Bà Trần Thị Bích Thuỷ ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chính là một trong những tấm gương điển hình khi đã quyên góp 50 tấn gạo nhằm giúp đỡ cơ quan chức năng phòng, chống dịch Covid-19. Hành động này của bà đã khiến nhiều người ấm lòng và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc.
Bà Trần Thị Bích Thủy, người đã góp 50 tấn gạo để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Anh: PNVN
Được biết, 50 tấn gạo có tổng trị giá 600 triệu đồng, được trích từ lợi nhuận của công ty. Trong đó, 20 tấn gạo được phân bổ về hai cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang.
Theo tìm hiểu, bà Bích Thủy là chủ công ty chuyên về sản xuất, vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu. Nhiều người gọi bà với cái tên “đại gia chân đất”, bởi dù là giám đốc của một doanh nghiệp lớn nhưng bà bà thường xuyên đi chân đất khi làm việc.
Nữ đại gia quen đi chân đất, từng nhặt rác kiếm sống. Ảnh: MXH
“Từ khi dịch bùng phát, tôi xem trên tivi thấy các bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội vô cùng vất vả, phải nhường cả nơi ở, sẵn sàng nằm ngoài trời để kiểm soát dịch bệnh không cho tràn vào nước ta.
Thấy những hình ảnh đó tôi rất khâm phục và quyết định mình phải làm gì đó để giúp đỡ. Từ đó, tôi quyết định trích tiền ra mua 50 tấn gạo ủng hộ công tác phòng chống dịch. Hiện số gạo này đã được chuyển đến các nơi phòng dịch”, bà Thủy chia sẻ với Công An TP.HCM
Đây cũng không phải là lần đầu tiên bà Thủy giúp đỡ người nghèo. Trước đây, bà từng ủng hộ dân những vùng lũ quét, hàng năm vẫn trích lợi nhuận công ty giúp những người có hoàn cảnh khó khăn và từng quyên góp hơn 6 tỷ đồng xây dựng trường học ở địa phương.
Trên tờ Phụ Nữ Việt Nam, bà Thủy cho biết: “Tôi cũng xuất thân bần hàn, quần xắn ống thấp ống cao đi lên từ 2 bàn trắng nên tôi luôn muốn giúp đỡ những người xung quanh mình trong khả năng có thể.”
Được biết, bà Thủy sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, lên lớp 3 đã phải bỏ học vì gia đình không có điều kiện. Lên 13 tuổi bà phải đi nhặt rác kiếm sống và cũng ở cái tuổi được vui chơi, học hành bà kết hôn với một người đàn ông cùng huyện. Vừa lăn lộn kiếm sống, bà còn phải gánh vác trách nhiệm của một người vợ, vất vả lại chồng chất vất vả.
"Từ ngày làm vợ, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, tôi vẫn giữ cái thói quen đi chân đất ấy trong từng ấy năm. Trong quá trình đi làm, tôi có tham gia một nhóm chuyên đi nhặt rác thuê cho một đơn vị. Họ chế biến các phế phẩm từ rác thải làm thành các vật dụng có ích.
Tôi xin vào đơn vị này học nghề. Sau hơn 5 năm làm công nhân, tôi đã làm chủ được dây chuyền công nghệ của họ", bà Thủy nhớ về quá khứ.
Năm 2000, từ những kinh nghiệm đã học được, bà Thủy liều lĩnh mở công ty riêng. Ngày đó, ai cũng cho rằng quyết định của bà đầy nguy hiểm, một người công nhân học chưa hết lớp 3, chỉ biết làm thuê thì sao có thể thành công trong vai trò của một bà chủ? Thế nhưng 6 năm sau, năm 2006, mô hình công ty của bà thành công và chính thức đi vào hoạt động.
Chính nhờ sự quyết tâm và táo bạo đó, giờ đây bà Thủy đã là chủ của một doanh nghiệp lớn sở hữu khối tài sản khổng lồ và luôn làm việc thiện, sẵn lòng hỗ trợ và âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Nguyệt Tú (Tổng hợp)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nu-dai-gia-chan-dat-o-bac-giang-la-ai-a68112.html