Trong khoảng 2 tuần vừa qua, chỉ với một cụm từ khóa “bánh mì thanh long” là công cụ tìm kiếm Google cho ra 25.100.000 chỉ trong 0,57 giây. Ẩn sau cụm từ này là hàng loạt các bài báo quảng cáo miễn phí cho dòng sản phẩm mới ra đời của một thương hiệu bánh tại TPHCM. Những cái “tít” báo lần lượt xuất hiện như “Dân TP.HCM xếp hàng dài cả trăm mét để chờ mua bánh mì thanh long”, “Xếp hàng dài chờ mua bánh mì thanh long”, “Rồng rắn xếp hàng mua bánh mì thanh long ở Sài Gòn”… đã cho thấy cơn bão truyền thông đã vô tình “đánh bóng” tên tuổi của doanh nghiệp.
Câu chuyện bắt đầu từ người chủ doanh nghiệp này tìm ra công thức làm bánh mì từ thanh long ngay giữa tâm dịch corona làm cho hàng tấn thanh long Việt Nam không tìm được đường xuất khẩu. Tò mò trước sản phẩm mới này và mong muốn cùng chung tay giải cứu nông sản Việt của người dân TPHCM giữa mùa dịch virus corona đã góp phần thúc đẩy kinh doanh cho doanh nghiệp bánh kẹo này.
Ở một trường hợp khác, một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm “giải cứu” dưa hấu đang ùn ứ vì dịch Covid-19 khi cho ra đời bún dưa hấu với hương vị, màu sắc mới mẻ và đã đưa lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Hàn Quốc. Công ty này đã tiêu thụ hơn 5 tấn dưa hấu cho đợt đầu tiên thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm. Doanh nghiệp này cũng cho giới báo chí biết sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm với ý tưởng tương tự, bao gồm bánh tráng, phở, mỳ, miến đậu. Đây không phải lần đầu, các sản phẩm sáng tạo, kết hợp với nông sản Việt nhận được phản hồi tích cực, nhất là trong những cơn khủng hoảng kinh tế như trong cơn dịch bệnh hiện nay.
Có thể thấy trên đây là hai trong số những ví dụ điển hình doanh nghiệp tìm cách quảng bá thương hiệu của mình giữa mùa đại dịch nguy hiểm đang hoành hành khắp các quốc gia Á sang Âu.
Truyền thông doanh nghiệp được hưởng lợi từ khủng hoảng
Giám đốc điều hành của một công ty truyền thông tại Việt Nam cho biết: “Trong cái rủi cũng còn có những cơ hội”. Bà cho biết nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời điểm hiện tại để lăng xê cho doanh nghiệp của mình nhằm tạo ra những thông tin tích cực cho khách hàng của mình. Một số ví dụ có thể kể đến như nhiều doanh nghiệp dùng truyền thông nội bộ (internal communications), những hoạt động đối nội của mình để tạo ra danh tiếng và đánh giá tốt hơn cho chính mình. Cụ thể là hãng điện tử Apple vào 29/1 vừa qua phát đi thông báo sẽ tiến hành kiểm tra nhiệt độ mỗi ngày cho các nhân viên của họ. Đây được xem là động thái trân trọng nhân viên, quan tâm đến sức khỏe nhân viên. Từ đó tạo ra những hình ảnh tích cực cho công ty Apple. Ngoài ra, các tập đoàn khác như Amazon, Facebook ra thông báo hạn chế nhân viên đi du lịch đến Trung Quốc và có những biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân và tập đoàn nước ngoài cũng chung tay cùng thế giới chống lại dịch viêm phổi do nCoV. Quỹ Bill and Melinda Gates của tỷ phú Bill Gates tuyên bố đóng góp 10 triệu đô la Mỹ cho các chiến dịch phòng chống dịch tại Trung Quốc và châu Phi. Trong đó, 5 triệu đô la Mỹ để phát triển vắcxin ngừa nCoV.
Tại Pháp, LVMH, tập đoàn sở hữu hàng loạt thương hiệu xa xỉ như Christian Dior, Fendi và Celine, quyên tặng 2,3 triệu đô la Mỹ, giúp Trung Quốc chống dịch. Tập đoàn thời trang xa xỉ khác là Kering sở hữu Gucci, Saint Laurent, Balenciaga, cũng ủng hộ 1 triệu đô la Mỹ cho Trung Quốc. Tỷ phú Francois Pinault, nhà sáng lập của Kering, chia sẻ: "Chúng tôi hướng tới những người bị ảnh hưởng bởi virus corona. Do đó, chúng tôi quyết định quyên góp tiền sớm nhất có thể để hỗ trợ".
Hãng thời trang thể thao Anta Sports gửi 1,4 triệu đô la Mỹ cho Hội từ thiện Trung Quốc (CCF), chuyên cung cấp vật phẩm y tế cho vùng dịch tỉnh Hồ Bắc. Một số tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Microsoft hay Dell cũng sát cánh cùng Trung Quốc chống dịch. Microsoft sẽ góp 150.000 đô la Mỹ và Dell 300.000 đô la Mỹ cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Số tiền trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ các đội y tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ nCoV.
Trước đó, các công ty Trung Quốc ủng hộ hàng chục triệu đô la Mỹ. Người giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma, đóng góp 14 triệu đô la Mỹ nhằm phục vụ công tác điều trị cho các bệnh nhân và phát triển vắc xin chống nCoV. Riêng tập đoàn Alibaba thành lập quỹ chống dịch trị giá 144 triệu đô la Mỹ để giúp bệnh viện ở Vũ Hán mua trang thiết bị cần thiết. Baidu, Tencent hay ByteDance (công ty mẹ Tik Tok) đã chi 115 triệu đô la Mỹ cứu chữa các bệnh nhân và phát triển vắc xin chống dịch nCoV. Huawei cũng đóng góp một phần kinh phí nhằm giúp thành phố Vũ Hán xây dựng bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn...
Trước những nghĩa cử cao đẹp đó, giới làm truyền thông cho rằng những hoạt động từ thiện, CSR, quyên góp tiền cho công tác nghiên cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân corona trong thời điểm này thì sẽ được quan tâm hơn những thời điểm bình thường do đại dịch corona đã nằm trong tâm thức (top of mind) của nhiều người và hiện những từ khóa liên quan đến virus corona đang dẫn đầu các kết quả tìm kiếm thông tin. Tùy vào quyết định của họ, có những doanh nghiệp sẽ im hơi lặng tiếng trong thời điểm này bởi họ cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm và nếu đưa những thông tin không phù hợp sẽ tạo ra những ảnh hưởng trái chiều. Còn những doanh nghiệp chọn hướng lên tiếng sẽ tạo ra những tích cực trong mắt khách hàng của mình.
Tuy chưa có con số tổng kết chính thức về cuộc chiến virus corona đã tác động giúp truyền thông doanh nghiệp tăng trưởng như thế nào nhưng báo chí thế giới đã góp phần quảng bá tên tuổi cho những tập đoàn nói trên. Theo Tiến sĩ Ngành Truyền thông Clāra Ly-Le, Giám đốc điều hành Công ty EloQ Communications: “Ở thời điểm nhạy cảm hiện tại, bất cứ thông tin nào dù tốt hay xấu, một doanh nghiệp sẽ được hay bị khuếch đại (amplify) rất nhiều lần bởi người dân sẽ theo dõi sâu sát những tin tức liên quan đến sự kiện virus corona. Cho nên nếu doanh nghiệp lựa chọn tạo dựng cơ hội cho mình trong thời điểm này cũng cần áp dụng những nguyên tắc chính trong ngành Quan hệ Công chúng (PR) đó là ‘Nội dung là Vua’ và ‘Tính trung thực (Authenticity) cũng là Vua’. Tức là doanh nghiệp phải lựa chọn đưa ra thông điệp gì và như thế nào là phù hợp, cũng như làm sao để mọi người thấy tính chân thật trong mọi hoạt động hay thông báo mình đưa ra trong thời điểm đại dịch hiện tại”.
Tác giả Vi Mai là Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ công chúng của EloQ Communications (https://www.eloqasia.com/vi/). Vi có 11 năm kinh nghiệm ngành báo chí và tiếp thị mạng xã hội, đồng thời là người lên kế hoạch chiến lược cho nhiều dự án của EloQ. Chia sẻ của công ty EloQ Communications về tình hình coronavirus và các rủi ro, cơ hội cho doanh nghiệp. Tham khảo thêm các bài viết chuyên môn của EloQ tại https://blog.eloqasia.com/category/vi/ EloQ Communications là agency hàng đầu về quan hệ công chúng (PR) và truyền thông marketing tích hợp (IMC) có trụ sở tại TP.HCM. EloQ có kinh nghiệm hợp tác với những công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Viêt Nam, bao gồm nhiều khách hàng đa dạng đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những công ty trong danh sách Fortune 500, nhiều tập đoàn đa quốc gia và những công ty nội địa. |
Vi Mai
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/truyen-thong-doanh-nghiep-toa-sang-giua-dai-dich-a67972.html