Vụ đốt kho xăng Nại Hiên năm 1951: 'Một ngày nào đó sự thật sẽ được tìm ra...'

"Một ngày nào đó, sự thật sẽ được tìm ra” là ước nguyện của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, cháu gái ruột của bà Phạm Thị Ngân - Người nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng năm xưa về việc xác minh bà mình chính là người đánh cháy kho xăng Nại Hiên năm 1951.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng niềm tin mãnh liệt vào truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê T.P Đà Nẵng, hiện sống tại quận Gò Vấp, T.P Hồ Chí Minh) vẫn đang kiên trì theo đuổi việc chứng minh sự thật về công lao của bà nội mình là bà Phạm Thị Ngân (tên thường gọi theo chồng là Phạm Thị Biên) đối với cách mạng.

Bà Phạm Thị Biên (Phạm Thị Ngân) (SN 19/2/1912 – MN 21/5/1962) đánh cháy kho xăng Nại Hiên (Ảnh chụp từ cuốn Truyền thống Cảng Đà Nẵng). (Ảnh tư liệu)

Chị Nhung đã lặn lội từ Nam chí Bắc tìm kiếm thông tin về bà nội mình, bỏ công sức đi tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng từng hoạt động cách mạng với ông nội, bà nội, chú ruột trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước như: Bà Nguyễn Thị Tám (Hay còn gọi là bà Hoài, sinh năm 1937, hiện trú 147/31 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) - Người khẳng định làm giao liên được phân công giao nhiệm vụ, cung cấp vũ khí, hướng dẫn cách sử dụng để đánh cháy kho xăng Nại Hiên, người trực tiếp gặp bà Phạm Thị Biên khẳng định thông tin nêu tại bản xác nhận thành tích ngày 5/4/2014.

Thậm chí, chị Nhung còn trực tiếp đến gặp ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa 5, 6), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (khóa 13); ông Trần Thận (Trần Cát), Khu Ủy viên Khu ủy 5, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Lê Đào, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, để xác minh bà Phạm Thị Ngân chính là người đốt cháy kho xăng năm 1951 và gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, đề nghị thành phố Đà Nẵng làm rõ những quan điểm được nêu tại Công văn số 7659/UBND-NC theo hướng cho rằng bà Phạm Thị Lệ Biên mới là người đốt cháy kho xăng.

Rõ nét nhất là trong bài viết: “Vụ đốt xăng Nại Hiên Tây: Những điều cần đính chính – Muộn còn hơn không” của chuyên viên Đỗ Minh Triết trên Tri ân đặc san số 105-110 ngày 30/4/2018 có trích dẫn: “Trong cuốn lịch sử Đảng bộ TP Đà Nẵng (Tập I) (1952-1954) phác họa hình ảnh chị Phạm Thị Biên rõ hơn: “...Ban Cán sự khu Nam đã tổ chức được công đoàn bí mật mang tên Phạm Bửu. Ở kho xăng Nại Hiên có một tổ Đảng do chị Phạm Thị Biên làm tổ trưởng... đồng chí Phạm Thị Biên được bầu vào Ban chấp hành phụ nữ thành phố Đà Nẵng và làm trung đội phó trung đội nữ du kích phường II khu Nam... Tháng 4/1950, chị Phạm Thị Biên được trên giao nhiệm vụ đánh kho xăng dầu Nại Hiên lần thứ 2”.

Cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Bình Hiên (1930-1975) xuất bản năm 2004 của nhà xuất bản Đà Nẵng viết: “Lực lượng công nhân Cảng, trong đó có nhiều người dân Nại Hiên đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi kinh tế, chống bọn chủ hà hiếp, bóc lột, đấu tranh chống bắt lính, chống thuế, chống lệnh cấm đi biển… gây cho địch nhiều khó khăn. Đồng chí Phạm Thị Biên cùng mẹ đào một hầm bí mật ở vườn nhà ông Biện Xim để cán bộ ta trú ẩn ban ngày. Hầm gần đồn Henly của Pháp tai xí nghiệp dầu Henly, nằm phía trên chợ Mới; địch lùng sục thường xuyên mà không phát hiện được. Tổ chức tin tưởng đưa đồng chí Biên vào làm ở kho xăng dầu Nại Hiên để hoạt động bí mật trong lực lượng công nhân khuân vác ở đây”.

Cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Phước Ninh (1930-1975) của nhà xuất bản Đà Nẵng trang 59 viết: “…còn một số cơ sở đơn tuyến hoạt động đáng tin cậy trong thời kì kháng chiến chống Pháp từ năm 1948 đến năm 1952, sau bị lộ, có một số thoát ly lên chiến khu như: Bùi Xuân Sum; Mai Xuân Lực; Huỳnh Kim Diệu (tức Mười Đền); Nguyễn Sỹ; Trần Chỉnh; Đỗ Kỉnh; Bùi Văn Nuôi; Lê Thương; Hà Thị Hòa; Nguyễn Thị Đế; chị Biên…”.

Về các nhân chứng thì Đại tá Lê Cổ viết xác nhận: “Tôi được giao nhiệm vụ hoạt động nội thành Đà Nẵng. Trong công tác nội thành tôi đã nhiều lần gặp gỡ và làm việc với chị Phạm Thị Ngân (Hay còn gọi là Phạm Thị Biên do gọi theo tên chồng là ông Nguyễn Văn Biên - Hai Ký). Lúc đó cơ quan lãnh đạo của TP Đà Nẵng tại chiến khu Hòa Liên (Hòa Vang), chị Ngân (Biên) và chị Nguyễn Thị Lai (cũng là cơ sở của ta nội thành Đà Nẵng) lên làm việc, trao đổi công việc, kinh nghiệm hoạt động và nhận nhiệm vụ được giao.

Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19/5/1951), chị Ngân (Biên) là cô công nhân hãng xăng dầu (Shell) của thực dân Pháp và được giao nhiệm vụ đánh kho xăng dầu này tại Nại Hiên - Đà Nẵng. Chị đã mưu trí dũng cảm dùng thuốc nổ đốt cháy kho xăng dầu Nại Hiện, tiêu hủy hàng triệu lít xăng dầu và tiêu diệt tiểu đội lính Âu - Phi canh gác kho xăng này của thực dân Pháp”.

Bà Nguyễn Thị Tám (Hoài) xác nhận: “Bà Phạm Thị Biên là cơ sở địch vận, thường gọi là chị Biên. Thực hiện cuộc họp kín tại nhà bà Phụng Ký (Nguyễn Thị Phụng) về việc đánh cây xăng Nại Hiên lập công dâng Bác. Lần thứ nhất, chị Biên đánh cây xăng không thành, lần thứ hai chị quyết tâm xin 3kg Plastic và 2 kíp nổ hẹn giờ do đồng chí giao liên Nguyễn Thị Tám (Hoài) là tôi trực tiếp mang đến nhà bà Phụng Ký. Ba ngày sau tôi trở lại nhà bà Phụng Ký để hướng dẫn chị Biên sử dụng kíp nổ chậm… Ngày 19/5/1951, chị Biên đánh cây xăng Nại Hiên bằng 3kg Plactic và 2 kíp nổ chậm…”.

Ông Lê Đào kể lại: “Năm 1951, với tư cách là Phó Thư ký Ban Chấp hành Liên hiệp công đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi đã mời chị Biên để gặp, biểu dương và mừng thành tích dũng cảm kiên cường của chị... Sau khi đánh cháy kho xăng, chị đã chạy vào Tam Kỳ và ghé vào cơ quan Liên hiệp công đoàn và ở lại đó hai ngày”.

Ông Hoàng Minh Thắng - Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, viết xác nhận: “Năm 1951, bà Biên là cơ sở của ta - Tổ trưởng Đảng ở cơ sở kho xăng Nại Hiên, được giao tổ chức lực lượng đánh kho xăng dầu Shell của Pháp ở Nại Hiên, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Sau đó cơ sở cho biết bà Biên đã tích cực tham gia tổ chức phụ nữ, công tác binh vận...”

Với những trang lịch sử, những lời nhân chứng ghi nhận trên, có thể khẳng định: Bà Phạm Thị Biên lúc đánh kho xăng Nại Hiên là người đã lớn tuổi, có kinh nghiệm và quá trình công tác được tổ chức đưa vào thực hiện việc này. Việc đánh kho xăng được thực hiện 2 lần, lần thứ 2 mới thành công. Bà Biên đã được nhận mìn, dây cháy chậm từ liên lạc và được hướng dẫn thực hiện các thao tác sử dụng vũ khí... Sau đó, bà đã được điều động lên chiến khu, do có khả năng đã bị lộ... Điều này phù hợp với những phần lý lịch nhận biết về bà Phạm Thị Ngân (Phạm Thị Biên).

Hơn 10 năm theo đuổi tìm công lý và sự thật về người đánh kho xăng Nại Hiên (Đà Nẵng) có tên là bà Phạm Thị Biên, có lẽ chị Nhung đã tới gần hồi kết. Khi chị Nhung liên tiếp nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ, Thành ủy Đà Nẵng về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của chị. Chị Nhung đã lặn lội gõ cửa từng cơ quan, tổ chức, gặp gỡ những nhân chứng để tìm kiếm sự thật với ước nguyện “một ngày nào đó, công lý sẽ được thực thi”.

Chiến tranh đã lùi xa, người dân ai cũng được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, thì nỗi day dứt, băn khoăn của thân nhân đối với những người không trở về càng mãnh liệt. Vậy nên việc xác nhận và tôn vinh người có công với cách mạng là việc làm hết sức cần thiết và là phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” truyền thống của dân tộc ta. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không thể để người có công bị lãng quên, thậm chí bị xuyên tạc sự thật, làm tổn thương đến danh dự của người đã hy sinh vì tổ quốc.

Không chỉ là một người phụ nữ quả cảm, dám đấu tranh, đi tìm công lý, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung còn là một nữ doanh nhân tài năng. Hiện chị đang là Giám đốc Công ty SX TM Dược mỹ phẩm WONDERA - người sáng lập thương hiệu Dược Mỹ phẩm Wondera. Với những nỗ lực cống hiến hết mình cho công việc và tạo cho mỹ phẩm Wondera có chỗ đứng trên thị trường chăm sóc sắc đẹp, mới đây, chị Nhung đã vinh dự nhận giải thưởng “Ngôi sao kinh doanh năm 2017” tại ngày hội “Tết Doanh nhân lần thứ 10” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, không chỉ thành công trên con đường kinh doanh, nữ doanh nhân Hồng Nhung còn là một người có tấm lòng nhân hậu và luôn mong muốn giúp đỡ mọi người. Dù bận rộn công việc và phải lèo lái cả một doanh nghiệp nhưng chị Nhung vẫn thường thu xếp thời gian tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong xã hội, đặc biệt là người già, người khuyết tật...

Một trong số đó là các hoạt động tiêu biểu: Trao tặng 20 chiếc xe lăn cho Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng trị giá 30 triệu đồng vào đầu năm 2018; Chương trình Chia sẻ kết nối yêu thương, trao tặng quà cho trẻ em nghèo khuyết tật ở Hội An, Quảng Nam dịp Tết 2017; Trao tặng quà cho trẻ em hở hàm ếch ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng; Trao tặng cho Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu 1 máy mổ u sơ tiền liệt tuyến (giá trị 4 tỷ đồng)…

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vu-dot-kho-xang-nai-hien-nam-1951-mot-ngay-nao-do-su-that-se-duoc-tim-ra-a67757.html