Vừa qua, các hộ gia đình gồm: ông Phan Xuân Binh, bà Trương Thị Dung, bà Phạm Thị Thuật và bà Lương Thị Điệp đều trú tại thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, rất bức xúc và xót xa gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan chức năng. Theo đó, các hộ gia đình trên đều có ruộng đang canh tác lúa và thuộc diện thu hồi để GPMB thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất tôn màu tại địa phương do công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất POSHACO Hưng Yên là chủ đầu tư.
Người dân bức xúc, xót xa khi hơn 5.700m2 đất trồng lúa bị chủ đầu tư đổ cát san phẳng khiến không thể canh tác và không thể phục hồi. |
Trong khi người dân còn chưa đồng ý với mức giá bồi thường mà chủ đầu tư đưa ra thì vừa qua, đơn vị này đã ngang nhiên đổ cát san phẳng hơn 5.700m2 diện tích đất trồng lúa của 4 hộ gia đình. Hành vi thiếu trách nhiệm trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp hiện tại và nhiều năm sau đối với người dân.
Quá bức xúc trước những gì đang diễn ra, người dân đã làm đơn phản ánh gửi tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, đồng thời yêu cầu công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất POSHACO Hưng Yên phải chấm dứt ngay hành vi trên, phải múc hết phần cát đã san lấp trái phép, trả lại nguyên trạng diện tích đất nông nghiệp ban đầu và phải bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân.
Nhằm làm sáng tỏ sự việc, ngày 13/2/2020, PV đã về địa phương gặp gỡ người dân và có buổi làm việc với ông Phạm Thanh Xuân – Chủ tịch UBND xã Giai Phạm. Ông Xuân cho biết, việc chủ đầu tư đổ cát san lấp lên ruộng canh tác của người dân trong khi chưa thực hiện việc bồi thường như phản ánh là đúng. Ông Xuân cũng cam đoan là ngay ngày hôm sau sẽ gặp chủ đầu tư để buộc khắc phục sai phạm, buộc chủ đầu tư phải múc, gạt hết phần cát đã đổ lên ruộng của người dân và có phương án bồi thường thỏa đáng.
Tuy nhiên đến nay (3/3) người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ chủ đầu tư, toàn bộ diện tích đất trồng lúa hơn 5.700m2 của người dân bị san phẳng thì vẫn còn nguyên đó, chưa một gầu cát nào được xúc đi.
Người dân tập trung phản ánh cho rằng chủ đầu tư bồi thường với giá quá thấp khiến họ không thể đồng tình. |
Được biết, dự án trên đang được chủ đầu tư bồi thường cho người dân tổng các khoản cho 1 sào là hơn 130 triệu đồng. Hiện mới có khoảng hơn 50% diện tích của dự án được người dân đồng ý mức tiền bồi thường này. Số diện tích còn lại người dân cho rằng mức đền bù như vậy là quá thấp nên nhất quyết không đồng ý và muốn giữ lại ruộng để canh tác. Nhưng như những gì đang diễn ra, việc người dân bị chủ đầu tư ngang nhiên san vượt trên diện tích đất đang canh tác trong khi chưa thực hiện xong việc bồi thường đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Bởi kể cả khi chủ đầu tư cho xúc cát khỏi những thửa ruộng đã san lấp trái phép thì việc canh tác trên đó chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến nhiều năm sau.
Dự án Nhà máy sản xuất tôn màu này nằm trên địa phận 2 xã Giai Phạm và Đồng Than, huyện Yên Mỹ, có diện tích khoảng 65.000m2. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 201 tỷ 460 triệu đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án kể từ ngày dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư là từ tháng thứ 01 đến tháng thứ 08: hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Tháng thứ 9 đến tháng thứ 25: xây dựng các hạng mục công trình. Tháng thứ 26: đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động.
Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hưng Yên đối với dự án. |
Nhà đầu tư có trách nhiệm góp đủ vốn theo tiến độ đã cam kết và triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ đã đăng ký. Trường hợp công ty không thực hiện dự án theo đúng mục tiêu và tiến độ dự án đã được chấp thuận thì không được hưởng các chính sách ưu đãi.
Như vậy đến nay đã hơn 08 tháng trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa thể thực hiện xong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất, đền bù, giải phóng mặt bằng theo như cam kết tại Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hưng Yên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh sự việc tới bạn đọc
Phước Long
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hung-yen-chua-den-bu-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-van-ngang-nhien-san-lap-mat-bang-a67668.html