năm quản lý, sử dụng khu đất trên, Cty TNHH VNT cũng chưa bị cơ quan quản lý Nhà nước lập biên bản xử lý vi phạm. Đáng chú ý, trong đơn đề nghị của HTX Lại Yên và “bút phê” của vị Chủ tịch UBND xã Lại Yên đã không nêu rõ mốc giới, diện tích, đơn vị nào đang quản lý, sử dụng khu đất mà UBND xã đã tạm giao cho HTX quản lý và sử dụng.
Hàng rào và cổng tôn nằm ngay dưới chân hai trạm biến áp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Sau khi có “bút phê”, HTX Lại Yên có dấu hiệu “làm thay” chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này được thể hiện tại thông báo số 01/TB-HTX do bà Nguyễn Thị Ngọ ký ngày 12-2 gửi Cty TNHH VNT với nội dung: “HTX Lại Yên thông báo để Cty TNHH VNT có kế hoạch thu hoạch rau màu và dọn lều lán, trả lại mặt bằng cho HTX Lại Yên xong trước ngày 30-2. Nếu ngoài thời gian trên, phía Cty không thu hoạch và trả lại mặt bằng cho HTX thì HTX triển khai đưa vận dụng vào sử dụng, HTX sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
Đủ các loại rác thải, phế thải VLXD được đổ trái quy định giữa ban ngày
Sau đó, HTX Lại Yên đã dựng hàng rào tôn, làm cổng bịt lối vào khu đất ngay dưới chân hai trạm biến áp của Cụm Công nghiệp Lại Yên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện. Tiếp đó, HTX Lại Yên đã để cho một nhóm người thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật như đổ đất, phế thải VLXD, dùng máy móc san gạt, lấp một phần khu đất này. Đáng chú ý, việc đổ phế thải VLXD này đã lấp gần kín một trạm bơm nước.
Chôn lấp trạm bơm nước...
Trước hành vi đổ phế thải VLXD trái quy định, lấp trạm bơm, PV đã liên hệ với ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên để phản ánh. Song, hành vi đổ phế thải VLXD và đưa máy móc vào san gạt vẫn diễn ra công khai giữa ban ngày, bất chấp sự ngăn cản từ phía Cty TNHH VNT. Chỉ đến khi, PV đề nghị lãnh đạo CA xã Lại Yên vào cuộc thì hành vi đổ phế thải VLXD mới được ngăn chặn, máy móc cũng được đưa ra khỏi khu đất.
"Nuốt" cả trạm biến áp và hệ thống ống ngầm
Tại buổi làm việc với PV vào sáng 27-2, ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho hay, khoảng 18 năm trước, khu đất này đã được chuyển đổi sang đất công nghiệp.
Do UBND xã chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch Cụm Công nghiệp Lại Yên nên chưa xác định được đơn vị nào đang quản lý, sử dụng khu đất này. Đầu năm 2020, UBND xã nhận được thông tin có đối tượng tự ý rào tôn, đổ phế thải nên đã tiến hành kiểm tra và xác định khu đất này chưa giao cho đơn vị nào quản lý. Ông Hùng cũng thừa nhận, UBND xã không đủ thẩm quyền tạm giao đất nhưng trước khi tạm giao đất cho HTX Lại Yên quản lý và sử dụng, ông Hùng đã báo cáo và được lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức đồng thuận.
Nhận thấy, thông báo số 01/TB-HTX của HTX Lại Yên có dấu hiệu lạm quyền và việc đổ phế thải VLXD đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, ngày 21-2, đại diện Cty TNHH VNT đã có gửi văn bản tới UBND Hoài Đức và UBND xã Lại Yên để đề nghị hai đơn vị này rà soát lại hồ sơ, tài liệu để có căn cứ xác nhận lại địa giới chính xác phần đất thuộc sở hữu của Cty TNHH VNT, đồng thời yêu cầu HTX Lại Yên không xâm phạm đến khu đất của doanh nghiệp và giữ nguyên hiện trạng mặt bằng khi chưa có sự thống nhất giữa các bên.
Đại diện Cty TNHH VNT cho rằng, khoảng gần 4.000m2 đất nằm trong khu đất UBND xã Lại Yên tạm giao cho HTX Lại Yên quản lý và sử dụng thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp. Việc này được chưng minh bởi: Bản vẽ Trích đo bản đồ hiện trạng diện tích xin thuê đất của Cty TNHH VNT, tỷ lệ 1/500, đã được các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức ký và đóng dấu từ năm 2002; Bảng kê chi đề bù của Cty TNHH VNT cho 36 hộ dân với tổng diện tích là 13.980m2 đất, đã được đại diện UBND xã Lại Yên ký và đóng dấu ngày 22-3-2002 và hàng loạt phiếu chi tiền đền bù đất và hoa màu cho các hộ dân từ năm 2002…
Hành vi đổ phế thải VLXD trái quy định có bị xử lý, trả lại hiện trạng ban đầu; Chủ tịch UBND xã Lại Yên giải thích như thế nào về việc có dấu hiệu lạm quyền khi “bút phê” tạm giao cho HTX Lại Yên quản lý và sử dụng khu đất nằm trong Cụm Công nghiệp Lại Yên và đã được Cty TNHH VNT đền bù đất và hoa màu cho các hộ dân từ năm 2002 (?) báo sẽ thông tin trong bài sau.
Nhóm PV